> Ngô Hồng Quang học Tây để chơi nhạc ta
> Nhạc Việt: sến soán ngôi sang?
Từ nhung lụa
Ở ngoài Bắc tôi đã nghe nói đến một nghệ sĩ hoàng tộc con cháu dòng dõi nhà vua rất giỏi về cổ nhạc và cũng là một người thợ đóng đàn rất được tín nhiệm. Khi vào Nam tôi mới tình cờ gặp được anh, nghệ sĩ Vĩnh Tuấn. Mọi người giới thiệu với tôi rằng: “Những cao thủ nhất của cổ nhạc đều mơ ước có được cây đàn do Vĩnh Tuấn đóng”. Khi tới nhà nhạc sĩ Trần Văn Khê nghe ông nói chuyện về triết học trong nhạc cổ Việt Nam, mọi người cũng giới thiệu: “Cây đàn thầy Khê đang chơi là do Vĩnh Tuấn tặng”.
3 thế hệ bảo tồn nhạc cổ truyền. Ảnh: T.L. |
Vĩnh Tuấn là ai? Thật không dễ gì tìm được con người ẩn dật suốt 30 năm qua ở một dòng suối nhỏ vô danh thuộc tỉnh Đồng Nai. Chàng trai trẻ hào hoa năm xưa nơi nao? Vĩnh Tuấn có tiếng đẹp trai. Khi xưa, Phạm Duy đem đoàn nhạc của ông ra Huế giao lưu, biểu diễn trên thuyền. Hôm sau thì cô ca sĩ đẹp nhất biến mất mấy ngày, tìm khắp nơi không thấy. Hóa ra cô cảm mến Vĩnh Tuấn nên đã vào chùa, không chịu ra ngoài, tính ở lại Huế luôn. Tuấn nghe lời năn nỉ của Phạm Duy, bèn đi thuyết phục cô về theo đoàn.
Vĩnh Tuấn sinh ra trong gia đình hoàng tộc, tuy đã sa cơ lỡ vận nhưng vẫn giữ được truyền thống của mình. Anh là hậu duệ của Tuy Lý Vương (hiệu Vĩ Dã, con trai thứ 11 của vua Minh Mạng). Khi Tuy Lý Vương ra đời, lòng vua chộn rộn không yên, vài ba ngày lại qua thăm một lần, chăm sóc kỹ lưỡng, đó là điều hiếm có bởi vua có nhiều con. Vĩ Dã rất giỏi văn chương, nổi bật là Vĩ Dạ hợp tập gồm 12 quyển, được lưu hành ở đời. Ông còn là nhà sư phạm, phụ trách viện Tôn học, giảng dạy cho con cháu hoàng gia.
Đóng đàn không khó, chơi được đàn mới khó. Anh Vĩnh Tuấn |
Sinh trưởng trong phủ Tuy Lý Vương, Vĩnh Tuấn đã sớm được học những bài học về tinh thần dân tộc. Bố của Vĩnh Tuấn từng được Pháp đào tạo để về làm những chức vụ lớn, nhưng ông cụ thoái thác, đi dạy học ở trường Quốc học Huế và chính là thầy giáo của Nguyễn Ái Quốc.
Trong thời loạn lạc, Vĩnh Tuấn được học nhiều về âm nhạc, để giữ vốn liếng văn hóa của dân tộc trước cảnh đất nước bị xâm lăng, chủ quyền đất nước vẫn còn đó, nhưng sự chi phối của ngoại bang quá lớn. Vĩnh Tuấn giảng dạy ở Nhạc viện Huế trước 1975, bộ môn nhạc cổ truyền.
Vào những năm 1970, Vĩnh Tuấn đã tổ chức ghi âm Nhã nhạc cung đình Huế, khi vẫn còn khá đầy đủ những cao thủ đại nội. Hôm đó, thay vì vào phòng thu, ban nhạc đã trình tấu và thu trực tiếp tại Tử Cấm Thành, giữa trời đất bao la. Băng nhạc quý báu này mấy chục năm sau được giáo sư Trần Văn Khê và các nhà nghiên cứu lưu trữ đệ trình lên UNESCO để xin công nhận Nhã nhạc Cung đình Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Lưu lạc
Nhạc sĩ Vĩnh Tuấn giờ đây tóc đã bạc, dáng vẻ lam lũ của người nông dân nơi ruộng vườn phương Nam cho anh vẻ rắn chắc. Anh kể: “Chiến tranh li loạn xảy ra, tôi một mình vào Nam, đem theo 4 cây đàn cổ của hoàng tộc”. Anh nói: “Ngày xưa, vua chúa ai cũng mê nhạc. Bài nhạc nổi tiếng Tứ Đại Cảnh, tương truyền do vua Tự Đức soạn để nói bốn cảnh lớn ở đời là sinh, bệnh, lão, tử”.
Những cây đàn cổ quý của hoàng tộc. |
Anh vào đến xứ Đồng Nai, nơi này thuở khai hoang lập ấp ở miền Nam, nhà Nguyễn cũng chọn làm nơi dừng chân. Vĩnh Tuấn mua được mảnh đất hoang, cỏ dại um tùm, xung quanh không người. Anh tự tay dựng nhà cửa. Lũ lụt nửa đêm dâng lên, muốn cuốn trôi tất cả.
