Cuộc bỏ phiếu kép

Cuộc bỏ phiếu kép
TP - Đó là từ mà ĐBQH Bùi Thị An dùng để đo lường “sức nặng” của cuộc lấy phiếu tín nhiệm 47 vị lãnh đạo cao nhất đất nước lần đầu tiên được thực hiện (bản tin thời sự VTV1 tối 9/6).

> Hôm nay Quốc hội công khai kết quả phiếu tín nhiệm
> Danh sách 47 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm
> Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt

Bà An và không ít đại biểu khác đều nhận thức việc trọng này rằng: Đây không chỉ đơn thuần là cuộc đánh giá tín nhiệm của ngót 500 ĐBQH đối với 47 vị lãnh đạo cao cấp nhất, mà song hành với nó là cả một cuộc “bỏ phiếu” thầm lặng trong lòng dân, cuộc giám sát của ngót 90 triệu người dân với chính 500 người đại diện cho họ.

Hay nói như nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương trên VietnamNet, nếu ĐBQH bỏ cho tiếng nói, khát vọng của dân thì phiếu mới chính xác. Nếu không, thì bản thân các ĐBQH cũng sẽ bị người dân “bỏ phiếu” về mặt uy tín.

Sáng qua, trước cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý : “Đây là việc rất hệ trọng, đồng bào cử tri đang theo dõi và có ý xem Quốc hội làm việc thế nào...” và “Đề nghị Quốc hội cân nhắc thận trọng khách quan công tâm và đặc biệt chính xác qua lá phiếu”.

Quốc hội nước ta hiện có những đặc điểm riêng khác Quốc hội nhiều nước, ví như đa số ĐBQH không chuyên trách, chức vụ cũng rất khác nhau từ các đại biểu là Ủy viên Bộ Chính trị cho tới các Bộ trưởng, từ các đại biểu cấp chính quyền địa phương cho tới các nhân sĩ trí thức, các doanh nhân... Không ít đại ĐBQH hôm qua trong tâm thế “kép”, vừa là người chịu sự đánh giá tín nhiệm của các đại biểu khác, vừa là người thực hiện việc bỏ phiếu đánh giá.

Ngót 500 con người ấy, đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân trong gần 90 triệu đồng bào, hôm qua lần đầu tiên trong lịch sử 67 năm Quốc hội nước nhà đã thực hiện trọng trách “chấm điểm” năng lực, trách nhiệm và uy tín của 47 “công bộc” hàng đầu đất nước.

Đã có những băn khoăn, lo ngại trước ngày bỏ phiếu rằng, liệu các ĐBQH có đủ thông tin, đủ bản lĩnh, đủ năng lực để thay mặt dân đánh giá, “sát hạch” các “công bộc” ? Giữa bộn bề những bất cập khó khăn hiện nay, liệu tất cả đều đạt “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao” ? v.v...

Hôm nay, kết quả cuộc “sát hạch” lịch sử của Quốc hội sẽ được công bố công khai và chi tiết. Bất luận kết quả thế nào, Quốc hội đã làm được một việc lớn, chưa từng có, mang ý nghĩa trọng đại, thể hiện bản chất dân chủ, do dân và vì dân của nhà nước ta.

Đó là mọi vị trí trong bộ máy nhà nước từ hành pháp, lập pháp hay tư pháp, bất kể cấp bậc gì, đều nằm dưới sự giám sát của nhân dân, do nhân dân định đoạt. Điều đó nay không chỉ là khẩu hiệu mà đã có cơ chế cho toàn dân thực hiện, thông qua những người đại diện của họ tại Quốc hội.

Quan trọng hơn, cơ chế giám sát tối cao về nhân sự này, từ nay đã thành thông lệ !

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG