> Ông Nguyễn Văn Nên trở thành Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
> Thủ tướng đề nghị bổ nhiệm tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
“Chạy tiếp sức”
Ông có bất ngờ khi được chọn làm Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ không? Cảm nghĩ của ông ra sao khi tiếp nhận “ghế nóng”?
Có bất ngờ, nhưng tôi vốn là người lính, luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao. Tôi nghĩ những người đã chọn tôi, đồng ý cử và phê chuẩn tôi đều vì một nhiệm vụ cách mạng, tuyệt nhiên không có gì khác. Vì thế, tôi xem đây là một sự trao gửi niềm tin và trách nhiệm mà tôi phải cố gắng hoàn thành.
Ông có nghĩ mình phải “học việc” từ đầu khi nhận trọng trách mới này?
Không. Tôi là người chạy tiếp sức. Trên đường băng người tiếp theo bao giờ cũng cần bắt nhịp, duy trì tốc độ để vượt chướng ngại vật mới có thể về đích kịp thời gian và yêu cầu.
Nếu cần tự nhận xét về mình, ông sẽ nói gì?
Tôi là người hành động, không thích rườm rà, không muốn nói nhiều về những việc đã làm và những điều mình chưa làm.
Ông Nguyễn Văn Nên. |
Làm tốt sẽ được dân mến
Hiện người dân và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì nền hành chính vận hành theo kiểu “hành là chính”. Ông sẽ tham mưu gì cho Chính phủ và Thủ tướng trong việc cải cách hành chính, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong việc làm ăn?
Tôi quan niệm cuộc đời như sân cỏ, một chính khách cũng như một cầu thủ. Trên sân cỏ, mình chơi như thế nào khán giả đều biết hết. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ |
Đây đúng là vấn đề bức xúc hiện nay. Đôi khi, nền hành chính không chỉ “hành” dân mà còn “hành” quan và “hành” cả chính mình. Việc cải cách thủ tục hành chính những năm qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc nhưng cũng còn không ít việc phải tiếp tục làm.
Đây là vấn đề lớn và khó, vì phải cải cách chính mình, đòi hỏi phải có sự chung tay quyết liệt, tháo từng nút thắt, trước hết là vai trò người đứng đầu các cấp chính quyền. Phần mình, tôi xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu phải tập trung tham mưu trong thời gian tới.
Gần đây có hiện tượng không ít bộ ngành, địa phương trong một số vấn đề lẽ ra có thể giải quyết trong phạm vi quyền hạn của mình nhưng thường tìm cách “đá bóng trách nhiệm”, đẩy dồn việc lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trên cương vị mới, ông có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?
Nếu ở đâu đó còn chuyện này thì trách nhiệm phải xem xét từ hai phía: bên giao và bên nhận. Thực ra, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung phân cấp giao quyền ngày càng rõ ràng, rành mạch. Nếu đã nhận nhiệm vụ cụ thể và đầy đủ thì vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện và kiểm tra uốn nắn, xử lý trách nhiệm đối với người không làm việc phải làm. Trong xử lý cần công minh, chính xác, kịp thời thì tình trạng trên sẽ dần được khắc phục.
Theo ông, một người lãnh đạo ngày nay cần như thế nào để được dân yêu mến?
Đã là lãnh đạo thì đã chấp nhận hy sinh. Người lãnh đạo phải luôn đặt lợi ích chung lên trên và làm tốt mọi việc thì dứt khoát sẽ được dân mến. Tôi chỉ nghĩ mình làm được gì cho dân, cho Đảng, cho nước thì phải hết sức làm thôi.
Chính khách như cầu thủ
Có ý kiến cho rằng, làm lãnh đạo ở Việt Nam quyền lớn, nhưng đến lúc có chuyện xảy ra thì xử lý trách nhiệm nhiều trường hợp chưa tương xứng và văn hóa từ chức còn quá xa lạ. Ông nghĩ thế nào về văn hóa từ chức?
Tôi nghĩ nên xem đó là việc bình thường. Cũng giống như một cầu thủ khi thấy mình không còn đủ sức thì nên chủ động ra tín hiệu để huấn luyện viên chuẩn bị thay người. Vấn đề quan trọng là huấn luyện viên sẽ cân nhắc, xem xét các yếu tố để quyết định cho cầu thủ rời sân cỏ vào thời điểm thích hợp nhất. Cầu thủ không tự quyết định rời sân cỏ.
Suy nghĩ như vậy có hơi đơn giản với một chính khách không, thưa ông?
Tôi quan niệm cuộc đời như sân cỏ, một chính khách cũng như một cầu thủ. Trên sân cỏ mình chơi như thế nào khán giả đều biết hết và người cầu thủ phải bình tĩnh trước mọi lời khen chê. Khán giả rất tinh tế và sẽ luôn công bằng khi phán xét.
Nhưng ông vừa nói cầu thủ vẫn phải “đá” theo ý đồ chiến thuật của huấn luyện viên đấy thôi?
Bản lĩnh và đẳng cấp của một cầu thủ là trình độ thể hiện chiến thuật của huấn luyện viên. Nhưng để chiến thắng thì phải có một tập thể mạnh, nghĩa là mọi người như một, phải vì màu cờ sắc áo, không lạm dụng kỹ thuật cá nhân, góp phần tạo hưng phấn, giữ lửa cho toàn đội. Đó sẽ là chiến thắng của tập thể chứ không phải là của riêng một cá nhân, vì anh không thể tỏa sáng một mình được.
Trong cuộc sống cũng như công việc thường nhật, ông có bí quyết gì để có thể “tạo lửa” cho đồng đội của mình?
Phải sẵn sàng lăn xả, kịp thời bọc lót cho nhau, không né tránh, không đổ lỗi, đồng cảm và chia sẻ. Tôi nghĩ cả sân cỏ và cuộc đời đều như thế, đều cần lòng tốt, bổn phận và sự tử tế. Người tốt không bao giờ lạc lõng. Tất nhiên, với một chính khách thì phải đủ cả tâm và tầm. Và thước đo đối với người cán bộ chính là hiệu quả công việc mà họ đảm nhận.
Cảm ơn ông.
Ông Nguyễn Văn Nên được 85,94% đại biểu tán thành Sáng 14/11, với tỷ lệ 85,94% đại biểu tán thành, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Nên giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Nên sinh ngày 14/7/1957 tại xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Ông bắt đầu tham gia cách mạng từ trước năm 1975 trong ngành công an. Ông là cử nhân Luật. Trước khi trở thành Bí thư huyện ủy Gò Dầu, ông Nên là người đứng đầu Công an huyện Gò Dầu. Ông Nguyễn Văn Nên sau đó giữ cương vị Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh. Những năm sau đó, ông Nên lần lượt giữ cương vị Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh (trong cả 2 thời kỳ này ông đều kiêm chức Phó Bí thư Tỉnh ủy). Ngày 11/9/2010, ông Nguyễn Văn Nên được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (tháng 1/2011), ông Nên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 7/2011, ông được cử giữ chức Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Ông Nguyễn Văn Nên giữ chức Phó Ban Tuyên giáo Trung ương kể từ tháng 3/2013 đến nay. |
Đặng Vương Hạnh
Thực hiện