Công trình 7.500 tỷ đồng chưa rõ ngày về đích
Tiền hậu bất nhất
Mục đích việc điều chỉnh này là để dự án cầu Nhật Tân không cắt vào các khu đất dự án biệt thự D1, D3 Vườn Đào và khu đất của Công ty xây dựng giao thông đô thị. Không hiểu sao sự bất nhất này sau đó lại được Bộ GTVT nhanh chóng chấp thuận bằng quyết định 2147 ngày 12/7/2007.
Do phải né nhiều công trình, nên quy hoạch dự án cầu Nhật Tân bị điều chỉnh, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân. |
Nhiều người dân tổ 47 D, phường Phú Thượng phân tích: Nếu như Hà Nội viện dẫn trong công văn 3453 rằng, các dự án D1, D3 biệt thự Vườn Đào thành phố đã giao thực hiện? Điều này hết sức vô lý! Bởi lẽ Bộ GTVT phải thống nhất quy hoạch với Hà Nội rồi mới phê duyệt dự án nút giao. Quá trình 4 năm khảo sát, nghiên cứu, lập dự án không thể nói là cả Hà Nội và Bộ GTVT không nắm được sự tồn tại của các dự án đô thị hàng chục nghìn m2 nằm trong phạm vi chiếm đất của nút giao Phú Thượng.
Người dân cũng rất bức xúc vì Hà Nội còn đề nghị điều chỉnh phạm vi chiếm đất của nút giao Phú Thượng để không cắt vào Khu đất của Công ty xây dựng giao thông đô thị đang triển khai xây dựng chung cư cao cấp, văn phòng cho thuê và khách sạn.
Trả lời ý kiến của dân về sự thay đổi bất ngờ này, các cơ quan chức năng luôn khẳng định chung chung như đã tiến hành lấy ý kiến nhân dân để báo cáo cấp trên khi lập dự án. Nhưng ngày 20/7/2007 (tức là sau 8 ngày Bộ GTVT có quyết định 2147 điều chỉnh quy hoạch nút giao Phú Thượng) TEDI cùng UBND phường Phú Thượng mới phát phiếu điều tra thêm một số hộ dân bị ảnh hưởng.
Sau đó, Ban quản lý dự án 85 mới thỏa thuận bổ sung, điều chỉnh chỉ giới đường đỏ khu vực nút giao Phú Thượng, trong đó điều chỉnh chỉ giới đường đỏ tuyến đường dẫn thẳng vào cụm dân cư số 7 phường Phú Thượng. Điều này cũng minh chứng rằng nhiều hộ dân tổ 47 B,C,D cụm 7 phường Phú Thượng không nằm trong quy hoạch ban đầu theo Quyết định số 650 năm 2006 của Bộ GTVT.
Khi mọi khuất tất dần được sáng tỏ, phía Hà Nội khẳng định quy hoạch nút giao Phú Thượng có bán kính chính xác là 285m, nhưng phía Bộ GTVT lại khẳng định ranh giới quy hoạch cho phép nghiên cứu nút giao Phú Thượng với bán kính trên 300m? Vậy đâu là con số chuẩn? Chỉ với sự phóng khoáng một đường vẽ thôi đã có hàng vạn m2 đất bị thu hồi và quét băng chỗ ở cả trăm hộ dân.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, hồ sơ thiết kế về nút giao Phú Thượng đều được thông qua từ cấp quận, huyện, đến cấp TP Hà Nội… Nhưng ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội lại khẳng định: Công văn 3453 của Hà Nội gửi Bộ GTVT đề nghị điều chỉnh phạm vi lấy đất của nút giao Phú Thượng là để phù hợp với quy hoạch đã có từ trước. Ông cũng cho rằng, đề nghị điều chỉnh chỉ là ý kiến của Hà Nội còn việc chấp thuận hay không là do Bộ GTVT quyết.
Chỉ đạo của Thủ tướng, bao giờ mới triển khai?
Những khuất tất trong điều chỉnh quy hoạch nút giao Phú Thượng thuộc dự án cầu Nhật Tân đã khiến hàng trăm hộ dân tổ 47 B,C,D cụm 7 phường Phú Thượng bỗng dưng mất nhà, mất đất. Đây là căn nguyên chính gây bức xúc, khiếu kiện, kéo dài và đẩy người dân vào thế bất hợp tác với chính quyền.
Thường trực tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng đã chuyển đơn thư khiếu nại, kêu cứu của người dân đến Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội để xem xét, xử lý và giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngày 17/12/2012, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 10318/VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, giải quyết khiếu nại của người dân theo quy định của pháp luật nhưng đến nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Bức xúc trước việc điều chỉnh quy hoạch nút giao Phú Thượng ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, Chi bộ 7C phường Phú Thượng đã phải ban hành Nghị quyết chuyên đề số 07/NQ-CĐ ngày 20/9/2010 về việc tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cầu Nhật Tân trên địa bàn. Không có cách nào khác, các hộ dân đã buộc khởi kiện chính quyền ra toà với hy vọng sẽ được phân định đúng sai.