Nhà ngoại cảm lừa đảo phải xử lý nghiêm

Nhà ngoại cảm lừa đảo phải xử lý nghiêm
TPO - GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội trả lời phỏng vấn của Tiền phong về quản lý hoạt động ngoại cảm đang gây tai tiếng thời gian gần đây.

GS Đào Trọng Thi nói: Trước hết, phải nói hiện tượng ngoại cảm, khả năng ngoại cảm là có thật. Người có khả năng dùng ngoại cảm để giúp đỡ một số việc là tốt. Chỉ có điều, một số người lợi dụng, cường điệu khả năng để lừa đảo điều thực sự không tốt, đặc biệt trong lĩnh vực nhạy cảm như tâm linh.

Tôi cho rằng ở đây có hai mặt, thứ nhất nên có sự hỗ trợ người có khả năng tổ chức khai thác khả năng của họ; một mặt phải có cách giáo dục, động viên để những người đó làm việc chân chính. Người có năng lực ngoại cảm thực sự nên hình thành tổ chức của mình, giúp đỡ, giám sát và khuyến khích nhau hoạt động đúng pháp luật, đúng khuôn khổ đạo đức của người Việt.

Ngoại cảm không thể đúng 100%

Việc nhà ngoại cảm hàng đầu Việt Nam Phan Thị Bích Hằng có những dự báo hoàn toàn sai, điển hình là vụ tìm hài cốt lãnh tụ Phùng Chí Kiên, bản thân ông nhìn nhận việc này như thế nào?

Không ai nói ngoại cảm chính xác 100%. Nếu họ dự báo sai, không chính xác thì đó cũng là điều rất bình thường. Vấn đề là, người làm ngoại cảm phải thông báo trung thực kết quả, khả năng dự báo chính xác đến đâu, nhất là anh không được lừa dối. Tôi nghĩ, không ai dám nói rằng ngoại cảm là đúng hết, biết đến đâu, đúng đến đâu thì nói đến đó thôi. Phải trung thực vì đây là lĩnh vực tâm linh.

 Phải sử dụng ngoại cảm như thế nào để hiệu quả, đừng đặt nó cao hơn khả năng thực tế 

GS Đào Trọng Thi

Thời gian qua báo chí phanh phui không ít trường hợp lấy danh nghĩa ngoại cảm để lừa đảo, trục lợi, gây bức xúc xã hội, thưa ông?

Đương nhiên lừa đảo là vi phạm pháp luật. Nếu anh lấy danh nghĩa ngoại cảm để trục lợi thì phải xử lý thật nghiêm hành vi trục lợi đó.

Không thể buông lỏng

Ở góc độ quản lý nhà nước, cần quản lý hoạt động ngoại cảm như thế nào để người dân không bị kẻ xấu lợi dụng?

Ngoại cảm rộ lên vài năm trước, làm sửng sốt mọi người vì thực sự lúc đó có kết quả tốt, một số trường hợp rất chính xác. Hoạt động này giúp được một số gia đình giải quyết việc tìm mộ người thân, hài cốt liệt sỹ. Nhà ngoại cảm đã được xã hội tin tưởng hơn mức bình thường. Nhưng gần đây, tôi thấy họ bắt đầu có sai sót, kể cả lừa đảo, nên bị xã hội đề phòng. Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có quy định để hạn chế bớt việc nhà ngoại cảm hoạt động vượt quá năng lực của họ.

Nhưng quy định dường như chưa đủ, nếu không nói có phần buông lỏng, nên nhiều trường hợp lừa đảo vẫn xảy ra?

Nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước phải có quy định chặt chẽ về việc hành nghề. Nhưng nếu người ta dùng năng lực ngoại cảm để hành nghề thì mình mới quy định được. Còn nếu nếu họ chỉ hoạt động để phát huy năng lực thì chẳng có gì vi phạm. Họ chỉ vi phạm khi dính líu đến pháp luật, tức là dùng hoạt động đó để làm dịch vụ tìm kiếm mộ, hài cốt...

Nếu anh tuyên truyền với người ta một việc vượt khả năng của anh, hoặc cam kết hợp đồng mà không hoàn thành như tìm hài cốt không đúng, dùng hài cốt giả thì phải xử lý. Tuy nhiên, người sử dụng dịch vụ cũng không nên tin tưởng quá, có thể giám định ADN để kiểm tra. Còn nếu lấy xương chó, xương lợn giả hài cốt thì càng dễ, có khi chẳng cần ADN cũng biết được.

Các nhà ngoại cảm hiện nay dù nổi tiếng đến mấy thì cũng là tự xưng, và hoạt động rất tự do?

Đúng là như thế. Chuyện công nhận nhà ngoại cảm cũng khó, vì không thể dùng phép đo nào để kiểm tra mà do uy tín của con người thôi. Còn khi anh đang nghiên cứu thì có thể làm một số dự án trong khuôn khổ cho phép thôi. Nếu anh làm dịch vụ thì phải đăng ký hành nghề. Trung tâm nghiên cứu hiện nay không có quyền cấp phép hành nghề ngoại cảm.

Thời gian vừa rồi xảy ra sự cố cũng do người dân quá tin tưởng nhà ngoại cảm. Có người chỉ muốn giải quyết nhu cầu tâm lý nên không kiểm tra lại, dù có thể anh chưa tin 100%.

Hình sự hay không phải xét cụ thể

Trở lại vụ ngoại cảm tìm hài cốt Liệt sỹ Phùng Chí Kiên và một số vụ việc gây bức xúc gần đây, theo ông có nên xem xét ở khía cạnh hình sự?

Có hình sự hay không thì phải xem xét cụ thể, xem có yếu tố lừa đảo hay không. Và thứ hai là họ thỏa thuận như thế nào, có trục lợi hay không.

Vừa rồi Ngân hàng CSXH chi 75 triệu đồng / vụ tìm hài cốt liệt sỹ, số tiền bỏ ra hàng tỷ đồng, nhưng nhiều kết quả không chính xác?

Nếu họ làm đứng đắn, có kết quả thật thì chi bao nhiêu phải tính toán, phải trả công nhà ngoại cảm. Vấn đề đặt ra là họ có làm nghiêm túc hay đây là sự lừa đảo. Nếu chứng minh là lừa đảo thì phải xử lý.

Vậy theo ông có nên khuyến khích tìm mộ liệt sỹ bằng phương pháp ngoại cảm hay không?

Chỉn nên khuyến khích nếu hoạt động đó là nghiêm túc, hợp pháp, vì ngoại cảm là có thật không phủ nhận được. Phải sử dụng ngoại cảm như thế nào để hiệu quả, đừng đặt nó cao hơn khả năng thực tế. Quản lý Nhà nước phải quy định cụ thể về hoạt động, dịch vụ này.

Cảm ơn ông !

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.