> 'Bom xăng' giăng đầy chung cư cũ
> Xe tải đang chạy, bốc cháy dữ dội
“Bà hỏa” đùa giỡn cây xăng
Nếu chiểu theo quy định khoảng cách an toàn giữa các cửa hàng xăng dầu với các điểm có tính chất nguy hiểm, cháy nổ là 100m thì hầu hết các cây xăng đang kinh doanh trong khu vực nội đô của Hà Nội hiện nay đều vi phạm.
Vị trí đặt các cây xăng, cửa hàng đương nhiên cần phải thuận tiện cho người mua, nhưng vấn đề đặt ra, cây xăng đó không được cản trở giao thông công cộng, cản trở công tác PCCC khi có sự cố cháy nổ.
Có lẽ , vì vị trí chật chội, không đủ chỗ để cho xe ô tô vào mua xăng được nên cây xăng số 179 Đê La Thành là một trong số hiếm hoi treo tấm biển từ chối ô tô.
Do quá chật chội, nằm ngay điểm giao Hoàng Cầu - Đê La Thành, nên cây xăng này vào thời khắc cao điểm, các phương tiện dừng, đỗ chờ đèn đỏ chen lấn với lượng xe máy vào mua xăng tạo nên cảnh tượng hỗn tạp. Rất nhiều các cây xăng trên các quận nội thành Hà Nội cũng ở tình trạng tương tự.
“Có những tuyến phố có tới 3-4 cây xăng mọc lên dọc hai bên đường. Điều đáng nói các cây xăng ở khu vực nội thành hiện rất gần khu dân cư, các điểm giao thông nên khi xảy ra hỏa hoạn gây rất khó khăn cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội nói. Theo ông Nghi, từ đầu năm 2013, Sở phối hợp với Sở Công thương kiểm tra 489 cửa hàng xăng dầu, phát hiện 117 cửa hàng vi phạm.
Lộn xộn quy hoạch
Theo quy định, cây xăng trong đô thị phải đảm bảo các yêu cầu như: Không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông; Phải cách lộ giới (chỉ giới đường đỏ) ít nhất 7m (tính từ mép ngoài hình chiếu bằng của công trình trạm xăng). Về an toàn phòng chống cháy, bảo vệ cảnh quan phải cách nơi tụ họp đông người (như trường học, chợ) ít nhất 100m; Cách các trạm xăng khác ít nhất 300m. |
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, ở các nước có quy hoạch đồng bộ, trong đô thị, trạm xăng luôn có một diện tích lớn cách khu dân cư và hầu hết đô thị đó đều đặt vị trí cây xăng nằm ngoài khu đô thị.
“Việc quy hoạch các cây xăng trên địa bàn Hà Nội, trong đó có việc di dời ra khỏi nội đô Sở QHKT đã làm từ hơn 10 năm trước. Những cây xăng nào phải di dời, những cây xăng nào phát sinh, cây xăng nào được kinh doanh tiếp đều có danh sách, và đặc biệt trong kế hoạch có nêu lên những định hướng, giải pháp thực hiện an toàn PCCC, phòng chống cháy nổ, nhưng đến nay chưa thể thực hiện được “, ông Nghiêm nói.
Theo Sở Công thương, sau khi sáp nhập địa giới hành chính, Hà Nội lại phải đưa ra một bản quy hoạch mới về hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn. Mới đây, Hà Nội đưa ra kế hoạch về quy hoạch hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu đến năm 2015.
Theo đó, số lượng cửa hàng xăng dầu phải xóa bỏ, giải tỏa là 10 cửa hàng, 45 cửa hàng phải di dời theo dự án khác và 52 cửa hàng phải nâng cấp cải tạo. Những cửa hàng thuộc diện giải tỏa chậm nhất đến 30/12/2014 phải thực hiện xong. Điều đáng nói, trong số 10 cửa hàng phải di dời theo quyết định của UBND TP, hiện vẫn chưa có cửa hàng nào được di dời.
“Địa điểm hệ thống các cây xăng bán lẻ trong nội thành Hà Nội là một vấn đề mang tính lịch sử. Tuy nhiên, việc di dời rất khó vì xăng dầu là nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Hàng triệu lao động làm việc ở nội thành không thể chạy ra ngoại thành đổ xăng để rồi lại chạy về nội thành làm việc. Một khó khăn khác trong việc di dời cây xăng là quỹ đất của TP hạn chế, lượng phương tiện ngày một tăng”, đại diện Sở Công thương lý giải.
Đề cập vấn đề này, thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi cho rằng, việc xử lý, di dời các trạm xăng nội đô cũng phải tính đến các vấn đề phục vụ nhu cầu xã hội. Bởi, nếu di dời các trạm xăng ra khỏi khu đông dân hay ra ngoại thành thì sẽ bất tiện cho người dân phải đi xa mới mua được xăng. Có thể nảy sinh tình trạng người dân tích xăng trong nhà để dùng sẽ rất nguy hiểm.
“Dù nội đô hay ngoại đô, các điểm kinh doanh xăng dầu vẫn phải đảm bảo quy định về an toàn cháy nổ, PCCC và vấn đề môi trường. Không phải cứ di dời cây xăng ra xa khu vực đông dân cư, các công trình công cộng… là hết hiểm họa cháy nổ”, ông Nghi nhấn mạnh.
Đà Nẵng: Tổng kiểm tra toàn bộ cây xăng Ngày 6/6, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng Dương Cảnh Mai chỉ đạo phòng, ban chuyên môn tổng kiểm tra toàn bộ cây xăng trên địa bàn để có báo cáo đánh giá cụ thể trước ngày 15/6. Theo đó, sẽ tiến hành đánh giá thực trạng hoạt động các cây xăng, mặt bằng, vị trí trạm xăng dầu cách khu vực dân cư, mốc lộ giới... có đảm bảo các quy định hiện hành hay không. NGUYỄN HUY |