Thả rông xe đạp điện trên phố

Thả rông xe đạp điện trên phố
TP - Không tiêu chuẩn kỹ thuật, không biển số hay bằng lái và giấy tờ liên quan nên xe đạp điện được học sinh rất ưa chuộng. Với tốc độ đạt đến 50km/h, xe đạp điện đang là ẩn họa với người tham gia giao thông ở Thủ đô.

Tai nạn chết người đã xảy ra

Ngày 19/8, tại ngã ba Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám (Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm giữa xe đạp điện và ô tô, làm cho người đi xe đạp điện là một nữ học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tử vong. Một số nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn nữ sinh trên không đội mũ bảo hiểm, khi va chạm với ô tô nạn nhân bị đổ xe và đập đầu xuống đường.

Hằng ngày vào các giờ cao điểm trên các tuyến đường xung quanh khu vực trường học như chuyên Hà Nội - Amsterdam (Cầu Giấy); THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm); THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình); THPT Kim Liên (Đống Đa); Lê Quý Đôn (Hà Đông)… vẫn nhan nhản học sinh đầu trần đi xe đạp điện đến trường. Ngoài không đội MBH, nhiều học sinh khi tan trường chạy trên một số tuyến đường như Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Nguyễn Trãi - Tây Sơn, Nguyễn Thái Học - Kim Mã, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt… còn dàn hàng ngang, đánh võng trên đường.

Nhiều tuyến phố trước đây chuyên bán xe máy như Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, phố Huế… nay cũng chuyển sang bán xe đạp điện, có cửa hàng rộng cả 100m2 mở ra chỉ bán mỗi mặt hàng này. Một số chủ cửa hàng ở đây cho biết, so với các năm trước, thời điểm mùa nhập học năm nay số lượng xe bán ra tăng 30 đến 50%.

Do là ngày nghỉ nên từ 8h sáng qua, lượng khách hàng chủ yếu là học sinh và phụ huynh đến xem mua rất đông. Xe ở đây có rất nhiều nhãn hiệu khác nhau từ Yamaha, Honda đến các nhãn nhập từ Trung Quốc, Đài Loan như Bridgestone, Geoby, PSY, Zamha… xe thường có giá từ 7 đến 12 triệu/chiếc. “Do chỉ dao động từ 7 đến 9 triệu nên các xe nhập từ Trung Quốc, Đài Loan vẫn bán chạy hơn cả”, anh Thông, một chủ cửa hàng trên phố Huế cho biết. Cũng theo anh Thông, khách hàng mua xe điện chủ yếu là phụ huynh mua cho con đi học, hình thức mua chỉ cần trả tiền, lấy xe về mà không phải làm các chứng từ hóa đơn như với xe máy.

Thả nổi quản lý

CSGT chỉ có thể xử phạt xe đạp điện, không thể tạm giữ phương tiện vi phạm. Ảnh: Trọng Đảng
CSGT chỉ có thể xử phạt xe đạp điện, không thể tạm giữ phương tiện vi phạm. Ảnh: Trọng Đảng.

Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết, thực tế hoạt động trên đường vận tốc của xe đạp điện có thể lên đến 50km/h (bằng tốc độ xe máy đi trong đô thị); đối tượng sử dụng là thanh thiếu niên, học sinh sinh viên. Nhiều đối tượng thường không chấp hành các quy định của pháp luật như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang…

Tuy đạt tốc độ xe máy đi trong đô thị, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong những ngày qua, việc mua bán sử dụng xe đạp điện rất đơn giản và không cần giấy tờ kèm theo, người mua chỉ việc trả tiền, lấy phiếu thu (nếu cần) là xong. Khi lưu thông trên đường cũng không cần phải đăng ký biển số, đóng bảo hiểm và không cần bằng lái. Các cửa hàng buôn bán cũng rất dễ dàng trong việc nhập và bán xe và hầu như không bị cơ quan chức năng kiểm tra.

Những ngày qua lượng xe đạp điện bán ra tại các cửa hàng Hà Nội tăng 30-50% so với các năm trước. Ảnh: Trọng Đảng
Những ngày qua lượng xe đạp điện bán ra tại các cửa hàng Hà Nội tăng 30-50% so với các năm trước. Ảnh: Trọng Đảng.

Ông Trịnh Văn Ngọc, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, tuy phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng theo quy định xe đạp điện cũng như các phương tiện thô sơ không tiếng ồn, chưa có quy định về kiểu dáng trọng lượng, đăng ký bảo hộ sản phẩm công nghiệp như xe máy nên lực lượng quản lý thị trường rất khó có căn cứ để kiểm tra, xử lý về mặt chất lượng. Theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), khó khăn lớn nhất trong việc xử lý xe đạp điện vi phạm khi người điều khiển là học sinh – đối tượng ở tuổi vị thành niên. Loại xe này thuộc diện không phải đăng ký quản lý nên CSGT cũng không có cơ sở lập biên bản tạm giữ. Lỗi chỉ có thể xử lý với xe vi phạm là không đội MBH, phóng nhanh, vượt ẩu…

Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, hiện xe đạp điện đang được nhập ồ ạt vào Việt Nam, trong khi đó cơ quan quản lý Nhà nước chưa kiểm soát được chất lượng. Về tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống phanh, bánh của xe đạp điện thiết kế nhỏ hơn xe máy nên chỉ thích hợp chạy với tốc độ 25km/h. Đường kính lốp nhỏ hơn xe máy thì số vòng quay bám mặt đường lớn hơn, do đó độ văng rất lớn. Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu xe chạy với tốc độ từ 40 đến 50km/h. Theo Hiệp hội vận tải Hà Nội, xã hội phát triển và người dân có nhu cầu, Bộ GTVT cần chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam phải bổ sung các quy định về quản lý chất lượng đối với xe đạp điện. Cần thiết phải có Thông tư về quy chuẩn quốc gia đối với xe đạp điện, từ đó sẽ giúp cơ quan có cơ sở kiểm tra, xử lý khi xe lưu thông trên đường cũng như các cơ sở nhập khẩu, lắp ráp.

Theo Hiệp hội vận tải Hà Nội, xã hội phát triển và người dân có nhu cầu, Bộ GTVT cần chỉ đạo Cục đăng kiểm Việt Nam phải bổ sung các quy định về quản lý chất lượng đối với xe đạp điện.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
TPO - Tối 15/1, tỉnh Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh, 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, công bố quyết định của Thủ tướng công nhận ngày 17/1 hằng năm làm Ngày truyền thống của tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và phát biểu tại buổi lễ.