Rượu "chữa" đánh vợ

Rượu "chữa" đánh vợ
TP - “Rượu này có thể uống từng bát như uống bia, đặc biệt, uống vào thì không còn đánh vợ, càm ràm chửi bới hay gây lộn như trước kia nữa”- Già làng Blup A Măng (73 tuổi, thôn A Min, xã A Roàng, A Lưới, TT-Huế) đặt can rượu đoác trước mặt, tự hào khoe.
Rượu "chữa" đánh vợ ảnh 1
Hứng nước từ thân cây đoác để làm rượu Ảnh: Nguyễn Huy

Vòng vèo theo đường Hồ Chí Minh, tiếp giáp với biên giới Việt - Lào, chúng tôi tìm đến xã A Roàng - điểm xa nhất của huyện miền núi A Lưới. Những bản làng Tà Ôi nằm thấp thỏm trên những triền núi.

Hỏi nhà già làng Blup A Măng ai cũng biết vì ông còn là đại lý rượu đoác nổi tiếng khắp vùng. Quá giờ trưa, già làng vẫn cần mẫn băng rừng cắt đoác, nhoài người chở những can rượu đoác hàng chục lít về nhà.

Nước rượu mờ đục tựa nước vo gạo, lớp bọt khá dày trên miệng can, thốc mùi men đặc trưng của rượu. Già làng Blup A Măng rót từng cốc đầy mời các vị khách. Ngọt ngọt, chát chát, chua chua, hăng hăng, cay cay..., uống như bia mà lại có mùi của rượu.

“Ban đầu chưa quen có vẻ khó uống nhưng thử một lần là thích” - Già làng cười - “Giờ rượu đoác đã là đặc sản của người Tà Ôi rồi. Nó được dùng trong các dịp lễ lớn như tết, lễ thu mùa, lễ cúng lúa và trong sinh hoạt hàng ngày, thay cho các loại bia rượu bình thường khác”.

Anh Hồ Văn Diệu, Trưởng thôn A Min, cho biết: “Các loại rượu bán ngoài thị trường, uống vào đau đầu độc hại lắm, lại hay say nên uống vào là nói năng lung tung, rồi đánh đập vợ con nữa, gây mất hạnh phúc gia đình, trật tự làng xóm nên chẳng ai ưa dùng. Ở đây chỉ có rượu đoác thôi. Uống rượu này bao năm rồi, chúng tôi không thấy có vụ đánh đập vợ con nào cả”.

Ở tuổi thất thập, già làng Blup A Măng gần cả cuộc đời gắn bó với rượu đoác, lý giải theo cách giản dị: “Uống rượu đoác đến tàn cuộc vui thì ai cũng thấm mệt nhưng không phải say theo kiểu uống rượu thông thường nên chỉ nằm ngủ một giấc, thậm chí tắm xong một cái là lại tỉnh táo, khoẻ khoắn như thường”.

Bà Aret Ploh, vợ già làng hóm hém: “Đúng là ông ấy chưa bao giờ uống rượu đoác mà đánh đập vợ con cả. Rượu đoác được truyền tai nhau và phổ biến đến cả các bản làng khác nữa không riêng gì xã A Roàng”.

Chị Blup Thị Sô, vợ anh Hồ Văn Diệu cũng vui, kể: “Mỗi lần biết chồng đi uống rượu đoác là mình an tâm”.

Băng rừng, cắt đoác

Rượu "chữa" đánh vợ ảnh 2Rượu đoác trở thành một nét văn hóa của người Tà Ôi chúng tôi. Đã uống rượu thì không được đánh vợ con. Nếu đánh vợ con dân bản không cho mua rượu, uống rượu đoác nữaRượu "chữa" đánh vợ ảnh 3 - Già làng Blup A Măng

Già làng Blup A Măng chẳng nhớ rượu đoác có từ khi nào nhưng, từ khi còn nhỏ, ông đã uống thứ rượu đặc trưng này của dân tộc mình.

Tương truyền, rượu đoác đã có vài trăm năm trước khi các bậc tiến bối của người dân tộc Cơ Tu băng rừng, vì quá khát nước đã vô tình bắt gặp dòng nước chảy ra từ thân đoác lấy uống và phát hiện thứ mùi vị đặc trưng có thể làm rượu. Dần dần, rượu đoác phổ biến, lan rộng ra xã A Roàng sang A Đớt và nhiều vùng trên dải Trường Sơn này.

“Rượu được lấy hoàn toàn trong tự nhiên, không nhờ bất cứ công nghệ men nào” - Già làng Blup A Măng, cho biết.

Mỗi ngày, già băng rừng hàng chục cây số, cắt đoác làm rượu. Vừa phát hiện cây đoác to, già làng cẩn thận lấy dao rọc hết lớp lá, dây leo bên ngoài, xẻ một đường vào nõn chính của cây rồi cắm ống lồ ô vào hứng. Dòng nước túa ra mờ đục, chảy vào trong can đã để sẵn vỏ cây chuồn- một loại cây rừng.

Già làng A Măng giải thích: “Nước đoác ban đầu rất ngọt. Khi cho vỏ cây chuồn vào, nó thành rượu. Mỗi lần lễ hội, cả nam và nữ đều có thể dùng nước đoác và rượu đoác theo nhu cầu”. Mới hơn nửa tiếng, chiếc can một lít đã đầy ắp. Già làng lại tiếp tục tìm kiếm những cây đoác khác.

Theo anh Hồ Văn Diệu, cây đoác phát triển mạnh ở những khu rừng ven đường Hồ Chí Minh. Thôn A Min có gần chục người đi cắt rượu đoác nhưng không đủ cung cấp cho thôn bản dùng. Thường cây có độ tuổi vài ba năm là có thể cắt đoác làm rượu.

“Các công đoạn khá dễ dàng nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ” - Anh Diệu cho biết thêm - “Khoét đoác phải cẩn thận để đoác không bị chết. Sau một thời gian là lại có thể dùng tiếp được và cây đoác vẫn tiếp tục phát triển”.

“Rượu đoác là của tự nhiên. Những người băng rừng, cắt đoác như chúng tôi, bán rượu rẻ lắm, chỉ 4 – 5 ngàn đồng một lít”. Già làng Blup A Măng, nói. 

MỚI - NÓNG