Bài 2: Chủ 'thầu khoán Dinh Độc Lập' và căn hầm chứa vũ khí

Những chiến sỹ biệt động Sài Gòn đặc biệt Xuân 1968

Những chiến sỹ biệt động Sài Gòn đặc biệt Xuân 1968
TP - Cho mãi đến tháng 6/2002, khi ông “chủ thầu khoán Dinh Độc Lập”- tỷ phú Mai Hồng Quế nổi tiếng, là nguyên mẫu của nhân vật ông chủ Hãng sơn Đông Á  trong phim “Biệt động Sài Gòn” trút hơi thở cuối cùng tại tư gia, nhiều người mới biết tường tận về ông tỷ phú từng là biệt động Sài Gòn.

>> Kỳ trước

Bài 2: Chủ 'thầu khoán Dinh Độc Lập' và căn hầm chứa vũ khí

Những chiến sỹ biệt động Sài Gòn đặc biệt Xuân 1968 ảnh 1
Chiến sĩ biệt động Năm Lai và các con sum họp sau ngày giải phóng Sài Gòn

Ông từng làm một người điên, một tỷ phú không tiền nhiều năm để tránh sự truy lùng ráo riết của địch từ năm 1968 cho đến ngày giải phóng miền Nam. Chưa một ai trong gia đình biết rõ ông cống hiến bao nhiêu tài sản đã cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chỉ có những đồng chí, đồng đội và chỉ huy biệt động thành Sài Gòn một thời mới biết tường tận về những đóng góp và vai trò to lớn của ông trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Ngày 20/7/2007, vợ tỷ phú Mai Hồng Quế- bà  Đặng Thị Thiệp (tức Đặng Thị Tuyết Mai) đã làm bảng liệt kê tài sản của gia đình phục vụ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những giấy tờ sở hữu mà ông cất giữ bấy lâu khiến nhiều người bất ngờ, ngạc nhiên:  6 căn nhà, 3 căn biệt thự lớn, 2 xe ô tô tải nhẹ hiệu Peugoet và Hino Pickup,  3 xe gắn máy và 800 lượng vàng.

Anh Bình (Trần Kiến Xương), con trai ông giải thích: Có lẽ vì ba không muốn anh em chúng tôi cậy thế, ỷ lại nên ba không bao giờ cho ai biết…Trong những căn nhà của ông là hầm chứa vũ khí bí mật và nuôi giấu cán bộ biệt động thành. Trong số đó, đã có 2 căn nhà trở thành di tích lịch sử gắn liền với chiến công của biệt động thành Sài Gòn và cuộc chiến đấu Tết Mậu Thân 1968.

Người điên bất đắc dĩ

Ông tên thật là Trần Văn Lai (còn gọi là Năm Lai, Năm U.SOM) sinh năm 1920 tại Kiến Xương, Thái Bình. Tháng 7/1942, ông vào Nam theo chân đoàn mộ phu cho các đồn điền cao su Pháp tại Dầu Tiếng, Phú Riềng làm phu cao su. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia vào tổ chức Tự vệ Quyết tử 950, làm công tác trừ gian, vận động tài chính và phá hoại tài sản hậu cần của địch.

Sau Hiệp định Geneva, ngoài 30 tuổi, ông lập gia đình lần đầu với bà Phạm Thị Chính, là cán bộ cơ sở cách mạng hoạt động trong ngành ngân hàng và giới tiểu thương tại các chợ lớn. Khoảng năm 1963, ông Hai Trí (Nguyễn Đức Thận) vốn là bạn chiến đấu cũ trong kháng Pháp móc nối Trần Văn Lai gây dựng cơ sở nội thành.

Bằng con đường làm doanh nhân, ông đã giao du với nhiều kiến trúc sư nổi tiếng và sự hỗ trợ âm thầm của đồng đội để tiếp cận cơ quan viện trợ Mỹ U. SOM và trở thành nhà thầu khoán Dinh Độc Lập, trang trí phòng họp, rèm cửa, màn che… Đang lúc công việc của ông thuận lợi thì bà Chinh vợ ông bị địch bắt tra tấn rất dã man đến chết. Bà được truy tặng danh hiệu liệt sĩ năm 1984.

Cuối năm 1965, thất bại trong chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến tranh cục bộ nên Quân khu chỉ đạo, ông Hai Trí và một cán bộ chuẩn bị tổ chức cơ sở tại nội thành xây dựng nhiều hầm bí mật chứa vũ khí chuẩn bị chiến lược lâu dài.

Và đây là bước ngoặt lớn trong đời Trần Văn Lai, từ một công nhân, ông sắm vai một chủ thầu khoán âm thầm hoạt động che mắt quân địch theo chủ trương “ba hóa” (nghề nghiệp hóa, quần chúng hóa, hợp pháp hóa).

