> Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 18 lãnh đạo
Ông Chu Sơn Hà cho biết: Đợt lấy phiếu tại QH vừa rồi thành công, làm tăng thêm niềm tin của cử tri đối với Quốc hội. Nhưng chính kết quả đó cũng làm tiền đề, làm mẫu chung cho Hội đồng nhân dân các cấp trong việc lấy phiếu tín nhiệm lần này.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội). |
Đây là lần đầu tiên HĐND TP.Hà Nội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do HĐNDTP bầu ra, ông có kỳ vọng gì không?
Hà Nội đã có kinh nghiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm tại Thành ủy trước đó. Việc này cũng góp phần bổ sung kinh nghiệm cho lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vừa qua. Từ các kinh nghiệm đó, chắc chắn việc lấy phiếu các chức danh chủ chốt lần này tại HĐND Thành phố sẽ có thuận lợi, được tổ chức tốt như tại Quốc hội. Bởi khi Quốc hội lấy phiếu, lãnh đạo HĐND Thành phố và các địa phương cũng đã được tham dự, thị sát thực tế việc ĐBQH bỏ phiếu tại nghị trường, thể hiện tín nhiệm của mình với các chức vụ QH bầu và phê chuẩn.
-Với những người mà tín nhiệm thấp quá, như chỉ đạt tín nhiệm dưới 50%, ông có cho rằng cũng cần xem xét về trách nhiệm? - Đây là hậu quả của việc lấy phiếu. Nghị quyết 35 của Quốc hội đã quy định và nói rất rõ rồi, chúng ta sẽ thực hiện đúng theo quy định. |
Trước khi lấy phiếu, các chức danh chủ chốt phải gửi báo cáo công tác tới ĐB, ông có hài lòng với các báo cáo đó không?
Vừa qua gần 500 ĐBQH nhận được báo cáo của các chức danh chủ chốt, bộ trưởng, trưởng ngành, chỉ duy nhất một ĐB đề nghị một bộ trưởng có báo cáo bổ sung. Còn ở đây, chúng tôi cũng chưa thấy có ĐB nào đề nghị 18 vị ấy báo cáo thêm vấn đề gì. Chắc thường trực HĐNDTP sẽ có báo cáo cụ thể vấn đề này trước khi làm thủ tục lấy phiếu. Với riêng tôi, cũng không đặt vấn đề là ai báo cáo bổ sung thêm nội dung gì.
Qua nghiên cứu các báo cáo đó, có báo cáo nào thẳng thắn nhận trách nhiệm hay chỉ rõ yếu kém cần khắc phục của lãnh đạo thành phố hay không?
Ngay như Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa rồi tại Quốc hội đã nói, để tai nạn giao thông xảy ra nhiều, có một phần trách nhiệm của bộ trưởng. Tôi nghĩ, chắc chắn trong tồn tại của Thành phố hiện nay, rõ ràng mỗi cá nhân có một phần trách nhiệm. Trong các báo cáo công tác ấy, các đồng chí ấy cũng đã thẳng thắn kiểm điểm những việc đã làm được, những việc chưa làm được, nêu ra giải pháp cho thời gian tới đây là gì. Trong 18 báo cáo, tôi thấy các đồng chí ấy cũng đề cập đầy đủ hai nội dung theo yêu cầu Nghị quyết 35 của Quốc hội, đó là đánh giá công tác và đánh giá quá trình rèn luyện phẩm chất đạo đức.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội. |
Cần sàng lọc thông tin
Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề dân sinh bức xúc, tình trạng lãng phí có ở mọi nơi, đặc biệt Thành phố vừa bị tụt bậc xuống mức thấp hơn. Ông có nghĩ kết quả lấy phiếu sẽ tương xứng với mong muốn của cử tri thủ đô?
Tôi cho rằng tất cả ĐB đều phải có trách nhiệm đối với nhân dân thủ đô. Cũng như ĐBQH, ĐBHĐND TP sẽ nghiên cứu rất kỹ các báo cáo của 18 vị được lấy phiếu đợt này, làm cơ sở bỏ phiếu. Ngoài ra, có rất nhiều luồng thông tin khác nhau có thể tác động tới ĐB. Vì vậy ĐB càng phải thể hiện trách nhiệm với cử tri, chứ không phải nghe dư luận, nghe các thông tin trái chiều mà tin ngay vào đó.
Xem thêm thông tin việc lấy phiếu tín nhiệm:
> Bí thư Thành ủy Hà Nội: Lấy phiếu tín nhiệm có giá trị răn đe
> TP.HCM: Lấy phiếu tín nhiệm 16 chức danh
Cũng như tại Quốc hội, mỗi ĐB khi bỏ phiếu phải hết sức thể hiện trách nhiệm với tinh thần xây dựng cao nhất. Bằng các kênh thông tin khác nhau, ví dụ như báo cáo công tác là một kênh quan trọng, đồng thời còn có quá trình theo dõi, giám sát thường xuyên của HĐND và các Ban chuyên môn. Đợt này HĐNDTP đã gửi rất nhiều Báo cáo giám sát, thậm chí có cả Báo cáo giám sát riêng để ĐB tham khảo. Như vậy, ĐB sẽ có nhiều cơ sở đánh giá, sàng lọc thông tin để đi đến quyết định hết sức chính xác, trước khi bỏ lá phiếu của mình.
Vừa qua sau khi lấy phiếu tại Quốc hội, nhiều ĐB và cử tri cho rằng chỉ nên lấy hai mức tín nhiệm thôi, không nên chia ra ba mức, để tránh cho ĐB phân vân và để kết quả phiếu tập trung hơn?
Cái này tôi không nói thêm vì tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2012), Quốc hội đã bàn rất kỹ. Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng nên chia thành hai mức phiếu (tín nhiệm, không tín nhiệm), nhưng đa số ý kiến là nên chia ra ba mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp). Nhưng sau đó, Quốc hội đã ban hành nghị quyết với ba mức phiếu tín nhiệm. Cho nên, tôi nghĩ rằng chúng ta chưa cần bàn đến việc này nhiều.
Với kết qủa chỉ đạo, điều hành của Thành phố thời gian qua, theo ông kết quả lấy phiếu lần này sẽ như thế nào, liệu rằng sẽ có những người đạt tín nhiệm rất cao không?
Vừa qua lấy phiếu ở Quốc hội, tất cả những người được lấy phiếu đều quá bán, có nhiều người đạt được nhiều phiếu tín nhiệm cao. Nhưng cũng có một số vị nhận phiếu tín nhiệm thấp với tỷ lệ tương đối. Tôi nghĩ các đồng chí ấy cũng đã nhận thấy vấn đề, nên đã có sự tiếp thu, có biểu hiện rất rõ để khắc phục tình hình. Còn ở HĐND Thành phố, tôi nghĩ là kết quả lần này sẽ phản ánh đúng thực chất những gì chúng ta đã làm được.
Theo chương trình, sáng 4/7 Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 18 chức danh chủ chốt do HĐNDTP bầu. Kết quả lấy phiếu sẽ công bố trong ngày. |