‘Tập đoàn’ xã hội đen giữa rừng nguyên sinh

‘Tập đoàn’ xã hội đen giữa rừng nguyên sinh
Không chỉ mua chuộc, đe dọa các doanh nghiệp để không bị tố giác hành vi phá rừng, chiếm đất, các băng nhóm xã hội đen còn ép buộc các công ty phải nhận đàn em vào làm việc, sau đó bị chúng thao túng.

‘Tập đoàn’ xã hội đen giữa rừng nguyên sinh

Không chỉ mua chuộc, đe dọa các doanh nghiệp để không bị tố giác hành vi phá rừng, chiếm đất, các băng nhóm xã hội đen còn ép buộc các công ty phải nhận đàn em vào làm việc, sau đó bị chúng thao túng.

Bến Đăk Zên - nơi tất cả các phương tiện từ Bình Phước lên Đăk Nông và ngược lại đều phải nộp tiền cho băng nhóm Phương “cơ”
Bến Đăk Zên - nơi tất cả các phương tiện từ Bình Phước lên Đăk Nông và ngược lại đều phải nộp tiền cho băng nhóm Phương “cơ”.
 

Trong một thời gian dài, dư luận ở Đăk Nông cho rằng các doanh nghiệp (DN) có dự án ở xã Quảng Trực (Tuy Đức) thuê xã hội đen đốt phá tài sản, hành hung người dân để giải tỏa đất đai... Nhưng theo điều tra của công an, chính các DN này cũng bị ép phải nhận xã hội đen vào làm việc, sau đó bị chúng thao túng, kiểm soát...

Thu tiền bảo kê rồi... cướp đất

Khét tiếng nhất ở Quảng Trực là băng nhóm xã hội đen do Phương “cơ” (tức Phạm Xuân Phương, ở xã Đăk Nhau, Bù Đăng, Bình Phước) cầm đầu với các đàn em bất hảo như Hoàng “đơ”, Tùng “gà”, Tuấn “cân”, Hải “heo”... Ngay khi có mặt ở rừng Quảng Trực, Phương “cơ” cho phá hủy mọi con đường dẫn về huyện Bù Đăng, chỉ còn độc đạo qua bến Đăk Zên. Trên tuyến đường này, chúng dựng barie thu tiền của người dân và tất cả các phương tiện qua lại.

Ông N.H.S - thương lái thu mua nông sản cho biết: "Lần đầu lên mua sắn, tôi chưa biết luật nên không nộp tiền. Khi chở sắn về đến bến Đăk Zên thì một tên đi xe máy lao thẳng vào xe tôi. Sau đó, nhiều tên khác xuất hiện với hung khí, nói tài xế của tôi chạy ẩu. Đến khi đổ máu, no đòn, tôi mới biết đó chỉ là cái cớ". Không chỉ thương lái mà cả nông dân cũng phải nộp tiền làm cầu đường, bị ép vay nặng lãi, bị cướp đoạt đất đai. Bà L.T.T - một hộ trồng sắn ở Đăk Zên cho biết: “Đường đã có từ lâu nhưng họ vẫn bắt chúng tôi nộp tiền làm đường. Thu xong lại đuổi chúng tôi đi, lấy đất bán cho người khác”.

Với thủ đoạn tương tự, Thành “nghĩa địa” (tức Nguyễn Văn Thành ở xã Bom Bo, Bù Đăng) và đàn em cũng thu tiền bảo kê đất xâm canh, bảo kê thu mua nông sản, ép thương lái bán lại nông sản với giá rẻ rồi sang tay cho xe tải đường dài hưởng chênh lệch. Ngoài ra, băng nhóm này cũng ra tay đốt nhà, cướp đất của dân. Điển hình, ngày 27.2.2013, Thành “nghĩa địa” cho đàn em vào rẫy của ông Trần Văn Dân (trú xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức) thu tiền bảo kê, sau đó hành hung ông Dân, cướp đất bán cho người khác.

Thao túng doanh nghiệp

Không chỉ mua chuộc, đe dọa các DN để không bị tố giác hành vi phá rừng, chiếm đất, các băng nhóm xã hội đen còn ép buộc các công ty phải nhận đàn em vào làm việc. Với danh nghĩa là cán bộ Ban quản lý dự án của Công ty CP 59, bảo vệ của Công ty TNHH Kiến Trúc Mới, nhiều đàn em Phương “cơ” được cử tham gia Trạm Kiểm soát liên ngành Đăk Zên do huyện Tuy Đức thành lập. Từ đây, băng nhóm này có thêm điều kiện để kiểm soát toàn bộ vùng rừng Quảng Trực rộng cả chục nghìn hécta, với số người sinh sống lên đến vài nghìn. Nhưng trong vụ chỉ huy lực lượng bảo vệ Công ty Kiến Trúc Mới (thực chất là các đàn em) đánh ông Nguyễn Văn Tuynh (một người dân xâm canh đất rừng) gãy 2 xương sườn, Phương “cơ” đã bị bắt.

Còn tại xã Đăk Ngo, Thành “nghĩa địa” cũng đưa đàn em vào làm bảo vệ Công ty TNHH Long Sơn, giúp công ty “quét sạch” các hộ dân xâm canh ra khỏi vùng dự án. Việc làm này dẫn đến mâu thuẫn giữa Thành “nghĩa địa” với băng của Đoàn Văn Dũng. Ngày 2.4.2013, Dũng huy động hàng trăm đối tượng mang theo vũ khí, mìn tự tạo tấn công đàn em Thành “nghĩa địa”, hủy hoại nhiều tài sản của Công ty Long Sơn để bảo vệ đất xâm canh. Từ vụ việc này, Đoàn Văn Dũng bị bắt. Còn Thành “nghĩa địa” vào trại vì vụ cướp 7ha đất của Công ty CP 59 ở xã Quảng Trực bán cho ông Nguyễn Ngọc Phụng (trú xã Bom Bo, Bù Đăng).

Theo lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đăk Nông, trước tình hình trên, ngày 20.3.2013, Công an tỉnh quyết định thành lập chuyên án với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều lực lượng khác nhau được huy động để dẹp loạn. Tính đến giữa tháng 6.2013, cơ quan điều tra đã khởi tố 20 vụ án về các tội hủy hoại rừng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích... với 83 đối tượng bị khởi tố. Những đối tượng cầm đầu các băng nhóm xã hội đen như Phương “cơ”, Thành “nghĩa địa”, Hảo “đơ”, Chín Hường, Đoàn Văn Dũng... đều đã bị bắt.

Theo Đồng Nguyên
Dân Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG