Huyền thoại mùa săn máu

Huyền thoại mùa săn máu
TP - Khi đường Hồ Chí Minh rải nhựa phẳng lỳ xẻ dọc dãy Trường Sơn cũng chính là lúc ánh sáng văn minh soi rọi khắp bản làng biên giới. Thế nhưng, lẫn khuất đâu đây giữa đại ngàn, vẫn còn đó những câu chuyện kỳ bí của các tộc người.

> Người Cơ tu qua sông thiêng

Những câu chuyện mãi không phai bởi đó là đời sống tâm linh gắn với sự thăng trầm của những tộc người ấy.

Một trong những câu chuyện ly kỳ nhất giữa đại ngàn Trường Sơn chính là huyền thoại săn máu của tộc người Cơ tu. Cho đến tận bây giờ, vẫn chưa có một nghiên cứu chính xác nào có thể xác định nguồn gốc thật sự của người Cơ tu cũng như tín ngưỡng săn máu xuất phát từ đâu. Vì thế, những câu chuyện xa xăm bên bếp lửa của các già làng hay những tiếng hò reo, những ánh mắt cuồng nhiệt của người Cơ tu trong lễ hội đâm trâu càng làm tục săn máu trở nên huyền ảo.

Khi không còn săn máu người, tộc Cơ tu sẽ phải săn máu bằng lễ đâm trâu
Khi không còn săn máu người, tộc Cơ tu sẽ phải săn máu bằng lễ đâm trâu.

Những trận chiến kinh hoàng

“Tôi đã giết hơn trăm người. Và đâm hai mươi lần lao tôi vào mỗi thân xác Lao của tôi dài, gỗ lao thì dẻo…”

Đó là những câu thơ mà anh lính viễn chinh người Pháp Le Pichon viết trong cuốn “Những người săn máu” đăng trên tạp chí Những người bạn Huế năm 1938. Le Pichon đặt tên cho nó là Bài ca của người chiến binh.

“Những người săn máu” của Le Pichon theo đánh giá không phải cuốn chuyên sâu nghiên cứu văn hóa, nhưng dẫu sao vẫn là những câu chuyện được ghi bằng mắt thấy tai nghe. Chỉ có điều, ông mở đầu bằng việc quy kết người Ka tu (đúng ra là Cơ tu) là tộc người man rợ, chuyên đi săn đầu người, lấy máu là sự thích thú trong cơn cuồng loạn của một tộc người nguyên thủy thì chắc chắn đó là một nhận xét phiến diện. Ít nhất đối với những già làng đầu bạc, trải qua hàng chục biến thiên của núi rừng.

 Lòng kiêu hãnh của đàn ông Cơ tu bây giờ không phải là săn máu người mà là giết được mãnh thú, đem thực phẩm về cho vợ con 

Già Avel

Những lời kể của các già làng giữa đại ngàn Trường Sơn cùng với căn cứ tư liệu để lại, tục săn máu hay còn gọi “giặc mùa” là những chuyến săn đầu, sát hại lẫn nhau giữa các tộc người hoặc các làng (chủ yếu là người Cơ tu săn máu các bộ tộc khác) để thỏa mãn những khao khát tâm linh của họ. Một trong những trận chiến kinh hoàng nhất đó là vào năm 1952.

Trận “giặc mùa” (tên gọi của người Cơ tu đối với tục săn máu) kinh hoàng giữa người Ve ở làng Đăk Nông (Đăk Glei, Kon Tum) và người Cơ tu ở làng Pà Tôi (Nam Giang, Quảng Nam).

Máu - sợi dây giữ người với thần linh
Máu - sợi dây giữ người với thần linh.

Chuyện kể, làng Pà Tôi một buổi trưa tháng 2/1952 có hai người khách lạ từ làng Ve đến buôn bán trao đổi. Hai người này nghỉ ở nhà Gươl của làng, vô tình để lộ trong ta lét (gùi) những chông tre, đầu mác. Thực hư của những vũ khí này chưa biết để làm gì, nhưng già làng Pà Tôi phải họp khẩn trai tráng.

