> Có quyền mà không kiểm soát dễ sinh hư hỏng
> Chưa đủ sức sát thương 'giặc nội xâm' tham nhũng
Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) ngày 27/9. Ảnh: như ý. |
Tham nhũng đã thành con bạch tuộc
Nhắc lại câu nói của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “càng đi, càng thấy buồn, người ta ăn của dân không từ một cái gì”, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh, phường Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng dù báo chí nói rất nhiều nhưng cử tri thấy tham nhũng không giảm mà còn nghiêm trọng, nguy hiểm hơn. Các báo cáo về phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm nay hình như cũng giống như năm ngoái, nói không chuyển biến thì không phải, nhưng chuyển biến lại quá ít, vì PCTN chỉ “giơ cao mà đánh khẽ”.
Bây giờ nếu thấy nói nhiều mà không xử được gì cũng không tốt. Chúng ta làm một số việc cụ thể sẽ đỡ phải đi giải thích. Đây là cuộc đấu tranh gian nan, phức tạp và phải có lòng tin, quyết tâm. Sốt ruột quá, cũng có thể khiến chủ trương sai. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Cử tri Thịnh nhìn nhận tham nhũng không chỉ là những con sâu đơn lẻ, không chỉ là bầy sâu mà chúng đã trở thành những con bạch tuộc liên kết với nhau trong lợi ích nhóm, len lỏi và bám chặt vào các cơ quan công quyền, càng ngày càng trở nên mạnh, làm những người lương thiện, những người đấu tranh chống tham nhũng e ngại. Ông Thịnh đề nghị các đại biểu Quốc hội làm rõ câu hỏi mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt ra “có tham nhũng trong cơ quan PCTN không?”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, những phát biểu của các ĐBQH là thẳng thắn. Khẳng định tham nhũng lãng phí là những vấn đề nhức nhối, Tổng Bí thư cho rằng: “Bây giờ cái gì cũng phải có tiền, không tiền là không trôi, rất là khó chịu. Tham nhũng nhỏ hằng ngày như ngứa ghẻ, gãi rất khó chịu”.
Tổng Bí thư khẳng định: “Không phải bây giờ, cách đây vài chục năm các đồng chí lãnh đạo đã nói tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm. Từ thời Bác Hồ đã cảnh báo, căn dặn, giáo dục, dạy dỗ cán bộ. Đây là vấn đề của bất kỳ một nước nào. Khi đã có quyền mà không kiểm soát dễ sinh ra hư hỏng”.
Về câu hỏi, cơ quan chống tham nhũng có tham nhũng không? Tổng Bí thư nhận định, có thể có kẽ hở trong một số khâu PCTN, như ở khâu giám định, cũng là khâu khó khăn nhất. Tổng Bí thư cho biết có những vụ tham nhũng đi từ khởi tố, điều tra, tới giám định rồi xét xử hàng mấy năm trời. “Không cẩn thận, khâu giám định dễ bị kéo dài ra, bị “làm giá”, bị “bôi trơn” và khiến vụ án “đầu là con trâu, còn đuôi là con chuột”.
Tổng Bí thư cho biết, hiện nay Ban Chỉ đạo T.Ư PCTN đang cố gắng tập trung tháo gỡ những khâu vướng mắc trong PCTN, tập trung vào xử lý những vụ án tham nhũng nghiêm trọng. Khi phát hiện ra tham nhũng sẽ xử lý tận gốc, xử nghiêm, không nương nhẹ.
Nghiên cứu thay đổi cách thức lấy phiếu tín nhiệm
Cử tri Nguyễn Văn Sơn (phường Quán Thánh) cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, nhận được sự đồng tình của nhân dân. Tuy nhiên, mức độ tín nhiệm cao và thấp cũng chưa phản ánh đầy đủ năng lực quản lý điều hành. Ông Sơn đề nghị nên giữ nguyên đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, nhưng về mức độ tín nhiệm chỉ nên áp dụng 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm. Số lần thực hiện lấy phiếu tín nhiệm nên chia thành 2 lần trong một nhiệm kỳ 5 năm. Nếu ai có kết quả không tín nhiệm trên 50% phải xem xét xử lý, không chờ đến lần 2.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết qua đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dư luận từ cử tri cho thấy, bước đầu việc lấy phiếu tín nhiệm có tác dụng tốt như răn đe, cảnh báo, ngăn chặn. “Dù lấy phiếu tín nhiệm cốt giáo dục rèn luyện là chính chứ không phải thay người này, bỏ người kia nhưng nếu thấy cần thiết thì cũng phải thay, phải bỏ”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư nhận định sau khi có kết quả, dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, kể cả trong ĐBQH như về các mức bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu, diện bỏ phiếu. “Vì đây là vấn đề mới, khó, chúng ta chưa làm bao giờ và thế giới cũng chưa ai làm giống chúng ta”.
Tổng Bí thư khẳng định tiếp thu ý kiến của các cử tri và sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để công tác lấy phiếu tín nhiệm có tác dụng tốt hơn. Không chỉ rút kinh nghiệm việc lấy phiếu tín nhiệm trong QH, mà cả ở trong Đảng. “Chúng ta phải ghi nhận lấy phiếu tín nhiệm là bước tiến, là thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, để đề phòng, răn đe, ngăn ngừa và chống tham nhũng”, Tổng Bí thư nói.