'Cò' bệnh, vì đâu?

'Cò' bệnh, vì đâu?
TP - Trong các loại “cò”, “cò” bệnh là một trong những loại vô lương tâm nhất, vì kiếm ăn ngay trên nỗi đau của người bệnh. Những nạn nhân sập bẫy “cò” chủ yếu lại là những bệnh nhân nghèo lơ ngơ ở quê mới lên.

> 'Cò' bệnh giăng bẫy khắp nơi
> 'Cò máu' bệnh viện 'sa lưới'

Tiền đã ít lại mất vì “cò” mà tật thì vẫn mang. Dân quê nghèo đã khổ lại càng thêm khổ. Cái vòng lặp như một ma trận không lối thoát: Nghèo khổ dễ mắc bệnh - Mắc bệnh phải vay tiền chạy chữa lại càng nghèo - Ra thành phố sập bẫy “cò”, nhẵn túi mà bệnh vẫn hoàn bệnh - Lại càng thêm cơ cực!

Nhưng vì sao loại “cò” quái đản, nhẫn tâm này lại có đất sống cả chục năm nay, rải khắp các bệnh viện lớn từ Nam chí Bắc? Và vì sao càng ngày đội quân “cò” lại càng thêm đông đảo, giăng bẫy khắp nơi bủa vây người bệnh? Cứ nhìn hệ thống các phòng khám tư nhân mọc lên như nấm xung quanh các bệnh viện sẽ rõ câu trả lời.

“Cò” sống chủ yếu bằng hoa hồng từ các phòng khám tư, hay nói cách khác từ chính những vị bác sĩ không y đức, thậm chí “cò” đáng lên án một thì những vị bác sĩ này đáng phải lên án 10.

“Cò” có thể làm điều thất đức vì miếng cơm manh áo, song những vị bác sĩ mở phòng mạch tư mấy ai nghèo? “Cò” cùng lắm cũng chỉ vì mục đích kiếm ăn, nhưng những vị bác sĩ sử dụng đội ngũ “cò” này không những no đủ mà còn làm giàu trên thân xác bệnh nhân. “Cò” bám trụ mặt đường thường ít học nên chỉ kiếm ăn qua ngày, song bác sĩ chủ phòng khám tư sẵn sàng trả hoa hồng cho “cò” lại kiếm bộn tiền.

Chịu khó để ý thấy rằng, “cò” trong vai xe ôm phơi mặt ra đường dẫn khách chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” mà thôi. Trong hệ thống y tế có nhiều bất cập hiện nay, còn biết bao loại “cò” giấu mặt khác, mà mức độ lợi hại, tinh vi gấp cả trăm ngàn lần loại “cò” vặt ngoài đường kia.

Bán thuốc có “cò” trình dược viên, “cò” đấu thầu, loại “cò bự” này “mổ” một phát có thể hàng ngàn, hàng vạn bệnh nhân bị “móc túi” tiền thuốc một cách êm ái mà không hề hay biết.

Nếu biết rằng, người bệnh nước ta hằng năm phải chi trả tới hàng tỷ USD tiền thuốc mới thấy cái “ao” của “cò” dược phẩm lớn tới mức nào. Xã hội hóa thiết bị y tế có “cò” chụp, chiếu, xét nghiệm, hóa chất..., táo tợn hơn có “cò nhân bản” xét nghiệm.

Có ý kiến cho rằng, để dẹp vấn nạn “cò” bệnh nêu ở trên cần giải quyết được tình trạng quá tải bệnh viện hiện nay. Tuy nhiên về bản chất, nếu không có sự tiếp tay của các phòng khám tư nhân, “cò” bệnh sẽ hết đất sống. Nhưng còn hàng loạt các loại “cò” khác vừa kể thì sao? Như vậy bản chất của vấn đề cuối cùng vẫn là sự tha hóa của y đức, sự xuống cấp của đạo đức, lối sống trong xã hội.

Giá thuốc tây, giá sữa nhảy múa hết năm này qua năm khác có nguyên nhân từ đâu? “Cò” lộng hành cách nào chữa trị? Câu hỏi nhức nhối vẫn chờ câu trả lời của những người có trách nhiệm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.