> Chỉ ba ngày là có chồng Hàn Quốc
> Sang Hàn Quốc nhận xác con cháu
> Cô dâu Việt ôm hai con nhảy lầu: Xót xa mơ ước đổi đời
Lấy chồng xa có vô vàn nỗi niềm. Lại xa tít tắp ở xứ người, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa nữa thì lấy gì khỏa lấp những khoảng trống ấy để không phải chịu rủi ro, bất hạnh? Những ngày ở xứ sở Kim Chi, PV Tiền Phong đã tìm hiểu và có những cảm nhận về câu chuyện thường gây nhiều cảm xúc cho bạn đọc trong nước: Cô dâu Việt ở xứ Hàn!
Kỳ 1: Hạnh phúc - tìm ở đâu?
Tình yêu & tiền bạc
Tôi đến Hàn Quốc vào cuối Thu. Những hàng cây ngân hạnh, cây phong ngả màu đỏ, vàng rực, cùng thời tiết se lạnh, nắng như rót mật, làm cho những con đường, góc phố đẹp như tranh, như phong cảnh tô điểm cho các cuộc tình nhiều nước mắt, chiếu nhan nhản ở truyền hình xứ mình. Đi trên những con phố ấy, tôi nhớ những người bạn ngày xưa lấm lem bùn đất, xa quê biền biệt mấy chục năm sang xứ này và muốn tìm hiểu thêm cuộc sống cô dâu Việt dưới cái nhìn người trong cuộc, đời thường nhất.
Chị Trần Thị Hường (Hà Nội) lấy chồng Hàn, một mình đưa hai con (đứa bế đứa nằm trong nôi) dự Lễ hội văn hóa Việt Nam tại TP Deajeon, Hàn Quốc, ngày 27/10/2013. Chị nói: “Đến gặp mọi người cho đỡ nhớ nhà”. |
Chỉ riêng chuyện cô dâu Việt, tôi đã có những đêm trắng với những người bạn. Nguyễn Văn Quý (quê Kỳ Xuân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là bạn nối khố với tôi. Quý đến Hàn khi mới là thanh niên choai, giờ đã gần 40. Quý bỏ cả tuổi trẻ trên đất này, vì chuyện cơm áo. Vợ chồng Quý đều ở Hàn, sinh được 2 con thì cả hai gửi về nước nhờ ông bà nội trông khi còn đỏ hỏn. Sống ở xứ sở Kim Chi chừng ấy thời gian, chuyện cô dâu Việt cũng khiến Quý trăn trở nhiều. “Nghe nói, nước mình chiếu rất nhiều phim Hàn, đúng không? Nhiều cô qua đây làm dâu chỉ vì thích đàn ông Hàn qua phim đấy”, Quý cười.
Quý làm công nhân ở thành phố cảng Busan, nơi có đông người Việt sinh sống. Mỗi tháng anh kiếm được 3.000 USD. “Muốn về quê nghỉ ngơi, chăm các cụ và nuôi dạy con. Kiếm ra tiền đấy, nhưng hy sinh cũng nhiều, con sinh ra phải xa bố mẹ, các cụ già thì thiếu người chăm sóc. Hơn nữa, cường độ làm việc ở đây cao, từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, thời tiết khắc nghiệt, mùa đông xuống hơn chục độ âm”, Quý nói với tôi ở một quán rượu ven đường ở thành phố Deajeon, miền trung Hàn Quốc, sau khi hỏi tôi nhiều thông tin về quê nhà, ai còn, ai mất, đổi thay thế nào… Quý là một trong những người làm việc lâu nhất, gần gũi với cộng đồng người Việt tại đây.
“Cứ một lần cô dâu Việt ở Hàn gặp sự cố, như bị đánh đập, tự tử… thì dư luận trong nước lại bức xúc, dấy lên những cuộc tranh cãi, như đề nghị kiểm soát chặt việc lấy chồng Hàn, thậm chí có người cho rằng, con gái Việt bị đối xử như thế là ảnh hưởng hình ảnh quốc gia, nhục quốc thể”, tôi vào chuyện. Quý nói: “Phản đối, bức xúc đúng thôi, nhưng đó là phần ngọn. Nắm thông tin, xử lý vấn đề ngay trong nước để không xảy ra những chuyện đau lòng, mới là chuyện đáng làm, là phần gốc”.
Quý giải thích: Trong chúng ta, không ai có thể hiểu chính xác những diễn biến tâm lý của người tự tử và cũng không có điều kiện chứng kiến những diễn biến diễn ra trong gia đình họ, trong căn phòng riêng của vợ chồng họ.
Có nhiều cô dâu Việt ở bên này sống hạnh phúc vì họ yêu nhau thực sự. Đứa bé hát Gangnam style nổi tiếng thế giới là con của gia đình bố Hàn, mẹ Việt đấy. Ở đâu cũng vậy, có tình yêu thì có hạnh phúc. Một số người không nghiêm túc trong hôn nhân, sang đây vì mục đích kinh tế, thì sao đòi hỏi có hạnh phúc được…. Nguyễn Mai, du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc |
Bằng những trải nghiệm mười mấy năm ở đây thì mình nói thế này: Các cô dâu Việt thường đến từ các tỉnh miền tây, các huyện vùng ven TP Hải Phòng, Hà Tây cũ… Họ là những người trẻ, ít kinh nghiệm sống, học vấn không cao và tiếng Hàn hạn chế. Nói nghe có vẻ khó tin, nhiều cô dâu Việt khi tranh cãi với chồng, với gia đình chồng, thường phải nhờ người đến phiên dịch. Chuyện gia đình, riêng tư, sâu kín mà để người thứ ba xen vào khiến các ông chồng Hàn ức chế, nổi nóng và mất kiểm soát. Những chuyện va chạm ấy, do bất đồng ngôn ngữ, không hóa giải được, lại khác biệt văn hóa nữa nó cứ làm vợ chồng xa nhau ra từng ngày, mâu thuẫn diễn ra âm ỉ, dai dẳng. “Không có kỹ năng, kinh nghiệm xử lý các tình huống trong gia đình mà lại không may vớ phải mấy tay vũ phu, cờ bạc, rượu chè, hoặc có vấn đề về thần kinh thì các cô dâu bị đánh đập cũng chẳng có gì lạ. Chuyện này không ít đâu, vì ngoài những đôi cưới nhau vì tình yêu, còn có các đôi “nên duyên” từ chuyện tổ chức xem mặt, tuyển vợ. Mà đã chấp nhận tham gia cho người ta xem mặt, lựa chọn thì đâu có quyền đòi hỏi, có sao chấp nhận vậy thôi. Không ít cô dâu về nhà chồng chẳng hiểu chút gì về chồng mình. Nếu lấy phải ông thần kinh thì cũng cắn răng mà chịu…”, Quý nói.
“Phải nói thật, có một số cô dâu chấp nhận sang đây không phải để đi tìm hạnh phúc. Cứ thấy người ngoại quốc hỏi cưới là thích rồi. Thế thì hạnh phúc sao nổi”, Quý vừa nói vừa lắc đầu.
Trong buổi gặp mặt hôm đó, có anh Ngọc Hạnh, quê Nghệ An. Anh Hạnh nói rõ thêm khía cạnh khác mà Quý chưa nói hết: “Thấy cô dâu Việt ở nước ngoài bị đánh, bị hành hạ… thì người dân ta phẫn nộ là dễ hiểu. Trừ một số vụ đánh đập, hành hạ dẫn đến phải ôm con tìm đến cái chết thì cần phải lên án, phản đối và đề nghị nhà nước ta can thiệp. Còn những việc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt khác thì chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận. Không ít cô gái coi nhẹ chuyện tình cảm, chấp nhận lấy chồng Hàn vì tiền, hợp pháp hóa để đi làm công nhân bên này. Đây là sai lầm lớn nhất, trả giá bằng cả đời con gái, đôi khi không có lối thoát, mắc kẹt trong nhiều tình huống dở khóc dở cười. Tôi gặp nhiều cô dâu, họ tâm sự, chồng đi làm suốt ngày, tối về lăn ra ngủ. Trong nhà thì ai ở phòng người nấy, tiếng Hàn thì bập bẹ nên cảm thấy cô đơn. Những lúc như vậy các cô tìm đến bạn bè Việt Nam đang làm việc bên này để tâm sự. Thế rồi ở nơi xa quê, lại nhiều tâm trạng nên xảy ra không ít cảnh ngoài vợ, ngoài chồng. Nói thẳng ra là phản bội chồng. Nhưng nói phản bội cũng chưa chính xác vì có yêu nhau đâu. Không ít người bỏ nhà chồng ra đi, ra ngoài làm việc và sống với tình yêu mới…”.
Nhìn từ hai phía
Quý nói thêm: “Tôi đã gặp một số người Hàn bỏ công việc đi tìm vợ. Họ tâm sự nhiều chuyện mình không ngờ. Có người vay 10.000 USD qua Việt Nam tuyển vợ, giờ vợ bỏ đi, mất cả vợ, mất cả tiền. Họ lại làm việc quần quật trả nợ”.
Hwang Min Woo (8 tuổi, bố Hàn, mẹ Việt) nổi tiếng thế giới với Gangnam style. |
“Ở Hàn Quốc, sức ép việc làm rất cao. Đàn ông không có tiền, không có nhà rất khó lấy vợ Hàn. Mà giá nhà đất bên này cũng chẳng khác gì bên ta, có được nhà ở thành phố, thị trấn cũng phải bươn chải bở hơi tai. Những người lấy vợ Việt kiểu xem mặt, tổ chức tuyển chọn chớp nhoáng thường là nghèo, không có tiền lấy vợ Hàn. Họ chủ yếu lao động chân tay, lái taxi, những người năng lực kém người khác, thậm chí là bị vợ bỏ, vợ mất… Mình quen một ông lái taxi, vợ mất sớm, con thì đã trưởng thành. Thấy bố vất vả, thui thủi một mình, con cho mấy chục ngàn đô la bảo sang Việt Nam tìm vợ. Tìm được vợ, nhưng không có thời gian cho vợ, suốt ngày lái xe chạy ngoài đường. Vợ trẻ, cô đơn lại không có việc làm, chịu được một thời gian rồi bỏ nhà đi. Ông ta đi tìm khắp nơi. Gặp ai người Việt ông cũng hỏi” – Quý kể.
Hiện có 170.000 người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Hàn Quốc; trong đó có 70.000 cô dâu. |
Nguyễn Mai, học thạc sỹ, sống cùng chồng tại Hàn Quốc, nói: Đa số đàn ông Hàn hiền lành, chăm chỉ, nhiệt tình. Có nhiều cô dâu Việt ở bên này hạnh phúc vì họ yêu nhau. Đứa bé hát Gangnam style nổi tiếng thế giới là con của gia đình bố Hàn, mẹ Việt đấy.
“Ở đâu cũng vậy, có tình yêu thì có hạnh phúc. Một số người không nghiêm túc trong hôn nhân, sang đây vì mục đích kinh tế, thì sao đòi hỏi hạnh phúc. Các cô gái lấy chồng Hàn cần phải hiểu rõ điều này. Người Việt ta ở trong nước, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm chuyện các cô gái lấy chồng Hàn mà không biết gì về con người, đất nước người ta. Buồn cười là nhiều người mê phim Hàn rồi thích lấy người Hàn. Cuộc sống đâu đẹp và sạch bóng như trên phim. Suy nghĩ đơn giản, ảo tưởng rồi vỡ mộng, phản ứng tiêu cực…” - Mai nói.
“Một số ông người Hàn coi hôn nhân như hợp đồng kinh tế, cứ sang tuyển rồi mang về. Ai chẳng có nhu cầu được yêu thương, chia sẻ. Không đáp ứng được thì vợ bỏ đi. Tại anh, tại ả”, anh Hạnh đúc kết. “Đàn ông Hàn khi cưới vợ cũng phải lấy người tâm đầu ý hợp, chứ làm cái kiểu tổ chức xem mặt tuyển chọn thì rước về không chóng thì chầy người ta bỏ đi thôi…”, Nguyễn Mai nói.
(Còn nữa)
(Tên một số nhân vật thay đổi theo yêu cầu của chính người cung cấp thông tin)
Kỳ 2: Lời khuyên của giáo sư người Hàn Trong một buổi trao đổi với đoàn công tác của T.Ư Đoàn chủ đề gia đình đa văn hóa, trong đó vấn đề cô dâu Việt tại Hàn Quốc, Giáo sư Shin Ki Won, nói: “Các cô gái Việt muốn lấy chồng Hàn cần thận trọng”. Vì sao vậy? |