Tất cả đều cho rằng hai người này giả dạng khách để tới làng săn đầu. Một quyết định tàn nhẫn được đưa ra: lấy đầu hai người này trước. Trai tráng bí mật đóng cửa làng, reo mừng chiến thắng, dâng những chén máu lên Giàng trong niềm thích thú.

Nhưng cũng ngay sau đó, nỗi sợ hãi trả thù khiến người trong làng sống không yên. Trai tráng bắt đầu dựng chông rào làng, chuẩn bị cho một cuộc chiến sinh tồn. Tộc người Ve ở làng Đăk Nông khi hay tin người làng đã bị “giặc mùa”, họ đầy căm phẫn.

Vợ của người bị giết tuyên bố: Phải trả thù, đàn ông trong làng quyết phải lấy lại danh dự cho người chết. Nếu không, họ nên cởi khố cho đàn bà mặc và để đàn bà trả thù. Tự ái ngút trời, hàng chục tráng niên người Ve kéo xuống Pà Tôi nhưng vấp phải sự chống trả quyết liệt.

Không săn máu được người làng Pà Tôi, tộc người Ve đã xuống tay sát hại một lúc 6 người ở một bản lân cận là Tà Col. Cuộc sát hại này như một tiếng nổ dây chuyền khiến cả một dãy rừng già rung động. Người Cơ tu bản Tà Col lập tức mài giáo mác chuẩn bị đi “đòi nợ”. Riêng tộc người Ve ở bản Đăk Nông cũng chưa thỏa mãn cơn khát máu bởi họ chưa thể lấy được đầu của chiến binh làng Pà Tôi nên tiếp tục kéo xuống.

Lần này, sau nhiều đêm rình rập và những trận chiến kinh hoàng, họ lấy được 2 đầu của dân bản Pà Tôi. Trận chiến săn máu trả thù cứ thế tiếp diễn giữa những bản làng, giữa những tộc người. Thời gian này, đêm cũng như ngày, xung quanh bản làng Pà Tôi và Tà Col không một bóng người, đêm đêm, các chiến binh rình mò bên những gốc cây, lăm lăm mác nhọn. Trận chiến nguy cơ kéo dài dai dẳng khiến chính quyền huyện Giằng (Nam Giang ngày nay) buộc phải ra tay.

Một đoàn cán bộ và lực lượng vũ trang lên Đăk Nông xin giảng hòa. Mặc dù vậy, làng Đăk Nông bấy giờ như một vùng cấm, bất kể ai là người lạ vào đều bị giết. Bất đắc dĩ, đoàn hòa giải phải ở tạm bản Đăk Xal gần đó.

Chưa yên, nghe tin người Cơ tu ở bản Đăk Xal, dân Đăk Nông lại đưa giáo mác đến lấy đầu cán bộ. Rất may, già Niu - một người nói ai cũng phải nghe, đã ra tay can thiệp. Sau những thương thuyết vô cùng vất vả, với uy tín của già Niu, dân làng Đăk Nông đồng ý cho A Khớp và Bắp Ngo - hai người trực tiếp lấy đầu dân Pà Tôi về chịu tội với điều kiện phải đảm bảo tính mạng.

Sau đúng một tháng thuyết phục và phải nhờ rất nhiều già làng cùng giải thích, dân làng Pà Tôi mới chịu bỏ qua. Một lễ hội tắm máu dê và trâu diễn ra ngay sau đó, lễ hội được cho là lớn nhất thời bấy giờ ở vùng cao Quảng Nam, chính thức đánh dấu kết cho tập tục săn máu tồn tại từ thuở sơ khai.

Sau trận chiến kinh hoàng giữa tộc người Cơ tu và người Ve ở huyện Giằng, thời gian sau đó tục săn máu có giảm. Tuy nhiên, theo già làng A lăng Avel (bản Tà Làng), những trận săn máu theo mùa vẫn tồn tại đến tận thập kỷ 90. Rồi sau đó dần dần mất hẳn. Già làng A lăng Avel - người Cơ tu đầu tiên làm nhà tránh lũ nay đã 90, tóc bạc như cước chính là nhân chứng sống của những mùa săn máu huyền thoại…

Luật săn máu

Già làng A lăng Avel kể, từ thời của ông, săn máu đã được xem là chuyện không hay ho gì, bởi thế, săn máu chỉ là sản phẩm của thuở sơ khai, mông muội. Sau này, máu người dần dần được thay bằng máu dê, máu trâu mà tiêu biểu nhất vẫn là lễ hội đâm trâu.

Già làng A lăng Avel với những chiến lợi phẩm là nanh vuốt sau nhiều lần đi săn máu
Già làng A lăng Avel với những chiến lợi phẩm là nanh vuốt sau nhiều lần đi săn máu .

“Sống giữa rừng, nhưng săn máu không phải là luật rừng, nó có quy định hẳn hoi” - già A lăng Avel kể. Nếu giữa hai làng, hai bộ tộc có nợ săn máu (thường gọi là tục đầu tôi) với nhau, cuộc săn máu luôn diễn ra vô cùng quyết liệt. Những trận chiến diễn ra dai dẳng, thường xuyên với những lần mai phục, những nhát phóng lao chí mạng, sau đó cắt đầu lấy máu. Nhưng mùa săn máu giữa hai làng không được kéo dài quá 2 tháng, nếu cả hai vẫn chưa giết được nhau.

Như một quy định ngầm, hai làng, hai bộ tộc sẽ tạm ngừng mùa săn và cũng thời gian này sang năm bắt đầu trở lại. Bên này lấy 2 đầu của người làng này thì chắc chắn bên kia cũng phải đòi nợ đúng 2 đầu. Tất cả đều chính xác, không ai dám vi phạm bởi một nỗi sợ hãi mơ hồ. Vì thế, khi người Ve giết hại một lúc 6 người ở một bản khác, gần như chấn động cả một vùng rừng núi. Với người Cơ tu, đó là một sự vi phạm không bao giờ có thể tha thứ được.

“Lúc đầu là tâm linh, nhưng sau này, oán thù chồng chất, săn máu đã vượt ra khỏi những luật lệ tế thần” - già Avel kể. Già Avel đeo trên cổ sợi dây với hơn 20 chiếc nanh cọp và lợn rừng. Đó là biểu tượng của sức mạnh và chiến thắng trong mỗi lần đi săn. “Lòng kiêu hãnh của đàn ông Cơ tu bây giờ không phải là săn máu người mà là giết được mãnh thú, đem thực phẩm về cho vợ con” - Avel nói.

Ông Briu Pố (xã Lăng - Tây Giang) giải thích, tục săn máu hay săn đầu người nguyên thuở ban đầu hoàn toàn là do tâm linh. Máu như là một sợi dây liên kết giữa người với thần linh. Máu tiếp thêm sức mạnh, hóa giải những tai ương và đen đủi. Có máu cúng Giàng, mùa màng tươi tốt, dịch bệnh được đẩy lùi. Sau này, săn máu khiến con người say máu giữa oán thù. Bây giờ, máu vẫn là thứ liên kết tâm linh, nhưng không phải là máu người nữa…

Còn tiếp

Le Pichon, những năm 1936 - 1938 gây chấn động với những cuốn sách “Những người săn máu”. Dưới lăng kính của một lính viễn chinh, tiếp xúc với các luật tục kỳ bí, ông viết rằng: “Luật quan trọng của người Katu là máu phải được trả bằng máu… Niềm kiêu hãnh Katu là vô giới hạn và một chiến binh có thể khoe khoang giết hàng trăm người, ít nhất cũng phải săn được năm mạng người. Bởi thế, bài ca Katu có câu: “Chồng tôi là người khỏe nhất xứ này. Lưỡi lao của chàng đã giết nhiều người hơn số tóc trên đầu tôi có”… Thời điểm đó, có lẽ Le Pichon bỏ quên mất một điều, rằng săn máu chính là một luật tục tâm linh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người dân Hà Nội đón đêm Noel lạnh 13 độ C
Người dân Hà Nội đón đêm Noel lạnh 13 độ C
TPO - Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 đến 48 giờ tới khu vực Thủ đô Hà Nội thời tiết ổn định với hình thái ngày có hửng nắng tương đối ấm áp. Thời điểm sáng và đêm nền nhiệt giảm cả chục độ C so với ban ngày, cảm nhận rét rõ rệt.
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.