"Nhà ngoại cảm" rởm ngụy tạo hài cốt liệt sĩ

"Nhà ngoại cảm" rởm ngụy tạo hài cốt liệt sĩ
TP - Chiến tranh đã lùi xa sau hơn 30 năm, song biết bao nhiêu gia đình vẫn còn mang nặng trong lòng nỗi đau mất mát. Đặc biệt với những trường hợp chưa tìm được hài cốt của người thân thì nỗi đau dường như nhân lên và họ lại càng nóng lòng tìm kiếm hơn ai hết.

Chính ông Nguyễn Đình Nhu một cán bộ về hưu ở phường Bắc Hà (thị xã Hà Tĩnh) và gia đình ông nằm trong trường hợp đó.

Theo lời ông Nhu kể, ông có người em trai là liệt sỹ Nguyễn Hữu Điền – quê ở Kỳ Tây, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đi bộ đội và hy sinh năm 1968 tại chiến trường Quảng Trị. Từ đó đến nay, qua nhiều lần tìm kiếm, ông vẫn chưa tìm thấy mộ phần của em trai mình.

May sao, qua bạn bè đang làm việc ở tỉnh giới thiệu, ông Nhu gặp hai “nhà ngoại cảm” là ông Đặng Xuân Ba, quê ở Xuân Trường, Nam Định, nghỉ hưu tại TP Đà Lạt và ông Nguyễn Đình Mai, cán bộ Hội CCB tỉnh Lâm Đồng, nhận lời tìm giúp mộ em trai ông.

Vốn đã từng biết tiếng “hai nhà ngoại cảm” này qua dư luận và qua loạt bài phản ánh họ thành công trong việc tìm mộ anh hùng liệt sỹ Lê Xuân Phôi đăng trên một tờ báo lớn ở Trung ương, các gia đình bèn mời hai ông giúp đỡ và tổ chức thuê xe ô tô về huyện Hướng Hóa (Quảng Trị ) bắt đầu cuộc tìm kiếm.

Cùng đi còn có ông Nguyễn Văn Tuệ (công tác ở Cty CP mía Lam Sơn  - Thanh Hóa) thân nhân của liệt sỹ Nguyễn Văn Tám và các ông Nguyễn Đình Thạch (cán bộ đội CSĐT Công an Kỳ Anh), Nguyễn Đình Lộc (cán bộ sở Thương mại – Du lịch Hà Tĩnh).

Khởi tố, bắt tạm giam “nhà ngoại cảm” lừa đảo Đặng Xuân Ba

11 giờ 30 trưa ngày 15/10, chúng tôi tìm đến 6 Hàm Nghi, thị xã Đông Hà (Quảng Trị) gặp Thượng tá Đỗ Xuân Hồng - Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Hướng Hoá đang nghỉ ngày Chủ nhật cùng gia đình.

Thượng tá Hồng kể vắn tắt: “ Việc tìm thấy các hài cốt liệt sĩ ở xã Húc ngày 18/9/2006 quá dễ dàng, đơn giản khiến lãnh đạo và Ban CHQS huyện Hướng Hoá nghi ngờ 2 “nhà ngoại cảm” Đặng Xuân Ba và Nguyễn Đình Mai.

Tôi, với tư cách Chính trị viên đã chỉ đạo Thiếu tá Biền Văn Sự, cán bộ Ban CHQS huyện là người tham gia cùng đoàn phải cảnh giác, khôn khéo kịp thời phát hiện hành vi lừa đảo nếu có (...).

Tại Nhà khách UBND huyện Hướng Hoá- nơi cả đoàn tìm hài cốt trú chân, Ban CHQS phối hợp với Công an huyện lập biên bản kiểm tra hành lý của 2 “nhà ngoại cảm” Ba và Mai thì phát hiện dấu hiệu lừa đảo khá rõ.

Sau đó, 2 ông Ba và Mai bị Công an huyện ĐaKrông bắt tại xã Pa Nang (giáp với xã Húc của huyện Hướng Hoá).

Chiều 15/10, trao đổi qua điện thoại với Tiền phong, Thượng tá Hồ Quang Thân - Trưởng Công an huyện và Trung tá Nguyễn Thành Đặng - Phó trưởng Công an huyện ĐaKrông cho biết: “ Ngày 26/9/2006, Công an huyện ĐaKrông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Xuân Ba với tội danh “lừa đảo”.

Hiện bị can Ba đang bị giam tại Trại tạm giam CA huyện. Đây là 1 vụ án phức tạp, các nạn nhân bị “ nhà ngoại cảm” lừa với số lượng khá nhiều và “rải” khắp cả nước.

Còn ông Nguyễn Đình Mai đã được trả tự do về Lâm Đồng vì ông chỉ là người được ông Ba...  rủ đi chơi”.      

Đến cơ quan quân sự huyện Hương Hóa ngày 17/9/2006, đoàn được các đồng chí trong ban chỉ huy sốt sắng giúp đỡ. Đơn vị cử cả thiếu tá Biền Văn Sự đi theo dẫn đường.

Theo lời kể của ông Tuệ, ngày thứ nhất diễn ra khá suôn sẻ. Nhờ sự chỉ dẫn của “hai nhà ngoại cảm” đoàn đã tìm thấy “hai mộ” liệt sỹ qua hai lọ pê-ni-si-lin trong đó có các mảnh giấy viết họ tên, quê quán liệt sĩ, kèm theo một ít xương.

Sự việc diễn ra quá nhanh chóng và đơn giản khiến thân nhân hai gia đình liệt sĩ đều tỏ ý nghi ngờ. Về phần mình, thiếu tá Biền Văn Sự cũng nhận thấy sự khác thường trong quá trình tìm kiếm và phát hiện ra hài cốt liệt sĩ của “hai nhà ngoại cảm” nên đề nghị ngừng đào và mời tất cả về cơ quan quân sự huyện để làm việc.

Tại khách sạn Khe Sanh – nơi cả đoàn thuê nghỉ, Ban chỉ huy quân sự huyện Hương Hóa phối hợp cùng Công an huyện lập biên bản kiểm tra hành lý của hai ông Đặng Xuân Ba và Nguyễn Đình Mai.

Qua kiểm tra, phát hiện ra họ cất dấu 6 lọ pê-ni-ci-lin, mỗi lọ có bọc ni-lông màu xanh, còn bên trong lọ đều có các mảnh giấy ghi tên người: Diễn, Hội Tước, Trung...

Hành lý của hai “nhà ngoại cảm” chẳng có gì ngoài các thứ nói trên và 14 túi ni-lông màu trắng đựng những mẩu xương vụn màu đen và màu trắng bạc.

Có 13 mẫu giấy trắng cỡ 2x4cm, trong đó có 3 mẫu ghi sẵn tên: Ninh Văn Quang, Nguyễn Hữu Điền, Lê Viết C. Theo ông Nhu, ông Tuệ, các lọ đựng giấy, túi đựng xương này rất giống với những thứ mà hai “nhà ngoại cảm” nhặt ra từ các hố mà họ bảo thân nhân liệt sĩ đào bới.

Vụ việc đang được các cơ quan có trách nhiệm xem xét, làm sáng tỏ. Song căn cứ vào thực tế kiểm tra và các bản tường trình của các ông Nguyễn Văn Tuệ và Nguyễn Đình Nhu – nhân thân của hai liệt sĩ – cung cấp cho huyện đội và công an Hướng Hóa, có thể khẳng định đây là một vụ lừa đảo. 

MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.