SVĐ cấp huyện chục triệu USD: Chỉ nên bằng nửa hiện nay

SVĐ cấp huyện chục triệu USD: Chỉ nên bằng nửa hiện nay
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong về thực trạng hoạt động của các nhà thi đấu, sân vận động cấp huyện tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Đan Phượng (Hà Nội) khẳng định chỉ nên xây quy mô bằng một nửa hiện nay do rất thiếu hoạt động, cơ chế vận hành bất hợp lý.

> Ai chịu trách nhiệm việc xây sân vận động chục triệu đô?
> Cung Thể thao Quần Ngựa: Cần chục tỷ đồng chống xuống cấp

Ông Vĩnh cho biết: Trung tâm TDTT huyện Đan Phượng khởi công xây dựng từ năm 2006 đến 2010 đưa vào vận hành có diện tích 5,6 ha, vốn đầu tư từ ngân sách hơn 30 tỷ đồng cho sân vận động và nhà thi đấu, chưa kể bể bơi và sân tennis.

Làm Giám đốc Trung tâm TDTT, ông có phải chịu áp lực gì không?

Nói thực với anh, không có cơ sở vật chất thì thèm khát lắm nhưng khi có rồi thì cũng mệt vì nhiều áp lực. Chúng tôi ở đây là huyện ngoại thành, nhu cầu luyện tập chơi thể thao của người dân thì có nhưng để đáp ứng được về tài chính thì không nhiều. Khi đầu tư cho con em mình, các gia đình ưu tiên cho học tập, chứ không phải thể thao. Trung tâm TDTT của Đan Phượng hoạt động không thường xuyên.

Ngoài những ngày huyện tổ chức các hoạt động thì người dân cũng ngại không muốn vào. Vì đã vào chơi trong nhà thì liên quan rất nhiều vấn đề như điện, nước, sửa chữa, phục vụ. Đã bật đèn lên thì phải thu tiền mà thu tiền thì lại không có người chơi, mặc dù đã thu ở mức rất rẻ rồi. Chủ yếu Trung tâm tổ chức các hoạt động huấn luyện, tập huấn là chính.

ông Nguyễn Văn Vĩnh
ông Nguyễn Văn Vĩnh.

Vậy theo ông, quy mô SVĐ, nhà thi đấu cấp huyện mức nào là phù hợp?

 “Vừa qua báo chí nêu về sân vận động, nhà thi đấu cấp huyện là tốt và bây giờ phải quan tâm khai thác các công trình này. Quy chế khai thác sân vận động, nhà thi đấu hiện thành phố đang giao cho ngành văn hóa-thể thao nghiên cứu và phải đẩy nhanh việc này để tránh lãng phí...”.  

Nguyễn Thị Bài,
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội

Tôi cho rằng đầu tư các Trung tâm TDTT cấp huyện thì nên đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục nhưng không nên làm quy mô lớn. Lúc đầu anh em làm lớn vì có tham vọng mời đội nọ đội kia về thi đấu hoặc phục vụ Sea Games. Nhưng thực tế lực của mình không được đến tầm ấy. Theo tôi sân vận động chỉ nên làm 1.000 chỗ ngồi thôi. Trong khi đó sân vận động của Đan Phượng 7.600 ghế. Sự kiện lớn nhất tại sân vận động cũng chỉ có 1.000-1.500 người dự. Khi nhiều huyện đến trao đổi kinh nghiệm xây dựng Trung tâm TDTT, tôi cũng đã nói là không nên làm quy mô lớn.

Tôi nói thật, nếu được phê duyệt tôi chỉ làm quy mô bằng 2/3 hoặc 1/2 như hiện nay thôi. Chúng tôi bây giờ đang loay hoay khi phải nuôi cả một cơ sở lớn như thế này. Ngay cả bảo lấy thu bù chi thì ở Đan Phượng không như trong nội thành. Trong ấy thu 1 triệu đồng tiền sân/trận đá bóng là nhẹ nhàng nhưng ở Đan Phượng thu 300-400 ngàn đồng cũng khó, thanh niên nhà quê kiếm tiền đâu ra.

Tôi chỉ nói riêng thuê cắt cỏ cũng chết, quét ghế khán đài khổ lắm. Nhiều khi anh em không quét được nên phải dùng máy phun nước mới trôi hết rác bẩn, kinh lắm. Nếu thuê cắt cỏ, quét sân giá “nội bộ” một lần cũng hết từ 5-7 triệu đồng. Mùa mưa 2 tuần cắt 1 lần, mùa khô 1 tháng cắt 1 lần. Theo tôi nếu bây giờ đầu tư cũng không cần làm ghế nhựa, chỉ cần một số ghế VIP thôi còn lại lát gạch men, láng xi măng là được, còn lại tập trung đầu tư cho tuyến xã.

Thu hẹp đầu tư cấp huyện để đầu tư cho tuyến xã. Ông có thể nói cụ thể hơn?

Mỗi xã nên có một khu để tổ chức hoạt động, làm đơn giản và người dân dễ vào. Chỉ cần làm khung thép, mái tôn, xây quây lại để người dân có thể tập luyện hàng ngày. Tôi sẽ tham mưu cho huyện mỗi năm nên tổ chức ít giải phong trào thôi mà đưa hoạt động xuống cơ sở là chính. Vì thể thao quần chúng là nâng cao sức khỏe của người dân thì phải được nhiều người tham gia. Cấp huyện chủ yếu chỉ làm tập huấn nghiệp vụ.

Một số các giải thi đấu cấp thành phố cũng nên điều chỉnh lại vì ngay cả chúng tôi cũng phải bỏ một số giải vì không có kinh phí. Phong trào thể thao ở cơ sở có mạnh thì cấp huyện mới mạnh được, cơ sở không có gì thì lấy đâu ra phong trào?

Minh Tuấn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG