Nợ đầm đìa trong Xây dựng nông thôn mới: Trách nhiệm của ai?

Nợ đầm đìa trong Xây dựng nông thôn mới: Trách nhiệm của ai?
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong về những tồn tại trong xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội, ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng tại một số địa phương đang có tình trạng nóng vội, làm theo phong trào dẫn đến hiệu quả thấp, nợ tràn lan. Ông Tâm nói:

> Chạy theo 'phong trào' lao đao vì nợ
> Làm ít, Tiền nhiều - đánh liều 'ôm nợ'

Chợ Thụy Hương (huyện Chương Mỹ-Hà Nội) đầu tư tiền tỷ rồi bỏ hoang ảnh: Minh Tuấn
Chợ Thụy Hương (huyện Chương Mỹ-Hà Nội) đầu tư tiền tỷ rồi bỏ hoang ảnh: Minh Tuấn.

Nhằm tránh tình trạng chạy theo phong trào, nôn nóng, thành phố đã nhiều lần chỉ đạo. Tôi cũng vừa trực tiếp đi kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp và cũng đã báo cáo đoàn kiểm tra của thành phố vấn đề này.

Đầu tư xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn và hợp lòng dân. Tuy nhiên tại một số nơi đã có biểu hiện đốt cháy giai đoạn. Thực tế có nơi chúng ta đã đi ngược theo kiểu mang ý chí lãnh đạo áp vào chỗ này, chỗ kia. Đã có nơi chúng ta làm ngược.

Ông nói làm ngược, cụ thể ra sao?

 Quá trình thẩm định tôi thấy có vùng toàn đá ong mà vẫn lập đề án trồng rau an toàn! Lý do là tư vấn copy từ chỗ khác đưa vào và tôi đã không đồng tình 

Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Hà Nội

Tại Hàn Quốc, ông trưởng thôn làm nông thôn mới thì phải đi học cách làm. Tại Hà Nội, khi duyệt đề án xong mới có kinh phí và kế hoạch tuyên truyền. Tôi đồng ý phải có chỉ tiêu để phấn đấu nhưng phải mang tính thực tiễn.

Xây dựng nông thôn mới phải từ nguồn lực trong dân là chính mà nông dân của chúng ta vẫn rất khó khăn.

Theo điều tra của Hà Nội năm 2009, thu nhập của nông dân mới đạt 11,2 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó thu nhập của người dân đô thị đã là khoảng 40 triệu đồng/người/năm. Người nông dân đang lo cho chính mình còn khó thì lấy đâu ra để đóng góp.

Hàn Quốc làm nông thôn mới từ năm 1970 và đến nay vẫn làm nông thôn mới, 40 năm vẫn chưa xong vì mỗi năm làm một ít. Nếu không cẩn thận thì chúng ta khi đã hoàn thành tiêu chí rồi lại đâm ra tự mãn. Thực ra tiêu chí hôm nay nhưng vài năm sau đã khác rồi. Nếu xảy ra bệnh thành tích trong xây dựng nông thôn mới thì hậu quả sẽ rất lớn.

Tôi ví dụ, sau 2-3 năm, mỗi đề án cho 1 xã từ 200 tỷ đến 300 tỷ đồng, thực tế huy động nguồn lực không được bao nhiêu vậy mà cũng báo cáo hoàn thành! Điều đó xảy ra tình huống: Trước đây lập đề án không chuẩn, cứ kê vống lên.

Trường hợp thứ hai là chưa xong nhưng cứ báo cáo là xong. Có trường hợp không có vốn vẫn gọi doanh nghiệp vào đầu tư dẫn đến chi phí tăng lên vì phải chịu thêm nhiều phát sinh. Nếu để người dân tự làm thì chi phí rẻ hơn, có đến đâu làm đến đấy.

Ông Đào Duy Tâm
Ông Đào Duy Tâm.

Thực trạng nợ đọng tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) và một số địa phương khác, ông có biết không?

Thụy Hương là xã điểm, tôi đã nhắc lãnh đạo xã phải làm đúng và nghiêm túc. Thành phố chỉ đạo là thời điểm này, thời điểm kia phải hoàn thành đó là quyết tâm chính trị còn làm quản lý nhà nước thì phải theo quy định.

Tôi biết một số địa phương làm công trình nóng vội nên chất lượng không đảm bảo, không đồng bộ. Nhiều khi làm chạy theo tiến độ nhưng trong mấy năm vừa qua đấu giá đất không đạt dẫn đến nguồn vốn của xã không được bao nhiêu mà chủ yếu là vốn của thành phố và huyện đổ vào.

Trong khi đó lại cứ gọi bên B vào làm, dẫn đến nợ đọng lớn. Đây là điều đáng trách mà xã và huyện phải chịu trách nhiệm. Nếu cứ làm theo kiểu như vậy thì phải xem xét trách nhiệm, động cơ của những người lãnh đạo. Liệu có nhất thiết cứ phải đi vay tiền để làm không? Cứ lao vào làm hạ tầng rồi lấy tiền đâu đầu tư cho sản xuất?

Theo ông, điều gì cần chấn chỉnh trong sử dụng vốn đầu tư nông thôn mới?

Có 2 mục tiêu lớn nhất là đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng, đường, trường, trạm và nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân. Trong giai đoạn vừa rồi, nhiều huyện mới đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ bản vì làm cái đó dễ, nhìn là thấy ngay và nhiều người muốn làm. Nhưng đầu tư cho sản xuất thì rất khó khăn nhưng là việc nhất định phải ưu tiên. Phải đầu tư cho sản xuất thì mới nâng cao thu nhập, thay đổi cuộc sống được.

Quá trình đi thẩm tra các mô hình, đề án, tôi thấy trong đề án đều có cả đầu tư hạ tầng và sản xuất nhưng thực tế triển khai lại khác. Quá trình thẩm định tôi thấy có vùng toàn đá ong mà vẫn lập đề án trồng rau an toàn! Lý do là tư vấn copy từ chỗ khác đưa vào và tôi đã không đồng tình.

Chúng ta phải dứt khoát tạm dừng lại các hạng mục chưa thật sự cần thiết để tránh hậu quả sau này. Đưa tiền vào sản xuất còn tạo ra lợi nhuận còn nếu đầu tư vào công trình thì vốn sẽ nằm chết ở đó. Với dân không thể đi làm kiểu “phong trào” được.

Minh Tuấn
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.