60 năm trong đội ngũ tiên phong

60 năm trong đội ngũ tiên phong
TP - Suốt 60 năm qua, những nỗ lực bền bỉ của các thế hệ làm báo Tiền Phong đã tạo nên một tờ báo luôn sắc bén, hấp dẫn, có tính chiến đấu và tính định hướng, giáo dục cao; góp phần cổ vũ, động viên, tổ chức nhiều phong trào của tuổi trẻ tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Như tên gọi, tờ báo luôn ở đội ngũ tiên phong.

> Báo Tiền Phong nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
> 60 năm nhìn lại để tự hào và sửa mình

Cái nôi chiến khu Việt Bắc

Năm 1953, tại ATK Tân Trào, xuất phát từ yêu cầu Đoàn Thanh niên Cứu quốc quốc (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cần một cơ quan tuyên truyền, tuổi trẻ Việt Nam cần có một diễn đàn thường xuyên, được sự quan tâm của Đảng và Bác Hồ, lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cứu quốc quyết tâm ra một tờ báo. Ngày 16/11/1953, báo Tiền Phong ra số đầu tiên và ra liên tục cho đến hôm nay.

Quá trình chuẩn bị ra báo Tiền Phong diễn ra tại bản Dõn, xã Thanh La, châu Tự Do, nay là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Lam, lúc đó là Bí thư Trung ương Đoàn. Đồng chí cũng là chủ nhiệm của báo. Ban báo chỉ có 6 thành viên, do đồng chí Nguyễn Thanh Dương, người sau này trở thành Tổng Biên tập báo, làm trưởng ban. Đoàn viên thanh niên cả nước đã đóng góp được vài triệu đồng, một khoản tiền lớn khi đó, gửi về Trung ương Đoàn để làm kinh phí ra báo. Tờ Tiền Phong số 1, in 4 trang, đen trắng. Trên trang nhất của số báo này in bài xã luận “Thề không đi lính cho giặc”, “Thư của Hồ Chủ tịch gửi cho thanh niên Pháp” v.v...

Ngay từ những ngày đầu gian khó ở chiến khu Việt Bắc, báo Tiền Phong đã cố gắng đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, chủ trương công tác của Đoàn Thanh niên đến với bạn đọc trẻ, và quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh của báo chí cách mạng, cổ vũ những gương đoàn viên thanh niên điển hình tiên tiến ở các vùng tự do cũng như vùng địch tạm chiếm. Báo Tiền Phong đã cổ vũ, động viên tuổi trẻ đến với cách mạng, đến với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để góp phần làm nên một “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”.

Những chặng đường phát triển

Sau ngày giải phóng năm 1954, rời chiến khu Việt Bắc, báo Tiền Phong chuyển về thủ đô Hà Nội. Báo Tiền Phong cùng cả nước bước vào thời kỳ mới, với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trước yêu cầu mới, từ số 122 ra ngày 3/10/1956, báo Tiền Phongbắt đầu ra 2 kỳ/tuần. Đến năm 1959, báo đã ra 3 kỳ/tuần.

Phóng viên báo Tiền Phong ở chiến trường Vĩnh Linh năm 1968
Phóng viên báo Tiền Phong ở chiến trường Vĩnh Linh năm 1968.

Trong giai đoạn cuối những năm 50 nửa đầu những năm 60, Tiền Phong chú trọng phản ánh khí thế lao động hăng say, đặc biệt là của tuổi trẻ, trên các công trường xây dựng, như công trường đại thủy nông Bắc Hưng Hải, khu gang thép Thái Nguyên và nhiều công trình khác với những gương tập thể và cá nhân tiên tiến ghi dấu ấn một thời, như Đoàn Thanh niên HTX Tam Hưng, tỉnh Hà Đông làm thủy lợi; Chi đoàn Mộc của Nhà máy Dệt 8-3 với sáng kiến tiết kiệm nguyên vật liệu; gương lao động của 10 chàng trai, 10 cô gái Đại Phong, Quảng Bình; hay 10 cô gái ở nông trường Đồng Giao...

Giai đoạn này báo cũng tập trung xây dựng trong thanh niên lý tưởng, cách sống, lựa chọn con đường đi với nhiều diễn đàn, nhiều loạt bài tranh luận, bút chiến, trong đó có cả bút chiến với báo chí Sài Gòn. Tiêu biểu là các cuộc thảo luận trên mặt báo về “Tiền đồ của Thanh niên”, “Mẫu người lý tưởng”, “Tuổi trẻ và ước mơ”, “Như thế có phải là hi sinh?”, “Đi theo con đường nào?” v.v...

Phóng viên Phạm Yên đi Trường Sa năm 1989
Phóng viên Phạm Yên đi Trường Sa năm 1989.