Có người tới tìm xin mua bốn cây đàn. Vĩnh Tuấn buồn lắm, anh sợ lũ lụt cuốn đàn đi mất, bèn nhường cho họ. Anh nghĩ: “Tuy rằng bảo vật của âm nhạc, nhưng mình không giữ được thì nên cho người khác giữ”. Anh cũng tự nhủ với lòng mình khi qua được lúc khó khăn, sẽ tìm cách sưu tầm lại các nhạc cụ xưa.
Nhờ bán 4 cây đàn, với giá hàng trăm lượng vàng, anh có vốn liếng xây dựng nhà cửa, lấy vợ, nuôi con. Gia tài còn lại chỉ là một chiếc xe máy cũ, vừa đi vừa đẩy.
Hàng ngày vợ chồng con cái tự cung tự cấp, trồng trọt mưu sinh. Chàng quý tộc khi xưa quyết định sống bằng nghề đóng đàn. Anh đánh xe máy đi, mua lại những chiếc đàn cũ. Đi mua những mảnh gỗ hàng trăm năm đã mục mấy phần, mua cả những đôi liễn, câu đối mà thiên hạ bán như củi khô. Anh và vợ cặm cụi đóng những cây đàn bằng phương pháp cổ, vật liệu cổ. Anh nói: “Ngay cả những mảnh khảm trai trên đàn của chúng tôi làm cũng có tuổi hàng trăm năm rồi”.
Truyền cổ nhạc cho thế hệ trẻ. |
Người mua đàn, một phần phục tiếng phủ Tuy Lý Vương, phần tò mò, phần muốn giúp đỡ Vĩnh Tuấn lúc khó khăn. Anh rời thành phố Huế ra đi trong cảnh trắng tay, công việc giảng dạy âm nhạc cổ truyền cũng đã bỏ từ lâu (Sau năm 1975 anh được bố trí dạy môn Văn, nhưng Vĩnh Tuấn từ chối, vì anh chỉ muốn dạy nhạc cổ).
Giữa vùng đất heo hút, anh tự dạy nhạc cho vợ, cho 3 người con. Họ lập ban nhạc, chơi với nhau, đặt tên là ban nhạc Duyệt Thị Trang. Quãng thời gian thật dài, bởi chờ con đầu Tần Tranh và các em lớn lên, biết nói, biết hát, biết chơi nhạc. Giờ đây, các con anh ở độ tuổi 20, và ban nhạc cũng từng được huy chương vàng trong một liên hoan nhạc cổ.
Vĩnh Tuấn không phải người thủ cựu. Anh đưa con lên học ở Nhạc viện TPHCM. Các con của anh hiện đang được các giảng viên kỳ cựu của trường hướng dẫn. Thỉnh thoảng gặp anh, tôi thấy anh trò chuyện say mê về âm nhạc dân tộc, về việc làm sao gìn giữ được những tinh hoa tổ tiên truyền lại. Anh nói: “Trong nhạc Huế không chỉ có nhạc Huế mà lưu giữ nhiều bài nhạc xưa không rõ từ đời nào, chỉ biết các triều đại trước cũng đều sử dụng và coi như báu vật của dân tộc ta”.
Tặng lại 95 cây đàn tranh
Hạnh phúc lớn của Vĩnh Tuấn là được mẹ anh, nghệ sĩ cổ nhạc nổi tiếng của đại nội, bà Hồng Thị Mỹ Thanh dạy bảo. Ngày 20/11 năm nay, mừng thọ cụ 95 tuổi, anh và gia đình đã quyết định tặng 95 cây đàn tranh cho những người yêu cổ nhạc trên toàn quốc để khuyến khích việc học nhạc cổ truyền. Ngay sau khi thông báo được đưa lên facebook Duyệt Thị Trang, người yêu nhạc xa gần đã đăng ký hết số lượng này. Gia đình đang cặm cụi đóng hộp để gửi tặng cho từng người.
Anh Vĩnh Tuấn nói: “Đóng đàn không khó, chơi được đàn mới khó”. Để đóng 95 cây đàn, anh đã miệt mài nhiều ngày tháng. Điều anh lo ngại nhất là: “Một số nghệ sĩ Việt Nam đang chơi nhạc ngày càng giống với một số nước khác, mà mất đi những cái hồn, những vẻ đẹp riêng của âm nhạc Việt Nam ta”.
Nghe Vĩnh Tuấn đàn những bản nhạc xưa, với cây đàn Tỳ Bà Việt Nam hơn 200 năm tuổi của hoàng tộc, có thể thấy một lịch sử dân tộc sinh động và ấm áp được tái hiện trong những âm thanh rộn rã với biết bao điều mong ước cho cuộc sống hưng thịnh của đất nước hôm nay và mai sau.
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và nước ngoài vẫn tìm tới anh để học hỏi về âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Vĩnh Tuấn hầu như không biểu diễn suốt nhiều năm qua. Thậm chí có lúc anh bị tai biến, liệt một bàn tay. Nhờ công việc đánh đàn, tập đàn, giờ đây anh đã có thể chơi nhạc như xưa, công lực thậm chí không kém đi là bao. Anh lại đàn cho mẹ mình nghe những bài nhạc mà bà dạy cho anh khi còn ở trong phủ Tuy Lý Vương. |