> Bộ Công an chưa được mua máy bay
> Phòng chữa cháy tại Hà Nội: Địa bàn rộng, phương tiện thiếu
Tại viện này hiện có sản phẩm quần áo có khả năng hạn chế bắt cháy. “Những bộ quần áo này dùng hoàn toàn bằng vải sợi bông. Các loại quần áo thông thường bằng sợi vải tổng hợp khi gặp lửa có thể bị cháy sém, thủng ngay, nhưng những bộ quần áo này được dệt chắc, bắt cháy kém, nếu lửa bắn vào mà hất ra ngay thì không cháy. Thực tế đây là dạng quần áo cho công nhân của nhà máy luyện kim, nhưng có thể sử dụng phục vụ chữa cháy vòng ngoài. Giá thành mỗi bộ loại “xịn” nhất chỉ 400.000-500.000 đồng” - ông Thiện nói.
Hai loại trang phục, nhiều mức giá
Trên thị trường đang xuất hiện những bộ quần áo được quảng cáo có khả năng phục vụ chữa cháy, an toàn cả ở vùng lửa lên đến vài trăm độ C nhưng giá thành khiêm tốn, chỉ 3-4 triệu đồng.
Theo ông Thiện, những trang phục đó không phải là lựa chọn an toàn cho lính cứu hỏa. “Loại bày bán trên thị trường theo dạng này là đồ Trung Quốc, thực chất là quần áo tráng nhôm, có khả năng chịu nhiệt. Tuy nhiên, chúng được sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, không có kiểm định đầy đủ. Theo tôi, với cảnh sát chữa cháy phải xông vào nơi nguy hiểm cần thiết được sử dụng những trang phục bảo đảm chất lượng, có kiểm định quốc tế, nghĩa là phải nhập từ các nước có công nghệ sản xuất cao như châu Âu, Mỹ...” - ông Thiện nói.
Ông Đỗ Ngọc Cẩn - hiệu trưởng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy - cho hay thực tế cảnh sát phòng cháy chữa cháy đang được trang bị hai loại trang phục: “Thứ nhất là bộ quần áo màu xanh đậm mà mọi người hay nhìn thấy được may từ vải bạt, không có khả năng chịu nhiệt quá cao nhưng chậm bắt cháy và dày nên giảm sức nóng khi ở trong vùng cháy. Quần áo này có thể đặt may ở các nhà máy trong nước. Thứ hai là quần áo có khả năng chống cháy. Loại rẻ tiền có xuất xứ Trung Quốc 3-4 triệu đồng/bộ, loại đắt của Mỹ, Pháp có thể lên đến 50 triệu đồng”.
Tuy nhiên, ông Cẩn cho hay dù biết những bộ quần áo có chống cháy xuất xứ từ Trung Quốc chưa được kiểm định chặt chẽ như ở các nước Pháp, Mỹ, nhưng vì giá thành rẻ nên vẫn là lựa chọn của các đơn vị chữa cháy.
“Không thể nhập khẩu mãi”
Ông Đỗ Ngọc Cẩn cho rằng VN cần thiết và hoàn toàn có khả năng sản xuất được các bộ quần áo chữa cháy chuyên dụng, ít nhất là ngăn được việc phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ các sản phẩm của Trung Quốc đang có ưu thế về giá.
“Thông tin cả Hà Nội với khoảng 1.700 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy mà chỉ có vài chục bộ quần áo chuyên dụng là rất buồn. Đành rằng lực lượng chiến đấu thực tế chỉ chiếm khoảng một nửa số này, nhưng ít nhất trên mỗi xe chữa cháy thường có sáu chiến sĩ nên phải bảo đảm đủ cho số chiến sĩ này có được những bộ quần áo chuyên dụng. Cho nên nếu nói VN không có thị trường là không đúng. Ngoài lực lượng cảnh sát của 63 tỉnh thành còn có nhiều đội chữa cháy chuyên trách (chẳng hạn tất cả kho xăng dầu đều có đội chữa cháy chuyên trách). Chúng ta không thể nhập khẩu quần áo chữa cháy mãi được” - ông Cẩn nói.
Theo ông Cẩn, việc chưa có quần áo chữa cháy chuyên nghiệp “made in VN” có nguyên nhân không nhỏ từ việc đầu tư cho nghiên cứu chưa đầy đủ, hấp dẫn.
Tại Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy đã có một nữ tiến sĩ nghiên cứu thiết kế, chế tạo trang phục chữa cháy với vật liệu từ vải bình thường sau một số bước ngâm tẩm sẽ có khả năng chịu nhiệt, chống cháy. Tuy nhiên, người thực hiện đề tài này hiện đã chuyển công tác. Ngoài ra, chi phí phục vụ nghiên cứu còn hạn chế khi chi phí lúc duyệt đề cương chỉ được chấp thuận mức 300 triệu đồng, không đủ chi phí để thử nghiệm, thuê phòng thí nghiệm.
“Nếu Bộ Công an đặt đề tài trọng điểm và giao lực lượng phòng cháy chữa cháy cùng các nhà khoa học thực hiện chế tạo sản xuất trong một năm xác định thì chắc chắn đã có thành phẩm thật sự của VN” - ông Cẩn nhấn mạnh.
Theo Ngọc Hà
Tuổi Trẻ