Thời kỳ này bắt đầu truyền thống của những phóng sự điều tra, tiêu biểu là các bài điều tra về lãng phí gỗ trên công trường xây dựng khu gang thép Thái Nguyên, điều tra nguyên nhân chất lượng thấp của sản phẩm của Nhà máy xe đạp Thống Nhất. Báo cũng quyết liệt bảo vệ quyền lợi chính đáng cho những người trẻ tuổi, tiêu biểu là vụ bảo vệ giáo viên - bí thư chi đoàn Vũ Văn Hải bị Hiệu trưởng trường tiểu học xã Dư Hàng Kênh, Hải Phòng trù dập, buộc thôi việc (năm 1964). Đây chính là những nét truyền thống góp phần quyết định làm nên thương hiệu cho Tiền Phong ở giai đoạn Đổi Mới sau này.

Trong giai đoạn xây dựng CNXH ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tờ báo trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén, động viên, phản ánh các phong trào các mạng sôi nổi, phong trào thi đua lao động sản xuất và chiến đấu của tuổi trẻ, của quân và dân cả nước.

Đặc biệt những năm chống Mỹ, các phóng viên báo Đoàn đã “Tay bút, tay súng” kịp thời cổ vũ, nhân điển hình những tấm gương con người mới, điển hình mới trong các phong trào thi đua yêu nước như phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, báo Tiền Phong đã đi đầu xây dựng những hạt nhân ưu tú. Tiền Phong đã tiếp sức cho tiếng nói của Đoàn, kêu gọi, cổ vũ hàng triệu thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với các phong trào lớn như “Năm xung phong”, “Ba sẵn sàng”...

 Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng vừa tác nghiệp vừa tham gia thả hàng cứu trợ từ máy bay trực thăng cho đồng bào bị bão lũ năm 2007
Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng vừa tác nghiệp vừa tham gia thả hàng cứu trợ từ máy bay trực thăng cho đồng bào bị bão lũ năm 2007.

Khi đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam và leo thang ném bom miền Bắc, một số cán bộ, phóng viên báo Tiền Phong được chọn cử vào chi viện cho miền Nam để làm nòng cốt cho báo Thanh niên Giải phóng của Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam, có người đã bị thương nặng trong chiến đấu như nhà văn Sơn Tùng. Ở miền Bắc, các phóng viên Tiền Phong đã tỏa đến các trọng điểm đánh phá của kẻ thù như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hàm Rồng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... và tuyến lửa Vĩnh Linh, khu giải phóng ở Quảng Trị viết bài ngay dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù v.v...

Đặc biệt trong trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm năm 1972, những người làm báo Tiền Phong kiên cường bám trận địa dưới làn mưa bom bão đạn, kịp thời phản ánh khí phách anh hùng của quân và dân Hà Nội đánh B52.

Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, báo Tiền Phong tiếp tục bám sát nhiệm vụ là cổ vũ các phong trào thi đua lao động sôi nổi của tuổi trẻ và nhân dân cả nước trong việc khôi phục kinh tế, khắc phục khó khăn sau chiến tranh.

Những năm cuối 70 và 80 của thế kỷ 20, cả nước gặp rất nhiều khó khăn, phóng viên báo Tiền Phong đã đi sâu vào đời sống, phát hiện, phản ánh những điển hình mới, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất. Báo Tiền Phong chú trọng tuyên truyền, cổ vũ cho sự đổi mới tư duy về kinh tế, tuyên truyền đấu tranh xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong hàng ngũ tiên phong của công cuộc Đổi Mới

Bắt nhịp với công cuộc đổi mới của đất nước, với tinh thần tự lực, tập thể những người làm báo Tiền Phong đã tìm mọi cách thoát ra khỏi những khó khăn, tự tìm cách đi. Báo bắt đầu đổi mới thông tin, đổi mới măng séc, đổi mới cách trình bày, tổ chức làm phụ san, phụ bản. Về tổ chức, các cán bộ trẻ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo. Năm 1988 lần đầu tiên báo thực hiện thi tuyển phóng viên - một hiện tượng thời ấy.

Phóng viên Nguyễn Hoàng Nam theo bước phu trầm hàng chục ngày trong rừng sâu để làm phóng sự
Phóng viên Nguyễn Hoàng Nam theo bước phu trầm hàng chục ngày trong rừng sâu để làm phóng sự.

Báo Tiền Phong đã đi đầu tuyên truyền góp phần tháo gỡ khó khăn về kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng: Đổi mới tư duy về kinh tế. Cùng với nhiệm vụ tuyên truyền cổ vũ đường lối đổi mới, báo Tiền Phong đã đi đầu trong việc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên thanh niên.

Chuyên mục “Hưởng ứng những việc cần làm ngay” của những năm 1987-1989 đã đăng nhiều bài điều tra sâu sắc, đi đến kết quả cuối cùng, gây chấn động dư luận, điển hình như loạt bài “Người vô danh" hay “Vụ án 2000 ngày oan trái”, góp phần minh oan và hủy bản án cho một người vô tội.

Cuối năm 1988, báo ra số Tiền Phong Chủ nhật; ngày 7/11/1991 ra chuyên san Tiền Phong Cuối tháng; năm 1995, ra thêm hai chuyên san Người đẹp Việt NamTri thức trẻ. Từ giữa những năm 2000, Người đẹp ra 2 kỳ/tháng, Tri Thức trẻ 3 kỳ/tháng. Tháng 7/2001, báo Tiền Phong ra 5 số/tuần, đến năm 2006 thì ra hằng ngày. Báo Tiền Phong đã mạnh dạn cải tiến cả nội dung lẫn hình thức, để phù hợp với xu thế thời đại, nhưng vẫn giữ bản sắc tươi trẻ, hấp dẫn bạn đọc.

Phóng viên Lê Nguyễn bí mật đầu đơn làm công nhân để tìm hiểu đời sống người lao động tại TPHCM
Phóng viên Lê Nguyễn bí mật đầu đơn làm công nhân để tìm hiểu đời sống người lao động tại TPHCM.

Công cuộc đổi mới đòi hỏi báo chí phải đổi mới phương thức tuyên truyền sao cho sinh động, đa dạng hơn. Ngoài nội dung hay, báo phải có những hình thức hoạt động phong phú để bạn đọc tham gia một cách chủ động và tích cực. Ngay từ những năm đầu đổi mới, báo Tiền Phong đã khởi xướng và tổ chức thành công nhiều cuộc thi, nhiều phong trào lớn, nhiều diễn đàn thiết thực được hàng triệu bạn trẻ hưởng ứng, tham gia.

Những cuộc thi tìm hiểu theo chủ đề như “Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, đất nước đổi mới đi lên CNXH”, hay các cuộc thi về truyền thống của Đoàn, Hội, về biên giới hải đảo, các diễn đàn lớn như “Sống đẹp”, “Sống để yêu thương và dâng hiến”…, do báo Tiền Phong tổ chức đã trở thành những đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong cả nước.

Giai đoạn hiện nay, báo chí ngày càng phải đổi mới mạnh mẽ về nội dung và hình thức. Báo Tiền Phong đang tiếp tục lấy trọng tâm là phản ánh muôn mặt của đời sống của đất nước, trong đó có giới trẻ, cổ vũ các phong trào thanh niên, góp phần định hướng cho giới trẻ qua các hình thức truyền tải sinh động về giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cho thanh niên, tích cực phản ánh và tuyên truyền cho cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Báo cũng đấu tranh quyết liệt vì sự đổi mới mọi mặt trong đời sống xã hội và đấu tranh chống các trở lực ngăn cản đổi mới, chống các hiện tượng tiêu cực.

Phóng viên Tiền Phong đã dấn thân vào những đề tài mới, khó, đến với những vùng đất xa xôi, khó khăn ở mọi miền Tổ quốc để chuyển tải những thông tin hữu ích tới độc giả.

Trong những năm qua nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc của báo Tiền Phong đã đoạt giải cao trong giải báo chí quốc gia, với những đề tài phong phú mang hơi thở cuộc sống, có tính chiến đấu cao.

Những năm đầu của thế kỷ XXI, trước xu thế phát triển của thời đại, báo Tiền Phong đã có bước chuyển quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh nhậy, kịp thời, đa dạng nhiều chiều, từ năm 2005 báo Tiền Phong điện tử ra đời và ngày một phát triển. Đây là một kênh tuyên truyền hiện đại, thành quả của công nghệ thông tin và báo chí mở ra giai đoạn phát triển mới của báo.

Trong những năm qua báo Tiền Phong không ngừng xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ phóng viên. Báo Tiền Phong hiện có 5 ban đại diện ở các thành phố, khu vực lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đắk Lắk, Nghệ An và có phóng viên thường trú tại 18 tỉnh.

Đội ngũ phóng viên đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tin bài kịp thời, phát hiện nhiều nhân tố mới, những vấn đề đang đặt ra với các khu vực, các ngành, các địa phương.

Từ một tờ báo ra hằng tuần, nay phát hành hằng ngày, Tiền Phong đã trở thành một tổ hợp báo chí có uy tín cao. Hiện tại có 4 ấn phẩm phát hành rộng rãi trong cả nước và phục vụ cho người Việt ở nước ngoài: Tiền Phong hằng ngày, Tiền Phong điện tử, Người đẹp và Tri thức trẻ. Nhật báo Tiền Phong được in đồng thời cùng giờ ở 5 điểm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột và Vinh.

Nhanh nhạy và kịp thời, các ấn phẩm báo Tiền Phong khẳng định được uy tín trên thị trường báo chí cả nước, chiếm được sự tin yêu của bạn đọc, đặc biệt là đoàn viên thanh niên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG