Vì sao 4 thuyền viên Việt Nam nhảy xuống kênh đào Panama?

Vì sao 4 thuyền viên Việt Nam nhảy xuống kênh đào Panama?
TP - Phải làm việc quá tải và cuộc sống trên tàu kham khổ, bốn thuyền viên (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã liều mình nhảy xuống kênh đào Panama trong đêm tối…

> 4 thuyền viên Việt nhảy xuống kênh đào Panama: Về nước là mất hút
> Vì sao 4 thuyền viên Việt nhảy xuống kênh đào Panama?

Các thuyền viên kể lại hành trình trở về nước
Các thuyền viên kể lại hành trình trở về nước.

Anh Đào Ngọc Trung, một trong bốn thuyền viên kể: “Mỗi ngày chúng tôi phải làm việc từ 17 - 18 tiếng. Hơn thế nữa, ăn uống ở trên tàu quá kham khổ nên khi tàu đi qua kênh đào Panama chúng tôi đã liều mình nhảy xuống biển, rồi gọi cảnh sát biển Panama để được giải cứu”.

Theo anh Trung, do cuộc sống ở quê nhà khó khăn, tháng 6 năm 2012 anh cùng với người cháu là Trần Văn Dương (21 tuổi) làm thủ tục xin đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan qua một người môi giới ở cùng xã. Sau khi sang tới nơi, anh được cử lên làm đầu bếp ở tàu cá Cheng Cheng Shipping, còn cháu anh làm công nhân đánh cá, mức lương 6.500.000 đồng/tháng. Sau 1 tháng sửa chữa các trang thiết bị, con tàu bắt đầu vươn khơi đánh bắt cá ngừ đại dương.

  Ngày nào anh em thuyền viên chúng tôi cũng phải ăn mồi câu cá để làm việc. 

Hồ Thanh Tùng

Thuyền viên Hồ Thanh Tùng (30 tuổi) chia sẻ: nguyên nhân khiến họ nhảy trốn khỏi tàu là do quá vất vả, thời gian làm việc quá dài từ 18- 20 tiếng/ ngày. Nhiều lúc thuyền đánh bắt được hải sản lớn, tất cả thuyền viên đều phải làm việc suốt đêm không được ngủ.

Anh Trung kể lại: trong bản ký kết về hợp đồng lao động giữa hai bên là phía Công ty và người lao động thì thời gian làm việc trên tàu từ 12-14 tiếng/ ngày. Lương bình quân từ 300- 350 USD/ tháng/ người. Tuy nhiên, sau khi sang đó làm việc trên tàu cá Cheng Cheng Shipping của phía Đài Loan giờ làm việc quá dài.

Mỗi ngày, thuyền viên chỉ ngủ từ 3 - 4 tiếng. Thậm chí có hôm phải thức suốt đêm để làm việc. Tàu cá Cheng Cheng Shipping có 25 người, trong đó thuyền viên Việt Nam có 4 người; Philippines (16); Indonesia (1); còn lại là 4 người Trung quốc. Công việc của các thuyền viên ở trên tàu được phía chủ tàu quản lý rất chặt chẽ, mặc dù các thuyền viên làm việc rất vất vả nhưng phía chủ tàu lại không quan tâm tới người lao động.

Mỗi ngày, thuyền viên chỉ ngủ từ 3 - 4 tiếng. Thậm chí có hôm phải thức suốt đêm để làm việc.

Theo lời kể của thuyền viên Hồ Thanh Tùng, tất cả các thuyền viên trên tàu phải ăn mồi câu cá ở ngoài biển Đại Dương để sống qua ngày. “Ngày nào anh em thuyền viên chúng tôi cũng phải ăn mồi câu cá để làm việc. Nhiều lúc nhìn thấy phía chủ tàu mang mồi câu cá ra cho anh em chúng tôi ăn thì nhiều thuyền viên cũng ngán ngẩm, lắc đầu vì ngày nào cũng ăn nên quá chán. Tuy nhiên, những lúc đánh câu được, anh em cũng được phía chủ tàu thay đổi thực phẩm cho ăn tươi hơn một tý”.

Đêm 14/8, bốn thuyền viên gồm Lê Đức Chính, Đào Ngọc Trung, Trần Văn Dương và Hồ Thanh Tùng đã tìm cách nhảy xuống kênh đào Panama. Nhân lúc không có ai kiểm tra, cả 4 đã cầm phao rồi túi nilon bơm hơi căng và nhảy xuống biển.

Sau nhiều giờ tìm cách bơi vào bờ thì họ phát hiện một chiếc cọc tiêu phân luồng, cả 4 thuyền viên bơi vào đó và thay nhau nghỉ ở trên cọc tiêu cho đến sáng ngày hôm sau.

Sáng ngày 15/8, bốn thuyền viên thấy chiếc ca nô của hải quân Panama đi tuần tra, họ ra hiệu xin cứu vớt. Sau khi lên bờ, cả 4 người được Đại sứ quán Việt Nam cùng với chủ tàu Cheng Cheng Shipping phối hợp làm thủ tục đưa ra sân bay vào 7h sáng ngày 18/8 để về Việt Nam.

Chị Lô Thị Hằng, vợ thuyền viên Đào Ngọc Trung nói gia đình chị rất khó khăn, quanh năm bám biển để mưu sinh. Nghe thông tin trên đài, báo về việc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người lao động, vợ chồng anh chị đã vay mượn gần 15 triệu đồng để được sang Đài Loan làm việc. Anh Trung sang bên đó làm việc dù đã được 14 tháng nhưng số tiền lương ở nhà nhận được mới chỉ 10 tháng, còn 4 tháng Công ty vẫn chưa thanh toán.

Trước đó chưa đầy một tuần lễ, tại xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu), hai thuyền viên làm việc ở trên tàu cá và một thuyền viên ở huyện Quỳ Châu, một người khác ở Khánh Hoà cũng đã nhảy xuống biển, khi tàu cách bờ khoảng 800m. Các thuyền viên cho rằng họ bị chủ tàu ngược đãi, dùng vũ lực đánh đập các thuyền viên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG