TT - Huế: 'Chết yểu' dự án BV đa khoa khu vực phía Nam

TT - Huế: 'Chết yểu' dự án BV đa khoa khu vực phía Nam
TP - Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam (BVĐK KVPN) Thừa Thiên - Huế là một trong những dự án trọng điểm được UBND tỉnh phê duyệt năm 2003. Sau hơn 2 năm triển khai, công trình đã đột ngột dừng lại và “nằm im” vô thời hạn. 
TT - Huế: 'Chết yểu' dự án BV đa khoa khu vực phía Nam ảnh 1
Dự án BVĐK  vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng chỉ là đất hoang và những dãy lều rách nát

Dự án có tổng kinh phí thực hiện gần 100 tỷ đồng, do Sở Y tế Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, quy mô xây dựng thuộc loại lớn của địa phương, với công suất thiết kế 200 giường, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân vùng quy hoạch đô thị Chân Mây- Lăng Cô (huyện Phú Lộc) và các xã, thị trấn phía Nam tỉnh.

Vị trí xây dựng tại thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, trên diện tích rộng hơn 3 ha, được cải tạo từ đồng ruộng. Dự án thực hiện chủ yếu dựa vào nguồn vốn ODA, chiếm tỷ lệ 2/3 tổng chi phí, dưới hình thức viện trợ trang thiết bị y tế hiện đại, trọn gói cho bệnh viện.

Nhằm tạo lòng tin với đối tác tài trợ, cách đây 2 năm, tỉnh Thừa Thiên -Huế đã sốt sắng tìm vị trí, chuyển đổi đất nông nghiệp, làm đường, cải tạo mặt bằng phục vụ thi công.

Nhiều đất ruộng của nông dân ở các thôn Phú Cường, Phú Xuyên đã được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi để phục vụ dự án. Do triển khai cập rập, đầu năm 2005, tại thôn Phú Cường đã từng xảy ra tình trạng thắc mắc, khiếu nại trong dân vì ruộng lúa và hoa màu của một số gia đình gần đến kỳ thu hoạch, chưa nhận được tiền đền bù, đã bị các đơn vị thi công cày xới, bồi lấp để làm đường vào bệnh viện.

Tình trạng úng ngập vào mùa mưa lụt bắt đầu xuất hiện bất thường và liên tiếp trong 2 năm qua, sau khi đường dẫn vào bệnh viện trở thành một bờ đê băng ngang qua nhiều ruộng đồng, gây khó khăn cho vấn đề thoát lũ.

Đến nay, dự án đã thực hiện được các hạng mục ban đầu như: xây dựng tuyến đường dẫn dài hơn 1,3 km, cải tạo và san lấp mặt bằng trên diện tích 3 ha đất ruộng, hoàn chỉnh hệ thống tường bao…

Tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, khảo sát địa chất, thiết kế và triển khai các hạng mục khởi đầu đã tiêu tốn ngân sách trên dưới 15 tỷ đồng. Dự án bị “đứt gánh”, nên những hạng mục xây dựng dù đã hoàn tất vẫn trở nên vô dụng. Các đơn vị thi công đã lần lượt rút lui, để lại trên công trường những dãy lán trại xiêu vẹo, rách nát và bãi đất hoang mênh mông cỏ dại.

Con đường dẫn từ QL1A vào khu đất bệnh viện đang là lối cụt giữa đồng không mông quạnh, không còn tác dụng gì, nên có nguy cơ trở thành bãi đổ rác sinh hoạt tự phát của người dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án BVĐK KVPN sớm rơi vào cảnh “chết yểu” là do nguồn vốn ODA đã bị “đứt”.

Để hoàn thiện hạ tầng khu bệnh viện, hiện còn hơn 20 hạng mục dự án cần được đầu tư kinh phí thực hiện, với số tiền trên dưới 90 tỷ đồng, nhưng do cơ quan chủ quản dự án đã không còn mặn mà, cạn vốn nên mọi công việc đành phải gián đoạn.

Bệnh viện chỉ còn nằm trên giấy, mặt bằng khu đất bị bỏ hoang đã được UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế thống nhất chủ trương bàn giao cho BQL Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô “trông nom” lâu dài.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Đinh Bán -Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy- buồn bã cho biết: “Khi dự án bệnh viện đa khoa ở Lộc Thủy mới khởi động, dù bị thu hồi nhiều diện tích đất ruộng, nhưng không ít nông dân vẫn cảm thấy phấn khởi và kỳ vọng về sự thuận lợi trong vấn đề khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cứ ngỡ tiến độ các hạng mục công trình triển khai chậm, ai dè dự án bệnh viện đã hoàn toàn tắt lịm”.

Cùng tâm trạng thất vọng của hàng trăm nông dân xã Lộc Thủy, anh Phan Việt (thôn Phú Cường) tỏ vẻ ngán ngẩm: “Bệnh viện phục vụ nhiều người đâu chẳng thấy, nhưng hàng trăm thửa ruộng của nông dân đã bị vùi lấp giữa ngổn ngang đất đá, gò bãi, không còn khả năng tái tạo để sản xuất nông nghiệp”.

MỚI - NÓNG