Tháng 5 /1966, đồng chí Đỗ Tấn Phong - Tham mưu phó Phân khu 6, cụm trưởng biệt động thành thay mặt tổ chức đã chấp thuận hôn nhân của ông với bà Đặng Thị Thiệp để hợp pháp hóa gia đình làm bình phong che mắt địch dễ bề hoạt động. Bà buôn bán đồ Mỹ viện trợ còn ông làm thầu khoán Dinh Độc Lập. Nhờ vậy ông góp phần rất lớn cùng đồng đội lập nên chiến công hiển hách trong trận tấn công vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968.

Sau mùng 3 Tết Mậu Thân, cục diện trên chiến trường thay đổi, quân ta phải rút lui để bảo toàn lực lượng và chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Một số cơ sở của ta tại nội thành bị địch phát hiện triệt phá. Năm Lai và nhiều chiến sĩ biệt động bị địch truy lùng ráo riết.

Sáng Mùng 3 Tết, súng  hết đạn, ông Năm Lai trốn trong một thùng rác ở chợ Bến Thành. Đêm đến, ông rời  khỏi nơi ẩn nấp. Không có đồng tiền nào trong túi, không có giấy tờ tùy thân, chịu đựng và vượt qua trăm ngàn gian khổ, hiểm nguy, ông  mới tìm được về quê vợ ở Đà Nẵng.

Bà Thiệp về quê thăm chồng. Để tránh bị địch bắt, bà phải xoay xở cho ông đủ các giấy tờ chứng nhận là bệnh nhân tâm thần nặng. Suốt từ năm 1968 đến tháng 4/1975, ông Năm Lai-biệt động Sài Gòn, tỷ phú Mai Hồng Quế  sắm thành công vai một  người điên.

Căn hầm bí mật chứa gần 2 tấn vũ khí

Những chiến sỹ biệt động Sài Gòn đặc biệt Xuân 1968 ảnh 2
Căn hầm chứa vũ khí nhà riêng ông Năm Lai

Hẻm 287 đường Phan Đình Phùng cũ (nay là Nguyễn Đình Chiểu thông ra Võ Văn Tần) là xóm nghèo chuyên nghề thu mua ve chai, giấy vụn của người Hoa, sớm chiều tấp nập xe cộ chở lỉnh kỉnh các loại ve chai, giấy vụn ra vào.

Cụm trưởng A20 Biệt động Sài Gòn Hai Trí và Ba Đen (Ngô Văn Vân) gợi ý cho Năm Lai mua ba căn nhà 287/68, 287/70 và 287/72 (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu P. 5, Q.3, TP HCM) và tiến hành sửa sang, xây dựng hầm bí mật chứa vũ khí. Năm Lai đã biến phần dưới đất 3 căn nhà thành căn hầm bí mật 2 tầng, sâu 3 mét, mỗi chiều 2,5 m có lỗ thông hơi và nắp đậy bí mật liên thông nhau.

Giữa năm 1966, người dân quanh hẻm thấy ông chủ thầu Năm Lai thường xuyên lái xe Citroen loại nhỏ biển số NCE- 345 và ô tô tải Hino kiểu Pickup mang biển số EC 6045… chở các loại vật liệu xây dựng có dán giấy in hình con dấu “Phủ đầu rồng”.

Hầm xây xong, tổ chức bố trí cho ông tiếp nhận chuyến hàng thứ nhất. Đích thân Năm Lai - Mai Hồng Quế cầm lái. Tại điểm hẹn và đúng mật hiệu qui ước, Năm Lai với người lạ mặt trao đổi chìa khóa xe cho nhau. Đây là chiếc xe bí mật từ một cơ sở khác chuyển đến giống xe Mai Hồng Quế,  sau đó ông lái xe chở vũ khí, thuốc nổ về hầm nhà cất giấu an toàn.

Chuyến hàng thứ hai rất đặc biệt mà cụm trưởng Hai Trí giao cho Năm Lai thực hiện. Việc này  đòi hỏi không chỉ sự thông minh, khéo léo, bình tĩnh mà cả sự mạo hiểm sinh mạng. Vào một buổi chiều giữa năm 1967, tại ngã tư Suối Cụt gần Bàu Mây (Củ Chi) có một nông dân chở đến nhà bán cho ông Chín Trụ - thợ mộc lành nghề tại  ấp Thấp xã Thái Mỹ một bộ ván gỗ loại lớn.

Đó là bộ ván gỗ 2 tấm do anh Trần Phú Cương (tự Năm Mộc) trong thành phố thiết kế. Thoạt nhìn là bộ ván gỗ rất hoàn chỉnh, nhưng thực ra nó được ghép từ 2 mảnh lớn và 2 mảnh nhỏ lại với nhau, phía bên trong ruột đã đục rỗng đủ chứa các loại vũ khí như: B.40, B.41, AK và lựu đạn, thuốc nổ, kíp mìn...

Hai đầu tấm ván bít kín bằng lớp keo hóa chất đặc biệt và đóng đinh giữ chặt lại. Khoảng nửa tháng sau, tại đầu chợ Thái Mỹ- Phước Hiệp (Củ Chi) có một ông già chở bộ ván gỗ và bộ ngựa ván cùng một số miếng ván bìa, cây gỗ tạp trên chiếc xe bò rao mời khách mua ván rất nhiệt tình. Vài người ghé xem, hỏi giá cả nhưng rồi ai cũng thờ ơ bỏ đi vì không mua nổi.

Rất lâu mới có một chiếc xe Peugoet chạy đến đỗ tại đầu chợ, người lái xe vào quán thản nhiên ngồi uống nước. Tài xế là chiến sĩ Ba Bảo - một liên lạc viên rành rẽ đường đi nước bước từ Sài Gòn lên Củ Chi. Cũng chính anh là người được Ba Đen và Hai Trí giao chở bộ ván gỗ rỗng ruột lên Củ Chi tháng trước để “nạp” vũ khí vào.

Sau khi quan sát xung quanh và làm ám hiệu qui ước, Ba Bảo vờ ra hỏi thăm, ngã giá mua bộ ván gõ. Mặc cả ngã giá xong, ông già cẩn thận gọi thêm hai đứa cháu chạy đến phụ khiêng chất cả ván lẫn ngựa ván, gỗ tạp lên xe cho khách vì ván gỗ tương đối nặng.

Khách cảm ơn và thong thả nỗ máy xe chở về Sài Gòn. Trong lúc ông già Chín Trụ ung dung ngồi đếm tiền và lấy thuốc rê ra hút mỹ mãn hả hê, thì cũng là lúc tại một địa điểm khác trên đường vào nội đô, Ba Bảo và Năm Lai tráo đổi xe nhau. Năm Lai lái xe chở bộ ván gỗ đặc biệt về nhà 287/70 và chuyển toàn bộ xuống hầm bí mật an toàn.

Sau nhiều chuyến vận chuyển vũ khí, thuốc nổ tập kết an toàn, cuối năm 1967, Năm Lai nhận được lệnh  chuẩn bị tấn công địch. Ngày 28/1/1968, tại xã An Tịnh (Trảng Bàng - Tây Ninh), Đội biệt động do Ba Đen làm chỉ huy trưởng triển khai kế hoạch xâm nhập nội thành tại điểm tập trung nhận vũ khí tại một gara xe trên đường Phan Thanh Giản đánh vào Đại sứ quán Mỹ. Cũng chính Ba Bảo lái xe nhà binh đón các chiến sĩ biệt động vượt trạm gác địch tại Củ Chi tiến vào thành phố giữa trưa 30/1/1968.

Cũng trong ngày này, tại xã Vĩnh Lộc (Trảng Bàng), Đội 5 biệt động do Ba Thanh làm chỉ huy trưởng, Hai Thanh chỉ huy phó cùng các đội viên dũng cảm tổ chức họp và triển khai kế hoạch đánh Dinh Độc Lập nhưng mô hình tập dượt lúc này là Ty Cảnh sát quận 5.

Tối đêm 30 rạng sáng mùng 1 Mậu Thân, 19 cán bộ, chiến sĩ thuộc chiến sĩ biệt động đội 5 tổ chức ăn Tết trước và rà soát lại từng chi tiết nhỏ, từng vị trí, từng người trước giờ xuất trận.

Bằng nhiều cách che mắt địch, lúc 11 giờ đêm mùng Một Tết, các chiến sĩ biệt động đội 5 đã có mặt dưới hầm nhà thầu khoán Mai Hồng Quế và nhận vũ khí, thuốc nổ lên xuất hai xe đậu sẵn trên đường Trần Quý Cáp do Mai Văn Năm và Lê Tấn Quốc lái tấn công vào Dinh Độc Lập.

Đại tá Anh hùng quân đội Nguyễn Văn Tăng (Tư Tăng) nói về căn nhà  287/68-70-72 như sau: “Tại ngôi nhà anh Năm Lai, ban chỉ huy cụm tập hợp lực lượng về đây khui hầm vũ khí trang bị chờ xuất kích. Vì các kho vũ khí khác không đồng bộ nên cơ sở của anh Năm Lai được chọn làm trung tâm chi viện cho cả 5 mục tiêu. Nhờ các yếu tố táo bạo, bất ngờ và bí mật các chiến sĩ biệt động đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Ngày nay căn hầm chứa vũ khí mà đội 5 biệt động thành đã sử dụng đánh vào Dinh Độc Lập vẫn mang con số 287/68-70-72 thuộc đường Nguyễn Đình Chiểu, P.5 Q.3 trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Hộ khẩu gia đình ông Mai Hồng Quế vẫn ở đây nhưng chỉ trên giấy tờ .

Ông Nguyễn Quang Vinh- nguyên Thiếu tá đặc công, Hội Cựu chiến binh phường là người trông nom di tích và hướng dẫn khách tham quan di tích cho biết: Nơi đây mãi mãi lưu dấu trận đánh oanh liệt của đội 5 biệt động Sài Gòn vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, là một trường học lớn để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử chiến đấu…

Sài Gòn, trước thềm năm Mậu Tý 2008

MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.