Bi hài 'gửi vợ chồng' thời đau mắt đỏ

Bi hài 'gửi vợ chồng' thời đau mắt đỏ
Thấy mình mắc dịch đau mắt đỏ, nhiều người đã lựa chọn phương pháp “sơ tán” để tránh bệnh cho cả nhà. Thế mới có chuyện, 2 vợ chồng ở cách nhau có 100m mà cả tuần không dám gặp nhau, thậm chí ở cùng nhà mà không được nói chuyện…

Bi hài 'gửi vợ chồng' thời đau mắt đỏ

> Trong nhà có người đau mắt đỏ, làm gì để không lây?
> Dịch đau mắt đỏ lan nhanh ở nhiều tỉnh
> Cấm tăng giá thuốc điều trị đau mắt đỏ

Thấy mình mắc dịch đau mắt đỏ, nhiều người đã lựa chọn phương pháp “sơ tán” để tránh bệnh cho cả nhà. Thế mới có chuyện, 2 vợ chồng ở cách nhau có 100m mà cả tuần không dám gặp nhau, thậm chí ở cùng nhà mà không được nói chuyện…

Ở cách nhau 100m mà như 1000km

Kể về chuyện chạy dịch đau mắt đỏ ở nhà mình, chị Kim (Thanh Xuân – Hà Nội) cứ tủm tỉm cười. Bởi “nghĩ cũng hài, chiến tranh thì không phải mà vợ chồng con cái vẫn phải “chia lìa”. Ngay như nhà mình, mới đầu tuần, ông xã dính dịch, mẹ con phải bồng bế, tay xách nách mang về nhà ngoại “tạm lánh”.

“Nói là đi tạm lánh, nhưng nhà ngoại mình cách nhà mình chỉ khoảng 100m đường chim bay. Ấy thế mà, cả tuần vợ chồng con cái không được gặp nhau. Mỗi lúc nhớ nhau chỉ dám liên lạc qua điện thoại, hoặc rảnh rỗi thì chat chit với nhau trên internet như người ta ở cách nhau đến cả nghìn km.

Thậm chí có hôm, chắc vì không được ra ngoài tụ tập bia bọt với bạn bè, lại phải ở nhà một mình với đôi mắt kèm nhèm, đỏ hoe nên ông xã buồn, gọi điện nói chuyện với mình cả mấy tiếng đồng hồ.

Hai vợ chồng cứ buôn hết về con cái đến tình hình dịch bệnh, đến chuyện anh em họ hàng, chuyện kinh tế xã hội, rồi lan man thế nào lại buôn ngược về chuyện ngày đầu 2 đứa quen nhau thế nào, hẹn hò ra sao… Tóm lại, là bao nhiêu những kỷ niệm đã bị “chôn chặt” kể từ sau khi kết hôn thì bỗng nhờ có dịch đau mắt đỏ mà được “đào xới” lại”’- chị Kim nói.

Nhiều ông chồng loay loay khi phải tự lo cơm nước 1 mình với đôi mắt bị đau
Nhiều ông chồng loay loay khi phải tự lo cơm nước 1 mình với đôi mắt bị đau.

“Không những vậy, kể từ khi vợ chồng, con cái phải chia tách, mình như được trở lại thủa 18, đôi mươi bởi điện thoại lúc nào cũng đầy ắp những tin nhắn nhớ nhung, yêu thương từ chồng - Điều mà từ sau khi cưới, mình chưa bao giờ nhận được” – chị Kim hài hước kể lại.

Cùng chung cảnh vợ chồng “ly tán” vì dịch đau mắt đỏ, chị Hồng Mai (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: “Kể từ khi làm đám cưới, 2 vợ chồng chưa bao giờ phải rời xa nhau, bởi đặc thù công việc của 2 vợ chồng đều không phải đi công tác xa như những người khác. Tuy nhiên, lần này, vì mới sinh con được 8 tháng, chồng lại bị lây bệnh đau mắt đỏ nên để không ảnh hưởng đến con, mình cũng đưa con về nhà ngoại ở.

Tuy nhiên, dù đưa con đi tạm lánh nhưng trong lòng chị Mai vẫn thấp thỏm không yên vì thương chồng ở nhà 1 mình.

Chị Mai bảo, “Tính anh quen được vợ chăm sóc. Có khi vợ bận việc chưa về nhà nấu cơm, anh cũng nằm im chịu đói cho đến khi vợ về. Giờ xa vợ, không biết ông ấy xoay xở ra sao?".

Rồi chị lại thương: “Hôm phát hiện mình bị đau mắt đỏ, ông ấy còn không dám về nhà, chỉ điện thoại bảo mình “sơ tán” gấp. Rồi đợi mình đưa con đi khỏi nhà mới về để khỏi lây sang vợ con”.

Sống cách ly với chồng con trong chính ngôi nhà của mình

Thời dịch đau mắt đỏ, với nhiều gia đình lựa chọn phương pháp “sơ tán” để tránh ảnh hưởng đến những người còn lại. Tuy nhiên, không phải ai muốn cũng có đủ điều kiện để làm được việc đó. Nhiều trường hợp, còn tự bảo vệ gia đình bằng cách sống giam mình trong phòng kín, và tránh tiếp xúc với tất cả mọi người. Và chị Linh (Hà Đông – Hà Nội) là một ví dụ điển hình.

Chị Linh kể, “biết mình bị đau mắt đỏ, rất dễ lây sang cả nhà, nhất là cháu nhỏ 1,5 tuổi, nhưng vì quê nội và quê ngoại đều ở xa, tận Yên Bái với Nghệ An nên cả 2 vợ chồng đều không thể áp dụng biện pháp sơ tán như nhiều gia đình khác. Vì vậy, để tránh ảnh hưởng mình chọn phương pháp “cách ly” tại gia”.

Chị Linh cho biết nhà chị có 4 tầng, mỗi tầng 1 phòng ngủ, nên từ khi phát hiện mình bị đau mắt đỏ, chị chọn cách sống “cách ly” ở 1 phòng riêng trên tầng 4, không tiếp xúc, không sinh hoạt chung với mọi người trong gia đình.

“Lúc nào mình cũng ở trong phòng và đóng cửa im ỉm. Mọi giao tiếp đều qua điện thoại nên đứa con vẫn tin là mẹ đang đi công tác. Đến tận khi khỏi bệnh mình mới dám xuất hiện trước cả nhà”- chị Linh nói.

Tuy nhiên, theo chị Linh, thà đi “sơ tán” để không nhìn, không nghe thấy con khóc lóc có khi còn dễ chịu hơn cảnh mẹ ngồi trong phòng, nghe tiếng con khóc ra rả vì đói, vì nhớ mẹ. Trong khi bố cứ loay hoay không biết phải dỗ dành con thế nào để con chịu ăn, chịu nín.

“Đúng là không cái khổ nào giống cái khổ nào, mình sống cách ly đúng 4 ngày mà như người ngồi tù bị tra tấn về tinh thần suốt cả chục năm liền” – chị Linh thở dài.

Theo Minh Anh
Vietnamnet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG