Khắc phục lũ chồng lũ thế nào?

Khắc phục lũ chồng lũ thế nào?
TP - Theo dõi tình hình mưa bão và xả lũ những ngày qua gây thiệt hại nặng ở Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, chuyên gia thủy lợi-thủy điện Nguyễn Quyền gửi cho báo Tiền Phong bài viết này, khẳng định có phân tích đúng được nguyên nhân từng sự cố thì mới có thể đề ra giải pháp chính xác để hạn chế, khắc phục.

> Gia Lai: Thủy điện xả lũ, nhiều huyện thiệt hại nặng
> Lũ “khủng”, hồ chứa lại xả

Về nguyên tắc, khi thiết kế hồ, kể cả hồ thủy điện (TĐ) hay thủy lợi (TL), các kỹ sư đều phải căn cứ lưu lượng lũ để thiết kế đập tràn, phòng xa cả những cơn lũ lớn có thể từ 100 năm đến 200 năm mới xảy ra 1 lần. Vì vậy, hầu như không có tình huống xả lũ hết cỡ vượt quá lưu lượng lũ tự nhiên khi chưa xây dựng công trình. Tuy nhiên, nếu không tránh được việc xả lũ rơi đúng vào thời điểm đang có mưa lớn, lại xả với tần suất quá lớn, hồ đập sẽ bị quy kết là nguyên nhân gây ra ngập lụt khiến lũ chồng lên lũ.

Vùng trũng Tuy Phước-Bình Định chơi vơi giữa biển lũ. Ảnh Việt Hương.
Vùng trũng Tuy Phước-Bình Định chơi vơi giữa biển lũ. Ảnh Việt Hương..

Dù là hồ TL hay TĐ, chẳng ai đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng để xả hồ cạn rồi chờ mưa về mà điều tiết lũ. Nếu đóng cống muộn, lại gặp năm ít mưa, đến cuối mùa hồ vẫn không đầy là gay vì sẽ thiếu nước trầm trọng.

Một số công trình hồ sau khi xây xong, đưa vào sử dụng do điều tiết được nước hạ du không còn ngập sâu như trước, dân chúng tràn xuống canh tác làm nhà ở các vùng thấp nơi trước kia vẫn ngập khi mưa lũ, chính quyền không ngăn được. Tới khi lũ lớn phải xả thì bị ngập, lại đổ lỗi cho xả lũ là không đúng.

Mỗi hồ đập hiện đều phải có “Quy trình vận hành hồ chứa” riêng để đối chiếu theo đó mà vận hành. Quy trình cho hồ dung tích dưới 1 triệu m3 thì tỉnh duyệt, trên 1 triệu m3 thì Bộ duyệt. Bộ Công Thương duyệt quy chế đối với hồ TĐ, Bộ NN&PTNT thì duyệt quy chế với các hồ TL. Nếu tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc mọi nội dung của quy chế, thiệt hại sẽ giảm thiểu tối đa.

Vấn đề mấu chốt để bảo đảm an toàn cho dân cư vùng hạ du, là ngoài việc loại khỏi quy hoạch những dự án xâm hại đến môi trường, hiệu quả kém, lợi bất cập hại, còn cần phải tăng cường các phương thức giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy trình, nguyên tắc đã có, từ chất lượng xây dựng công trình, bảo dưỡng, duy tu cho tới trình độ và ý thức của đội ngũ vận hành, bảo vệ.

Trong “Quy trình đảm bảo an toàn đập vùng hạ du” có quy định phải cắm mốc báo trước những vùng có thể bị ngập ở hạ du khi xả lũ thậm chí khi xảy ra sự cố vỡ đập. Mỗi khi hồ chuẩn bị xả lũ phải báo trước bằng mọi cách cho toàn bộ cư dân biết mà đề phòng.

Ks Nguyễn Quyền
(Chuyên gia Thủy lợi- Thủy điện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG