>> Kỳ trước
Đồng chí Phùng Chí Kiên |
Như Tiền Phong đã thông tin trên số báo trước, từ lời kể của một số nhân chứng, sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm của gia đình và một số cơ quan chức năng, đoàn tìm kiếm đã khoanh vùng nơi mà cụ Vũ Công Vẹo (sinh năm 1910, đảng viên từng hoạt động cách mạng), đã chôn cất phần đầu của một chiến sỹ cách mạng bị địch sát hại tháng 8 năm 1941 mà họ nghĩ là đồng chí Phùng Chí Kiên.
Thời gian đã hơn 60 năm, mọi thứ nghi nghi hoặc hoặc. Với niềm tin vào lời kể của nhân chứng, đoàn tìm kiếm đã quyết định đào vị trí được chỉ dẫn là nơi táng phần đầu của nhà cách mạng.
Rạng sáng 8/5/2008, công việc khai quật đã được thực hiện. Các hiện vật được tìm thấy không nhiều, mọi thứ được bốc lên, niêm phong cẩn thận và chuyển giao cho đại diện Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng với những thủ tục cần thiết.
Với bất kỳ ai, việc giám định, xác định đúng hài cốt là không thể bỏ qua, với nhà cách mạng tiền bối Phùng Chí Kiên càng phải cẩn trọng hơn.
Các cơ quan có trách nhiệm đã vào cuộc, giám định những gì mà đoàn tìm kiếm khai quật được. Tiếc thay, kết quả giám định cho thấy đó không phải là phần đầu của đồng chí Phùng Chí Kiên.
Cần tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm
Cho đến hôm nay, có thể nói, mới chỉ có những kết quả nghiên cứu bước đầu, nhưng các nhà nghiên cứu, sử học quân sự đều có chung đánh giá, nhà cách mạng tiền bối Phùng Chí Kiên có những đóng góp to lớn cho Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cách mạng. Ông là một trong những vị cách mạng tiền bối lỗi lạc.
Theo những tài liệu chính thức, Phùng Chí Kiên tham gia cách mạng từ năm 1924 (khi 23 tuổi), vào Đảng năm 1931. Từ năm 1924, ông cùng một số thanh niên đầy nhiệt huyết, được tổ chức xuất dương sang Trung Quốc. Tại đó ông đã tìm mối liên lạc với Hội Thanh niên và năm 1925 được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.
Năm 1926, ông dự lớp huấn luyện Trường Quân sự Võ bị ở Hoàng Phố. Năm 1931, ông được cử sang học ở trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô, sau đó hoạt động trong Ban Hải ngoại của Đảng. Năm 1932, ông tham gia khởi nghĩa tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Tháng 3/1935, ông cùng các cán bộ của Đảng chuẩn bị soạn thảo Đề cương Đại hội Lần thứ nhất của Đảng ở Ma Cao, Trung Quốc, và được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. (Trong Bằng Tổ quốc Ghi công Liệt sỹ Phùng Chí Kiên còn ghi chức vụ trong Đảng của ông là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng).
Tháng 2/1941, khi Bác Hồ trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, ông cùng về nước với Bác. Tại hội nghị lần thứ tám, ngày 19/5/1941, ông được Trung ương phân công phụ trách lực lượng quân sự của Đảng. Ngày 21/8/1941, nhà cách mạng lỗi lạc Phùng Chí Kiên bị địch hành hình sau khi bị bắt và tra tấn dã man tại Cầu Ngân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Cao Bằng.
Hôm nay, đúng ngày giỗ của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên. Đã 68 năm ông rời xa trần thế. Những gì mà Tiền Phong đăng tải trong năm số báo mới là những gợi mở ban đầu từ kết quả nghiên cứu còn chưa đầy đủ về nhà cách mạng tiền bối Phùng Chí Kiên.
Những đóng góp của ông cho Đảng, phong trào cách mạng, rất cần được tiếp tục nghiên cứu. Và trên hết, chúng ta cầu mong phần di cốt chưa tìm thấy của ông tiếp tục được tìm kiếm.
Đó chắc chắn vừa là ước nguyện vừa là nghĩa vụ của Đảng, Nhà nước, của nhân dân và gia đình người chiến sĩ cách mạng Phùng Chí Kiên.