Thuyết phục đến đâu?

Thuyết phục đến đâu?
TP - Báo Tiền Phong vừa nhận được công văn của Giám đốc Chi nhánh Syngenta Việt Nam phản hồi về bài báo: “Lại bức xúc chuyện ngô không hạt” đăng trên Tiền Phong ngày 6/7. Trong lúc Công ty này khẳng định hơn 70 ha ngô ở xã Đông, Kbang, Gia Lai năng suất thấp, không hạt, không phải do giống thì đến nay tại Gia Lai lại có thêm nhiều vùng trồng giống ngô của Syngenta cung ứng không hạt.

> Lại bức xúc chuyện ngô không hạt
> Ngô biến đổi gene có thể gây ung thư

Bắp không hạt ở xã Đăk Pơ Pho –Kông Chro, Gia Lai
Bắp không hạt ở xã Đăk Pơ Pho –Kông Chro, Gia Lai.

Do giống hay do đất?

Ngày 9/7/2013 tại UBND huyện Kbang, chính quyền địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, đại diện Cty Syngenta và đại diện gần 100 hộ dân bị thiệt hại do trồng ngô NK 67 không hạt tại xã Đông, đã họp bàn về nguyên nhân giống ngô NK 67 không hạt.

Kết luận cuộc họp này, ông Phạm Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Diện tích ngô lai NK 67 trồng ở xã Đông bị giảm năng suất và mất trắng trong khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Các giống ngô khác như CP, Bioseed…trồng liền kề, xen lẫn với diện tích trồng ngô lai NK 67, gieo cùng thời điểm và có chế độ chăm sóc tương đương nhau, vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có yếu tố liên quan đến chất lượng số hạt giống NK 67 đưa vào trồng trên địa bàn. Cuộc họp đi đến thống nhất hỗ trợ mức thiệt hại đối với diện tích 32,12 ha mất hơn 70% năng suất số tiền là 13,26 triệu đồng (bằng số tiền giống, phân bón, nhân công mà người dân đã bỏ ra/ha); hỗ trợ 6,63 triệu đồng/ha đối với 37,4 ha bị thiệt hại từ 70% trở xuống.

Tuy nhiên, Syngenta Việt Nam đã phủ nhận ý kiến tại cuộc họp ngày 9/7. Ngày 13/7 Syngenta Việt Nam đưa đến Kbang một số vị: Đại diện Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam gồm TS Trần Kim Định-Trưởng phòng di truyền giống cây trồng và Th.S Chu Trung Kiên-Trưởng phòng Bảo vệ thực vật; đại diện Trung tâm khảo nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Vùng Nam bộ: Ông Trần Quang Khuông; đại diện Cty Syngenta. Buổi kiểm tra có mời Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, Trạm Trưởng Trạm bảo vệ Thực vật huyện, Phó Chủ tịch UBND xã Đông đi thực tế đồng ruộng.

Tuy nhiên phát biểu tại cuộc họp này, ông Trần Văn Thủ -Phó Chủ tịch UBND xã Đông khẳng định: “Địa điểm đi thăm hôm nay là không toàn diện. Chỉ đi thăm 2 điểm theo hướng dẫn của Công ty, chưa đi theo yêu cầu của chính quyền địa phương và nông dân. Địa điểm thứ nhất mà đoàn đi kiểm tra thì mức độ thiệt hại nhẹ 40-60%, chưa đại diện cho mức độ ảnh hưởng tại địa phương. Địa điểm thứ hai đi thăm: (Giống ngô khác NK 67 để làm đối sánh) diện tích thiệt hại chỉ mấy chục mét vuông, do bị cát vùi lấp dày, cây nhỏ, thấp, bắp nhỏ, không giống như hiện tượng xảy ra như các ruộng bắp trồng NK 67 mà bà con phản ánh”.

Quá bất mãn với cách “cưỡi ngựa xem hoa” và cái nhìn thiên lệch của các nhà khoa học nên đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT Kbang, Trạm Bảo vệ thực vật Kbang và đại diện UBND xã Đông đã không ký xác nhận vào biên bản kiểm tra ruộng đồng này. Vậy mà, cuộc kiểm tra này được Syngenta lấy làm cơ sở để khẳng định ngô không hạt ở xã Đông, Kbang là không phải do giống mà có thể do mầm bệnh từ đất trồng các loại bị từ vụ trước.

Nhiều giống ngô do Syngenta cung ứng bị phản ánh không hạt

Trong khi tại xã Đông có hơn 72 ha giống ngô NK 67 không hạt năng suất thấp bị Syngenta cho rằng do đất chứ không phải do giống, thì cũng trên địa bàn huyện Kbang tại xã Lơ Ku vào ngày 15/7/2013 UBND xã đã mời đại diện Cty Syngenta đến bàn về mức hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do trồng giống ngô NK 66 và NK 67 bị thiệt hại do ngô không hạt.

Bà Dương Thị Thanh Xuân-Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Ku cho biết: Trên địa bàn xã phát hiện gần 30 ha giống ngô NK 66 và NK 67 không hạt. Cụ thể bắp có quả nhưng không có hạt: 33 hộ với diện tích 12,3 ha; bắp có quả nhưng mọc thành từng chùm 3-4 quả và không có hạt: 8 hộ với diện tích 3,5ha; bắp có hạt nhưng chưa đến thời kỳ thu hoạch lại bị mọc rễ và nảy mầm: 1,5 ha…

Tại huyện Kông Chro, Gia Lai, ngày 31/7 anh Khánh phụ trách nông nghiệp UBND xã Đăk Pơ Pho cho biết đến thời điểm hiện tại; giống ngô NK 67 và NK 7328 do Syngenta cung ứng trồng trên đất đồi xã này theo thống kê sơ bộ có khoảng 30 ha không hạt.

Ông Tăng Đắc Vui, nông dân thôn 2 xã Đăk Pơ Pho- huyện Kông Chro đưa chúng tôi đi đến rẫy một số hộ trồng giống bắp mới NK 7328. Quan sát bên ngoài cho thấy ngô phát triển rất tốt, cây to, cao khoảng 2 mét. Khi lội vào ruộng thấy nhiều cây cho từ 3 đến 5 bắp, có cây tới 7 bắp, nhưng khi lột vỏ bắp mới thấy bên trong không có hạt hoặc chỉ lưa thưa vài hạt. Đây mới là số liệu ban đầu, bởi vì vùng này hiện ngô đang trổ cờ cho quả, nhiều hộ chỉ chờ thu hoạch nên chưa kiểm tra rẫy
của mình.

Ông Trương Công Định ở thôn 7 xã Đông-Kbang khẳng định: Nhà ông trồng 1,9 ha ngô NK 67 bị thiệt hại hơn 70% năng suất, mất gần 60 triệu đồng. Tuy nhiên gia đình chỉ đề nghị Syngenta hỗ trợ lại tiền giống (hơn 109.000 đồng/kg), tiền phân, nhân công trị giá 13.260.000 đồng/ha. Đấy là nông dân chia sẻ rủi ro với nhà sản xuất. Nếu các kiến nghị của bà con ở đây về xã, huyện, tỉnh không được Syngenta đáp ứng thì bà con sẽ khởi kiện nhà sản xuất giống ra tòa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.