Quan xã “làm luật” người mua bán đất

Quan xã “làm luật” người mua bán đất
TP - Dưới hình thức kêu gọi ủng hộ xây dựng nông thôn mới, khuyến học…, nhiều xã thuộc huyện Hoài Đức (Hà Nội) buộc các hộ dân mua, bán đất phải nộp tiền ngoài quy định hơn 1 tỷ đồng. Tại xã Vân Canh, HĐND, UBND ra văn bản áp mức thu cố định 10 triệu đồng/trường hợp.

> Trưởng công an xã lừa bán đất
> Bắt cán bộ UBND huyện lừa đảo

Thu tiền tỷ ngoài luật

Nhiều người dân huyện Hoài Đức phản anh việc bị buộc phải nộp tiền cho xã thì chính quyền ở đây mới ký xác nhận vào hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Anh Hữu Mạnh, người dân xã An Khánh cho biết, khi đến UBND xã hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cán bộ địa chính xã yêu cầu anh phải đóng góp “tự nguyện” 5 triệu đồng.

Thắc mắc về khoản thu, nhân viên địa chính khẳng định, đây là quy định chung của xã. Quy định này trước chỉ áp dụng với người ở địa phương khác mua đất tại An Khánh, nay áp dụng với cả người dân địa phương.

Tình trạng buộc người mua đất phải đóng góp tự nguyện cũng xảy ra tại hàng loạt xã khác thuộc huyện Hoài Đức như Đông La, An Thượng, Vân Canh… với mức thu mỗi nơi một khác.

Tuy thu dưới danh nghĩa là tự nguyện nhưng hầu hết các xã đều đặt ra chỉ tiêu nộp cố định từ 5-10 triệu đồng; nếu không nộp sẽ bị gây khó khăn trong quá trình làm thủ tục.

Hoài Đức là một trong những huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của Thủ đô. Mỗi năm có khoảng 7.000 trường hợp làm thủ tục liên quan đến nhà đất; trong đó có 3.000 trường hợp chuyển nhượng.

Chính Chủ tịch UBND xã An Khánh Bùi Văn Vận thừa nhận: “Đúng là bắt buộc chứ không phải tự nguyện, nhưng khi ghi phiếu thì phải ghi tự nguyện”.

Ông Vận kể, có trường hợp một phụ nữ mua đất ở An Khánh đồng ý nộp tiền, nhưng khi viết giấy thì nhất quyết không ghi chữ “tự nguyện” mà đề nghị thay bằng từ “bắt buộc” nhưng xã không đồng ý. Hai tháng sau, người này phải quay lại nộp đủ tiền và khi đó thậm chí còn không lấy biên lai...

Trước khiếu nại của người dân, UBND huyện Hoài Đức đã thanh tra sơ bộ. Kết luận thanh tra do Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức ký ngày 5/6/2013 xác định, tại xã An Khánh, Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính đưa ra mức thu cố định, mang tính bắt buộc 5 triệu đồng/trường hợp. Tập thể UBND An Thượng thống nhất thu của mỗi người mua đất không có hộ khẩu thường trú tại xã 5 triệu đồng.

UBND xã Đông La có thu tiền nhưng đã chấm dứt từ năm 2011. Điển hình nhất về cách thu và mức thu là xã Vân Canh. Tại xã này, HĐND xã ban hành hẳn Nghị quyết, sau đó Chủ tịch UBND xã ra thông báo thu mỗi trường hợp 10 triệu đồng.

Theo tổng hợp của UBND huyện Hoài Đức, từ 2011-2013, xã An Thượng thu của 26 trường hợp với tổng số tiền 86,6 triệu đồng với mục đích xây dựng hạ tầng địa phương. Xã An Khánh trong 3 năm thu hơn 546 triệu đồng dùng cho công tác khuyến học. Xã Vân Canh thu tổng tiền 425 triệu đồng trong 3 năm để xây dựng nông thôn mới.

“Vô tình” tiếp tay cho cấp xã

Trở lại trường hợp của anh Hữu Mạnh, tại xã An Khánh, theo bộ thủ tục hành chính do UBND TP Hà Nội công bố và được UBND huyện Hoài Đức công khai tại trụ sở, trường hợp làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ gồm 7 loại giấy tờ (Đơn đăng ký biến động, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng, chứng minh thư và hộ khẩu của bên nhận chuyển nhượng, tờ khai nộp lệ phí trước bạ, tờ khai nộp thuế thu nhập cá nhân, giấy ủy quyền).

Tuy nhiên, khi đến nộp hồ sơ với đầy đủ các thủ tục trên, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Hoài Đức) yêu cầu anh Mạnh bổ sung thêm 3 loại giấy tờ, gồm: Biên bản bớt ngõ đi chung do xã xác nhận; đơn xin cấp giấy chứng nhận, trích lục có xã xác nhận; hộ khẩu, chứng minh thư của bên chuyển nhượng. Như vậy, với các thủ tục này, anh Mạnh buộc phải trở về xã xin xác nhận. Từ đó nảy sinh việc xã buộc người dân nộp tiền ở khâu xác nhận các thủ tục trên.

Trả lời PV Tiền Phong về việc lý do cán bộ UBND huyện “đẻ” ra các thủ tục trên, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết: Về nguyên tắc, các thủ tục này phải do cán bộ phòng TNMT làm. Việc cán bộ huyện yêu cầu người dân thực hiện là sai quy định.

Về nghi vấn UBND huyện có tiếp tay cho xã thu tiền trái phép qua việc phát sinh thêm thủ tục hành chính nêu trên, ông Đức thừa nhận: Qua kiểm tra bước đầu, có một số trường hợp cán bộ phòng TNMT viết giấy yêu cầu người dân làm thêm các thủ tục như trên. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện này cho biết, đây là việc làm tự ý của cán bộ, không thông qua lãnh đạo Phòng TNMT và UBND huyện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG