> Gia Lai: Thủy điện xả lũ, nhiều huyện thiệt hại nặng
> Lũ “khủng”, hồ chứa lại xả
Thiếu chế tài xử phạt
Vừa qua, các cơn lũ dồn dập tại miền Trung gây thiệt hại lớn về người và của, ông cắt nghĩa như thế nào về hiện tượng này?
Ông Lê Huy Ngọ: Năm nay lũ dồn cuối năm, tháng 11 vẫn mưa, do biến đổi khí hậu nên mưa cường độ cao trong thời gian ngắn gây ngập lụt trên diện rộng. Trong khi đó cân bằng của tự nhiên đã bị mất đi do chúng ta xây rất nhiều hồ đập, việc nước chảy tự nhiên không còn, dòng chảy không được điều hòa. Thứ hai, ngày xưa có một thảm rừng để giảm cường độ chảy của nước, bây giờ rừng mất đi nên nước lũ tha hồ chảy.
Về việc phát triển thủy điện, thực tế, nước nào công nghiệp hóa cũng phải phát triển năng lượng. Tuy nhiên, sông miền Trung ngắn nhưng chúng ta lại hay “ăn tham” dùng đập cao để giữ nhiều lưu lượng nước, trữ được nhiều nước để tạo ra hiệu suất cao cho chạy điện, chạy được nhiều tháng. Người làm điện chưa nghĩ được gì sâu xa, chỉ nghĩ tới hiệu quả kinh tế của họ.
Có thống kê cho biết đóng góp các hệ thống mạng lưới thủy điện được 6000 tỷ đồng vào ngân sách, nhưng đợt lũ vừa qua chỉ tính riêng một tỉnh đã thiệt hại tới 3000 tỷ, thiệt hại quá lớn cho dân. Làm thế nào điều hòa nghịch lý này thưa ông?
Ông Lê Huy Ngọ: Tôi thấy đó cũng là một cách so sánh. Nhưng nói thiệt hại do thủy điện gây ra lớn hơn cả đóng góp cho ngân sách là chưa đầy đủ. Thực ra không có thủy điện, lũ lụt vẫn gây hại, nhưng có thể ít hơn. Thủy điện ngoài chức năng phát điện còn có chức năng điều tiết lũ, giữ nước mùa mưa để cân bằng với mùa khô. Nhưng chúng ta không kiểm soát, nên thực tế các thủy điện chỉ ưu tiên việc tích trữ nước tối đa, đảm bảo việc phát điện và ưu tiên cho an toàn hồ đập.
Khi người lái xe gây tai nạn chết người, chúng ta vô cùng đau đớn, và người gây tai nạn thậm chí phải đi tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, nhiều nơi xả lũ vô trách nhiệm còn gây hậu quả lớn hơn nhiều nhưng lại chưa có chế tài xử phạt. Vì vậy, tôi cho rằng phải xây dựng và thiết lập quy trình xử phạt việc vận hành thủy điện, xả nước. Bởi nước là của dân, của nhà nước chứ không của riêng ai. Nên người dân phải có quyền giám sát việc vận hành thủy điện, giống như giám sát việc chi tiêu ngân sách.
Theo ông, đơn vị nào phải đứng ra để xây dựng chế tài này?
Ông Lê Huy Ngọ: Tôi cho rằng phải do cơ quan nhà nước xây dựng chế tài, đó chính là Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT). Bởi Bộ Công Thương có hồ đập thủy điện, Bộ NN&PTNT cũng tích nước làm thủy lợi, đê điều, cả hai bộ này đều là đối tượng chịu sự giám sát.
Vì vậy, tôi kiến nghị đưa trung tâm phòng chống lụt bão và dự báo khí tượng thủy văn tập trung về một mối đó là Bộ TN&MT. Như vậy, Bộ TN&MT sẽ là cơ quan đầu mối vừa dự báo bão lụt, vừa kiểm soát vấn đề lũ của các hồ đập thủy điện, thủy lợi, tạo sự khách quan và tập trung.
Bên cạnh đó Ủy ban Phòng chống lụt bão T.Ư do một Phó Thủ tướng phụ trách, trong đó có cơ quan thường trực gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT.
Gắn trách nhiệm người ký quyết định tích, xả nước
Thưa ông, lâu nay việc chống lũ, chúng ta cứ lo đi tìm giải pháp công trình khá tốn kém, còn giải pháp phi công trình thì sao?
Ông Hoàng Văn Thắng: Đúng là như vậy, cái này cần rút kinh nghiệm nghiêm túc, chúng tôi cũng thấy rõ điều này. Hiện các hồ đập, đều có quy trình vận hành cả, nhưng ngay quy trình vận hành cũng cần căn cứ thực tiễn để dự báo, cảnh báo, giảm thiểu rủi ro. Vừa rồi chúng ta cũng làm, nhưng cơ sở để ra quyết định, chưa đầy đủ khoa học. Vẫn là dự báo có mưa lớn, rồi chủ hồ xả. Cũng có nhiều lời phàn nàn, rằng các anh chỉ đạo thế, chúng tôi xả, bây giờ thiếu nước sản xuất. Thậm chí có anh xả trước để đón lũ nhưng xả ít, lúc lũ về lại lúng túng. Đây là vấn đề đòi hỏi nghiên cứu kỹ. Chúng tôi cũng chỉ đạo cơ quan khoa học, phải rất tập trung vấn đề này. Hiện có một dự án do Ngân hàng thế giới hỗ trợ, giúp Việt Nam nâng cao năng lực dự báo thiên tai, để giảm thiểu rủi ro.
Qua các đợt mưa lũ vừa rồi, lộ ra rất nhiều hồ đập mất an toàn, là những quả “bom nước” đe dọa người dân hạ du. Liệu có giải pháp vì cho người dân hạ du?
Ông Hoàng Văn Thắng: Chúng ta là nước nông nghiệp, một thời đẩy mạnh làm hồ nhỏ. Hiện Việt Nam có trên 7.000 hồ đập, nhưng loại cực nhỏ tới 70%. Với những hồ này, cần nhanh chóng kiểm định, kiểm tra. Nếu hồ nào không an toàn phải đầu tư sửa chữa; còn nếu không có kinh phí cần thay đổi quy trình vận hành, thậm chí không cho tích nước. Ngoài ra, chúng ta cũng tính quy hoạch vùng hạ du, vùng nguy cơ ngập sâu, cần bố trí dân cư ra ngoài. Như vừa rồi, ở Bình Định, mưa lớn vào ban đêm, các lực lượng chức năng rất khó tiếp cận với dân. Mặt khác, các vùng có nguy cơ ngập, từng bước hỗ trợ người dân làm nhà chống lũ. Nâng cao năng lực tự ứng phó “4 tại chỗ”, quản lý rủi ro dựa vào cộng đồng, nâng cao nhận thức chính quyền các cấp, người dân.
Vừa rồi, nhiều hồ đập bị vỡ, nhưng không nằm trong diện cảnh báo của cơ quan chức năng?
Ông Hoàng Văn Thắng: Cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều hồ đập xuống cấp, bị thấm, sụt. Tuy nhiên, có những hồ đập tốt, nhưng vẫn bị vỡ, vấn đề là do cực đoan thời tiết. Chẳng hạn, có những vùng mưa rất lớn như ở vùng nam Thanh Hóa, bắc Nghệ An vừa rồi, khiến xả lũ ồ ạt ở hồ Vực Mấu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) tác động lớn đến hạ du. Như mới đây ở Bình Định, mưa từ 1 giờ đến 16 giờ, nhưng có nơi 400mm, cường độ rất cao. Một chủ tịch tỉnh nói với tôi là, trước đây mưa vùng đó phải 2 ngày sau lũ mới về, nhưng sau đó 14-15 giờ, và bây giờ chỉ cần 7-8 giờ là lũ về tận nơi. Thực tế, mưa lớn mà tràn qua đập đất rất dễ vỡ. Do vậy ngoài nâng cao năng lực cảnh báo, không chỉ hồ yếu, mà hồ tốt cũng cũng phải giám sát kỹ.
Việc quản lý, vận hành hồ ở địa phương còn khá lúng túng, tới đây, Bộ có thể giúp địa phương ra sao?
Ông Hoàng Văn Thắng: Hiện chúng tôi cùng các địa phương đang rà soát lại các hồ đập, và sẽ hoàn thành trước tháng 1/2014; kể cả hồ đập nhỏ, các chủ hồ phải biết quản lý, vận hành hồ đập. Cái này, chúng tôi đang thử nghiệm một vài tỉnh, thành. Ngay cả Đại học Thủy lợi cũng cần rà soát lại giáo trình, cần bám sát thực tiễn, nhận dạng được các vấn đề như mưa cường độ lớn ở diện hẹp trong thời gian gần đây. Thủ tướng cũng chỉ đạo chúng tôi nhận diện xem thế nào để đánh giá.
Phùng Sưởng - Phạm Anh - Công Khanh
Thực hiện
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An: Lãm rõ trách nhiệm thủy điện xả lũ Theo yêu cầu của QH, Chính phủ đã rà soát loại ra hơn 400 dự án thủy điện. Vùng hạ du bây giờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thủy điện xả lũ. Nhưng trách nhiệm thuộc về ai thì không rõ, không ai đền bù cho dân cả. Nếu cứ tiếp tục như thế này thì không biết đến ngày nào người dân ở vùng hạ du có cuộc sống ổn định. Tôi kiến nghị phải tiếp tục rà soát lại hơn 800 dự án thủy điện vừa và nhỏ còn lại. Đặc biệt phải quy trách nhiệm rõ ràng bởi nếu không rõ trách nhiệm thì nguy cơ sẽ có sai lầm tiếp. Ở đây có trách nhiệm của người phê duyệt dự án, chủ đầu tư và phải đền bù nếu gây thiệt hại. Tới đây khi ban hành nghị quyết về thủy điện, Ủy ban KH,CN&MT sẽ chuẩn bị kỹ, trong đó có yêu cầu làm rõ trách nhiệm. Còn nếu trả lời chất vấn chung chung thì không đi đến đâu cả. Hà Nhân |