Dưới cái nắng ngày đầu tháng 9, ông Lê Tất Dũng (xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) hì hụi sửa những đoạn dây cáp trên cầu phao. Nghe người dân bảo dây cáp bị lỏng, không thể để lâu, ông tất bật chạy ra cầu kiểm tra và sửa chữa. Lau vội giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen, ông Dũng cho hay toàn bộ hơn 200 hecta đất nông nghiệp của xã Đại An nằm bên kia bờ sông Vu Gia. Từ xưa người dân phải vượt sông mỗi ngày sang bên kia làm đồng.
“Con sông bình thường hiền hòa nhưng chỉ cần một trận mưa lớn ở thượng nguồn sẽ trở nên hung dữ, chực chờ nuốt chửng người qua lại. Biết nguy hiểm nhưng không có cầu, hàng nghìn dân làng vẫn phải vượt sông mỗi ngày bởi đi đường vòng mất hơn 17 km”, người đàn ông 52 tuổi chưa vợ nói. Con sông rộng chừng 80 m, trước khi có cầu phao hàng chục người đã phải bỏ mạng nơi đây.
Ba năm trước, sau lần đi đám tang thanh niên trong xã bị chết đuối trên đoạn sông này, ông Dũng quyết định bỏ hơn 300 triệu đồng tiền dành xây nhà để làm cầu phao cho dân làng. “Hôm đó tôi đi thắp hương thấy gia đình cậu thanh niên ngất lên ngất xuống trước quan tài mà không cầm lòng được. Cậu ấy là con một, vừa tốt nghiệp kỹ sư. Trong lúc bơi qua sông để lấy ghe chở cha mẹ về ăn cơm thì bị đuối nước", ông Dũng nghẹn ngào kể.
Ngày hôm sau, ông mời dân làng đến họp xin ý kiến về việc tự nguyện bỏ tiền làm cầu. Được người dân hưởng ứng, lão nông kiêm thợ cơ khí bắt tay thiết kế bản vẽ rồi gửi lên chính quyền địa phương xin phép. “Tôi sống một mình nên nhà lúc nào làm cũng được, việc có cây cầu đi lại cho người dân là cấp bách. Có sẵn tiền, tôi chạy ra Đà Nẵng mua thùng phuy, sắt, dây cáp… rồi một mình làm”, người đàn ông vẫn được dân làng gọi với cái tên thân mật “Dũng Bồ Tát” nói. 3 tháng sau, cây cầu phao chắc chắn dài 78 mét, rộng 2 mét hoàn thành.
Ông Dũng làm thêm lan can hai bên để đề phòng tai nạn. Ảnh: Tiến Hùng/VnExpress
Sinh ra trong gia đình đông con, năm lớp 4 mẹ qua đời, một năm sau đó ông Dũng phải bỏ học đi làm thuê ở xưởng cơ khí để kiếm tiền nuôi em. Khoản tiền 300 triệu đồng là do ông tích cóp sau nhiều năm làm thợ cơ khí.
Cây cầu phao do ông Dũng làm khá đặc biệt. Hai đầu cầu, ông đổ các trụ bêtông vững chắc để nối hệ thống dây cáp kéo căng khiến cầu không bị uốn cong bởi dòng nước. Phía dưới mỗi hàng ngang, thay vì thông thường chỉ làm 2 thùng phuy, ông Dũng dùng tới 4 thùng được hàn chặt với nhau để giữ cầu cân đối. Ngoài ra, ông còn thiết kế lan can bằng dây cáp để tránh tai nạn mà theo ông rất ít cầu phao hiện giờ làm như vậy.
“Nó có tải trọng gần một tấn, đến mùa mưa lũ, chỉ dùng tời kéo vào bờ. Cơn lũ đi qua thì lắp lại, tiện lắm. Bây giờ bà con không phải lụy đò nữa, đi ra đồng chạy xe máy bon bon đến ruộng”, ông Nguyễn May, Trưởng thôn Phú Lộc (xã Đại An) nói. Ông May từng ngã xuống nước khi đi qua đoạn sông này lúc chưa có cầu và may mắn được người dân cứu vào bờ.
Ông Huỳnh Sáu, Chủ tịch UBND xã Đại An, cho hay từ khi ông Dũng làm cầu cho dân làng, không còn vụ tai nạn nào xảy ra. “Xã không có con số thống kê cụ thể, nhưng trước khi có cầu, người dân bị đuối nước liên tục, hầu như năm nào cũng có người chết đuối khi qua đây làm đồng. Cảm kích trước hành động của ông Dũng, xã đã trao tặng 6 sào đất ruộng để ông canh tác”, vị chủ tịch xã nói.
Cây cầu không chỉ giúp dân làng xã Đại An đi làm đồng thuận tiện mà còn giúp hàng trăm học sinh của thôn 10 xã Đại Cường đi học được an toàn. Vốn là thôn xa xôi nhất của xã Đại Cường, thôn 10 chỉ cách xã Đại An con sông Vu Gia nên hàng ngày người dân vẫn qua đây đi chợ, đến trường. Nhiều học sinh phải ở lại trọ học vì không dám qua sông bằng đò mỗi ngày.
Mỗi ngày thuyền bè qua đây nhiều nên lại phải gọi ông Dũng ra tháo cầu. Ảnh: Tiến Hùng/VnExpress
“Làm xong cầu, có lần mẹ của anh Long ở thôn 10 bị bệnh hen suyễn uống nhầm thuốc phải đi cấp cứu, khi đến trạm y tế bác sĩ nói chậm 5 phút sẽ không cứu được. Sau lần đó anh Long làm lễ mời tôi đến ăn uống để cảm ơn vì không có cầu như trước đây chắc không cứu được mẹ anh ta”, ông Dũng vui vẻ kể và bảo chỉ cần thấy người dân vui là ông vui rồi.
Nói về nguyện vọng cá nhân, ông Dũng cho hay nhiều thuyền bè bị chặn bởi cây cầu nên hàng ngày phải đến gọi ông tháo ra để qua lại, trong khi hiện giờ ông đang có nhiều việc phải đi làm xa. Ngoài ra, cầu không phải bảo dưỡng lớn nhưng những việc như sửa, bôi mỡ cho dây cáp… cũng rất cần thiết nên ông muốn đề nghị chính quyền bỏ ít tiền thuê ai đó hàng tháng làm quản lý cây cầu để phục vụ dân làng tốt hơn.