Sáng nay, thảo luận tại hội trường đại biểu Quốc hội (ĐB) cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn đã tạo nên sự chuyển biến tích cực từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, câu hỏi chất vấn của đại biểu đến nay vẫn chưa được các Bộ trưởng trả lời thỏa đáng, trong đó nổi lên là vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp, tội phạm gia tăng; hậu quả xả lũ gây thiệt hại môi trường, tính mạng, tài sản nhân dân.
ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng, quy hoạch thủy điện thiếu đồng bộ, xả lũ gây thiệt hại cho dân. “Trong khi Quốc hội đang họp thì đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ. Lũ chồng lên lũ, vậy cử tri có quyền đặt câu hỏi trách nhiệm của Bộ Công thương như thế nào?” – ông Đương bày tỏ.
ĐB Đương đề nghị cơ quan chức năng cần căn cứ tình hình dự báo thời tiết để có kế hoạch xả lũ trước khi bão lũ về để tăng dung tích hồ nước; cần có quy định cụ thể, không vì lợi ích nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn của nhân dân vùng hạ lưu.
“Nếu xả lũ đã gây thiệt hại về tài sản của dân, gây chết người thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội cố ý làm trái hoặc những tội danh khác mà Bộ luật hình sự đã quy định” –ĐB Đương kiến nghị.
Xả lũ thủy điện: Trách thuộc về Bộ Công thương Về trách nhiệm đối với vấn đề xả lũ gây hậu quả nghiêm trọng vừa qua, trả lời Tiền phong bên hành lang Quốc hội sáng nay, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng: “Trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Công thương”. “Hậu quả gây ra do xả lũ thủy điện là quá lớn và đã rõ ràng. Bộ Công an cần vào cuộc điều tra, xem xét xử lý trách nhiệm hình sự” – Ông Đương nói. |
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, trong khi Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, bà con vùng lũ Nam Trung Bộ đang khốn khổ vì lũ. Nhân dân những vùng này năm nào cũng thường xuyên hứng bão lũ, làm đời sống thêm khó khăn.
Dẫn số liệu của Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết mỗi năm nước ta thiệt hại 1/5 GDP do bão lũ, ĐB Phúc cho rằng: mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo khắc phục hậu quả, song điều quan trọng cần có giải pháp căn cơ bảo đảm đời sống nhân dân vùng lũ.
“Đối với quy hoạch thủy điện, thủy lợi, đại biểu khẳng định không chấp nhận việc xả lũ mà chính quyền địa phương, nhân dân không biết; phải điều tra xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự nghiêm minh bởi tài sản mất, nhiều người chết” – ông Phúc kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thái Học cho biết, từ những kỳ họp trước, Bộ trưởng Bộ Công thương đã hứa trước Quốc hội là sẽ phối hợp với các Bộ, ngành ban hành chính sách hỗ trợ cho người nghèo một cách triệt để ở vùng thủy điện trong năm 2013. “Tuy nhiên, năm 2013 đã sắp hết, chính sách cho người nghèo vẫn chưa thấy, trong khi tỷ lệ người nghèo vùng thủy điện vẫn còn rất cao”, ông Học cho biết.
Theo ĐB Học, ông đã hai lần đem vấn đề này chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, thì nhận được câu trả lời trách nhiệm này được Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Tôi không đồng tình với cách trả lời này. Tôi đã đem lời hứa của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói với cử tri là chính sách cho hộ nghèo vùng thủy điện sẽ được giải quyết năm 2013. Nay Bộ trưởng nói như vậy chúng tôi không biết báo cáo cử tri như thế nào? Tôi đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương” - ĐB Học kiến nghị.