Nếu ai cũng được tín nhiệm, liệu có thuyết phục?

Nếu ai cũng được tín nhiệm, liệu có thuyết phục?
TP - Nếu còn làm đại biểu Quốc hội, chắc tôi cũng đang lo sốt vó đây. Muốn đánh giá thật sự có lợi nhất cho công việc chung, phải có được thông tin rất đầy đủ và thái độ khách quan, công bằng - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói.

> Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt
> Chưa có thông tin về 'chạy' phiếu tín nhiệm

Trao đổi với PV Tiền Phong về việc chiều qua, Quốc hội đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho biết: Nếu còn làm đại biểu Quốc hội, chắc tôi cũng đang lo sốt vó đây. Muốn đánh giá thật sự có lợi nhất cho công việc chung, phải có được thông tin rất đầy đủ và thái độ khách quan, công bằng.

Vậy theo giáo sư, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ cao hay thấp?

 Tôi cũng không mong ai bị tín nhiệm thấp lần này. Nhưng trong tình hình kinh tế - xã hội sa sút như hiện nay mà tất cả các chức danh đều được tín nhiệm hoặc tín nhiệm cao thì liệu kết quả ấy có thuyết phục được cử tri không? 

Nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết

Tôi nghĩ có lẽ kết quả sẽ không có gì bất ngờ lắm. Bởi vì qua việc kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, lãnh đạo tất cả các bộ, ngành, địa phương đều được tín nhiệm cao, thế thì bây giờ không có lý gì một số vị lại bị đánh giá thấp.

Tôi cũng không mong ai bị tín nhiệm thấp lần này. Nhưng trong tình hình kinh tế - xã hội sa sút như hiện nay mà tất cả các chức danh đều được tín nhiệm hoặc tín nhiệm cao thì liệu kết quả ấy có thuyết phục được cử tri không? Một kết quả như vậy sẽ làm cho người dân thêm một lần nữa mất lòng tin vào các biện pháp mà chúng ta đang thực hiện.

Điều gì đang làm khó cho đại biểu khi đánh giá, thưa giáo sư?

Để đánh giá cho đúng, đại biểu Quốc hội cần dựa vào nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, phân tích xem các ngành đã đạt được đến đâu so với kế hoạch đề ra. Ngoài ra, có thể dựa vào thông tin mà mình thu nhận được từ cuộc sống, từ cử tri và báo chí. Nhưng phải nói thực là một số lĩnh vực va chạm trực tiếp với cử tri hằng ngày thì thông tin quá nhiều và có không ít thông tin thiên về cảm tính. Một số lĩnh vực khác tuy quan trọng nhưng thông tin lại ít. Đại biểu có thể dựa vào kết quả chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội để đánh giá nhưng có những ngành luôn được chất vấn vì đó là những ngành “nóng”, ngược lại có những ngành dường như chưa bao giờ phải trả lời chất vấn cả. Thậm chí có những vị trí rất “nóng” nhưng cũng chẳng bao giờ phải trả lời chất vấn!

Theo giáo sư, cần làm gì để những lần lấy phiếu, bỏ phiếu sau có kết quả chính xác nhất?

Trước hết, để có căn cứ đánh giá, mỗi khi ứng cử vào vị trí lãnh đạo, ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động của mình và trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Hiện nay, ta chưa thực hiện được công việc này. Sắp tới, chắc phải sửa.

Bên cạnh đó, cũng nên xem lại quy định một chức danh hai năm liền bị quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp hoặc ngay trong một lần lấy phiếu tín nhiệm bị 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu đánh giá thấp thì mới đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

Phải chờ đến 2 năm bị tín nhiệm thấp (thực chất là chờ 3 năm, vì năm đầu đảm nhiệm chức vụ chưa phải lấy phiếu tín nhiệm) mới đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm là dài quá. Mình đang muốn “đi tắt đón đầu” để đuổi kịp các nước tiên tiến nhưng ở những nước này một chức danh chỉ cần vài tháng “loạng choạng” đã bị thay rồi, còn mình phải chờ đến 2-3 năm thì đuổi làm sao kịp người ta!

Cảm ơn giáo sư.

Minh Tuấn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG