Ùn tắc giao thông: Áp dụng CNTT và phạt nặng

Điều tiết giao thông đô thị đang thiếu vắng sự hỗ trợ của CNTT
Điều tiết giao thông đô thị đang thiếu vắng sự hỗ trợ của CNTT
TP - Ông Trần Đình Lợi, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, nhận định, công nghệ thông tin (CNTT) chính là chìa khóa vàng để giải bài toán ùn tắc và tai nạn giao thông.

> Chính phủ nên mua dịch vụ công nghệ thông tin

Tại tọa đàm “Giảm tắc nghẽn, tai nạn giao thông bằng công nghệ thông tin (CNTT)” trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Công nghệ Thông tin-Truyền thông diễn ra hai ngày ở Hà Nội, 26-6 và 27-6, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, ông Trần Đình Lợi, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, nhận định CNTT chính là chìa khóa vàng để giải bài toán ùn tắc và tai nạn giao thông. 

Trả giá vì thiếu phần mềm

Theo TS Khuất Việt Hùng (Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải, Viện Quy hoạch & Quản lý Giao thông Vận tải, Trường Đại học Giao thông Vận tải), để có hệ thống giao thông đồng bộ, phải có mô hình giao thông tổng thể cho toàn quốc và cho từng địa phương.

“Chúng ta cần năng lực của đường bộ bao nhiêu, của cảng bao nhiêu, năng lực của hàng không thế nào? Nếu không có mô hình giao thông đồng bộ hay, nói cách khác, nếu không có phần mềm thích hợp để chạy và trả lời sân bay Long Thành, chẳng hạn, để nếu lập nên sẽ phải trả lời được các câu hỏi cơ bản như hiệu quả thế nào và hệ thống giao thông gắn bó với nó phải ra sao…, thì lãng phí lại hoàn lãng phí”, TS Hùng nói

“Dự báo giao thông của chúng ta chưa chuẩn”, ông Lợi nói. “CNTT có vai trò quan trọng giúp công tác dự báo giao thông được chính xác. Hai mươi năm trước, khi làm đèn tín hiệu, tôi đã nghĩ đến việc lập một viện nghiên cứu xử lý các số liệu thu thập được từ các trung tâm điều khiển trên tầng tư tòa nhà tại 45 phố Hàng Bài, Hà Nội, để có thể dự báo làm đường nào là trúng, theo hướng nào là trúng. Chứ không thể làm như bây giờ, theo tôi, quy hoạch theo hướng đường vành đai và hướng xuyên tâm là không trúng, với một thành phố trên 20 triệu dân.

Thủ đô Mạc Tư Khoa, Nga, cũng đã phải trả giá về kiểu quy hoạch này. Đấy là lý do vì sao tôi mong ngành CNTT sớm vào cuộc với ngành giao thông đô thị để giúp các nhà quy hoạch làm quy hoạch tốt hơn, dự báo chính xác hơn.

Theo TS Nguyễn Nhật Quang (Phó Chủ tịch VINASA, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ, VINASA), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong câu chuyện của mình có đề cập đến tầm quan sát của cảnh sát giao thông đứng ở vị trí làm nhiệm vụ chỉ chừng 200 m đổ lại. Khả năng thu nhận thông tin hạn chế ấy chỉ có thể được mở rộng bằng các hệ thống CNTT.

Giúp giải tỏa nhiều nút tắc

Chuyện thay đổi giờ học và làm việc ở các công sở chẳng hạn. Hôm đầu báo chí khen thay đổi giờ có tác dụng. Hôm sau các báo lại phản đối bảo là không có tác dụng. Vấn đề chính là tất cả các bình luận ấy đều không dựa trên cơ sở kiểm đếm định lượng nào cả.

Về mặt công nghệ, để có thể có hệ thống đo đếm định lượng theo yêu cầu như vậy, có khả thi không? Các đại biểu có mặt đều khẳng định rằng có.

Ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Giải pháp Kỹ thuật, Tập đoàn FPT, cho hay, Nhật, Mỹ, Đài Loan áp dụng CNTT từ lâu và rất thành công.

Còn ở VN, có thể tìm thấy một mô hình ứng dụng CNTT rất thành công là tại ngã tư đường Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng. Tại nơi từng được gọi là “vòng xoay tử thần” rất hay xảy ra tai nạn giao thông.

Từ khi đưa hệ thống đèn tín hiệu có sử dụng phần mềm điều khiển do các chuyên gia VN phát triển vào, tình trạng tắc nghẽn và tai nạn giảm hẳn.

Trong TPHCM, một trạm thu phí giao thông đường bộ được trang bị hệ thống giám sát tự động cho phép xác định được xe nào quá tải đi vào Cầu Sài Gòn.

Về ngắn hạn, chúng tôi đề xuất hệ thống phân tích chu kỳ đèn tín hiệu, có thể triển khai ngay cho các đường trục, đường xuyên tâm. Thứ hai là phần mềm cung cấp thông tin giao thông cho nhân dân trên địa bàn.

Theo đó, với các biển báo trên một số giao lộ quan trọng, người tham gia giao thông sẽ được thông báo tình hình giao thông tại các giao lộ tiếp theo thế nào để họ có thể tự điều chỉnh hướng đi cho bản thân một cách phù hợp.

Đơn vị của TS Hùng đang làm lại mô hình giao thông TPHCM để giúp Công ty Công nghệ Tiên Phong lập dự án thu phí xe hơi và lưu thông vào nội thành TP HCM.

“Chúng tôi cũng đang làm mô hình giao thông trong thành phố Đà Nẵng và chắc là đến cuối năm sẽ có mô hình này”.

Kiến nghị phạt nặng vi phạm giao thông ở TPHCM

Ngày 26-6, UBND TPHCM đã kiến nghị Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng mức xử phạt cao theo Nghị định 34, không phân biệt nội thành và ngoại thành nhằm kéo giảm tai nạn giao thông.

Trước đó, TPHCM đã áp dụng thí điểm xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành theo NĐ 34, phạm vi thí điểm bao gồm các khu vực nằm trên và trong các tuyến đường vành đai (trừ các đoạn đường thuộc địa bàn các huyện), gồm Quốc lộ 1A (bắt đầu từ nút giao thông Thủ Đức) - đại lộ Nguyễn Văn Linh - đường dẫn vào cầu Phú Mỹ - cầu Phú Mỹ - đường vành đai phía Đông TP - đường Nguyễn Thị Định - xa lộ Hà Nội - nút giao thông Thủ Đức.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG