“Tôi không tin, dân càng không tin”

“Tôi không tin, dân càng không tin”
TP - Thảo luận về sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2006- 2012, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Nam cho rằng, qua giám sát cho thấy tham nhũng trong XDCB từ nguồn vốn TPCP dường như không có, vậy có tin được không?

Tăng tổng mức đầu tư 67%

Phân tích báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho biết: Trong giai đoạn (2006- 2012), tổng mức đầu tư tăng từ 409.415,5 tỷ đồng lên 684.794,5 tỷ đồng (đội 275.379 tỷ đồng) tăng hơn 67%!.

Tuy nhiên, tồn tại, yếu kém đó chưa được đề cập đầy đủ về trách nhiệm, kể cả trách nhiệm của QH. “Khi QH chưa sẵn sàng gánh trên vai trọng trách kiểm soát và quyết định ngân sách thì đã xảy ra tình hình như vậy”- ông Nam nói.

Truy tìm nguyên nhân sâu xa hơn, ĐB Nam cho rằng “sức đề kháng của bộ máy nhà nước đang có vấn đề”. “Ai cũng biết dư luận hễ có công trình xây dựng cơ bản thì phải chi bao nhiêu phần trăm, có người nói 10%, có người bảo 30%, thậm chí chưa có đồng nào DN đã phải rải tiền các cửa.

VCCI vẫn kêu rên về tội nạn “bôi trơn”, nhưng qua giám sát cho thấy tham nhũng trong XDCB từ nguồn vốn TPCP dường như không có, vậy có tin được không?

 Qua giám sát cho thấy tham nhũng trong XDCB từ nguồn vốn TPCP dường như không có, vậy có tin được không? Tôi không tin, nhân dân càng không tin”  

 “Về tăng mức đầu tư, các bộ ngành, địa phương đều đã có giải trình thấy rất hợp lý. Ngay qua việc giám sát cũng không chỉ ra được công trình nào sai phạm”  

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh

Tôi không tin, nhân dân càng không tin, nhưng bảo có thì thanh tra và kiểm toán tìm chưa thấy”- ông Nam băn khoăn và cho rằng những vấn đề trong sử dụng TPCP cho thấy hậu quả của nó là nguyên nhân của lạm phát, của nợ xấu, của hàng ngàn DN khốn đốn và đổ vỡ, DN và nhân dân trong cuộc chơi này luôn là người thua thiệt.

Tiếp tục chỉ ra bất cập, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho biết: Phân bổ vốn nửa vời, cho phòng học mà không có phòng chức năng, không có nhà vệ sinh, sân trường hay tường rào... Có tình trạng chỉ cấp 60% vốn, phần còn lại địa phương phải bố trí, trong khi ngân sách địa phương khó khăn làm cho việc thực hiện dở dang, không hiệu quả, gây lãng phí đầu tư.

Để không tiếp tục lãng phí, thất thoát, ĐB Lê Nam không đồng tình với đề nghị của UBTVQH về dừng hoàn toàn TPCP (chờ sau 2014 tổng kết, đánh giá rồi mới tiếp tục).

Dẫn chứng con đường Mường Lát (Thanh Hóa) đã bố trí vài trăm tỷ rồi, để mặc cho gió mưa sẽ “theo sông về với biển”; các bệnh viện đã làm dở dang, nằm đắp chiếu cần hoàn thiện, chưa kể hơn 4 triệu ngư dân là trụ cột, chủ quyền trên biển Đông đang rất cần được nguồn vốn hỗ trợ. Trong khi đó, ngân hàng huy động tiền gửi của dân ứ ở két.

“Tiền của dân phải được sử dụng, đằng nào thì cũng là nợ nần nhưng thay vì dừng hoặc bớt các khoản vay bên ngoài mà vay trong nước thì lợi kép được nhân lên. Vấn đề là sử dụng nguồn vốn ấy như thế nào để cho thực sự có hiệu quả”- ĐB Nam kiến nghị.

Tràn lan “đội giá” công trình

Theo ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), do không có tiêu chí rõ ràng nên hiện nay phân bổ vốn TPCP còn nặng cơ chế xin- cho, dẫn đến cách làm tùy tiện. Mục tiêu TPCP là dành cho vùng sâu, xa, vùng khó khăn, nhưng các địa phương này chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại 70% là vùng khác hưởng.

Bên cạnh đó, do tổng mức đầu tư tăng rất lớn, vốn TPCP đang là nguyên nhân đe dọa nợ công. Kể việc đi giám sát, ông Quyền cho biết, hai địa phương liền kề nhau, trong khi Ninh Thuận chỉ có 5 dự án trong tổng số hơn 100 dự án tăng tổng mức đầu tư, thì ngược lại 100% dự án của Bình Thuận tăng tổng mức đầu tư, như vậy “năng lực lập dự án rất yếu”.

“Nếu tỉnh nào cũng như Bình Thuận thì nợ công sẽ vỡ trận”- ĐB Quyền lo lắng.

Một số ĐB lưu ý Chính phủ cân đối nguồn lực tài chính trung hạn cho phù hợp với nhiệm vụ, quy mô đầu tư, tránh để tình trạng mất cân đối vốn như hiện nay, dẫn đến dàn trải, lãng phí, không hiệu quả.

“Cần đưa trái phiếu Chính phủ vào trong cân đối ngân sách nhà nước; đồng thời có chế tài mạnh để kiểm soát, xử lý, khắc phục hạn chế trong sử dụng TPCP” - ĐB Trương Thị Yến Linh phát biểu.

“Không chỉ TPCP, đầu tư XDCB cũng phải thực hiện, xử lý nghiêm trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Trước hết, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được triển khai đến nơi, đến chốn”- ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) kiến nghị.

ĐB Khá cũng yêu cầu công khai, minh bạch trong phê duyệt đầu tư, đấu thầu, mời thầu dự án. “Cần phát huy giám sát của các tổ chức chính trị xã hội, giám sát của nhân dân để ngăn chặn, phát hiện kịp thời sai phạm”- ĐB Khá nói.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng:

Rà lại toàn bộ các dự án tăng tổng mức đầu tư

Được mời thảo luận, giải trình về việc sử dụng vốn TPCP cho các công trình giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang khẩn trương triển khai thực hiện các kiến nghị của UBTVQH và Ủy ban Tài chính- Ngân sách, rà soát lại toàn bộ các dự án làm tăng tổng mức đầu tư từ năm 2006 đến nay để phân tích rõ nguyên nhân, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để báo cáo QH và ĐBQH trong thời gian sớm nhất.

Được mời phát biểu gần cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, từ năm 2011, Chính phủ đã nhìn thấy vấn đề này. Thực tế các địa phương bố trí danh mục quá nhiều, cần phải phanh lại. Về tăng tổng mức đầu tư, các bộ, ngành, địa phương đều đã có giải trình thấy rất hợp lý. Ngay qua việc giám sát cũng không chỉ ra được công trình nào sai phạm.

Ngọc Tiến
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.