Cuối đời giông bão của 'thủ lĩnh' Truông Bồn

Cuối đời giông bão của 'thủ lĩnh' Truông Bồn
TP - Trở về từ Truông Bồn, bà làm thủ kho Trạm cây giống Quỳnh Lưu. Không chồng, không con, mấy năm trời cựu thanh niên xung phong (TNXP) ấy phải thuê trạm ấp vịt làm nơi tá túc. Tại xã Sơn Thành gần đó, nguyên Đại đội trưởng đại đội TNXP 317 Nguyễn Xuân Thỏa cũng gặp nhiều bi kịch. Trong vòng hai năm, gia đình ông Thỏa gánh 5 cái tang.

> Trở lại Truông Bồn
> Truông Bồn: Huyền thoại năm xưa hội ngộ sau 44 năm xa cách

Tìm mãi, cuối cùng tôi cũng đến được nhà cựu Đại đội trưởng C317- “thủ lĩnh” trấn giữ Truông Bồn, nhân chứng lịch sử của trận bom khiến 13 TNXP hy sinh và hàng chục người khác bị thương tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Nhưng, khi chúng tôi đến thì cựu Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Thỏa không còn nữa!

Con đường hun hút đầy rơm khô và lá mục, dẫn tới một căn nhà xập xệ, mái ngói đổ nghiêng, cửa mở toang, hoang vắng. “Chú hỏi bác Thỏa à? Bác ấy mất rồi! Hai cha con mất cùng một ngày và trong vòng hai năm gia đình bác ấy liên tiếp chịu 5 cái tang. Thảm thương lắm!?”, chị hàng xóm đang cặm cụi xới đống rơm khô, không nhìn lên nói.

Tôi tần ngần đứng trước ngôi nhà, cạnh đó là cái nền đang xây dở, ẩm ướt, chỏng chơ mấy cái trụ bê tông. “Nhà anh Thỏa làm từ năm 1980, mối mọt hư hỏng nặng, mưa lụt lại sập mái dột tứ tung. Năm 2011, Hội Cựu TNXP Nghệ An xin Sở Lao động được 10 triệu hỗ trợ cho gia đình anh và chúng tôi đã báo cáo với tỉnh Đoàn xin vận động hỗ trợ thêm, nhưng chẳng có kết quả. Chục triệu, mới xây được cái móng nhà, đổ được mấy cái cột rồi để đó!”, bà Phạm Thị Phòng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu TNXP Nghệ An, nói.

Từng lăn lộn trên khắp các trận địa, cùng hàng vạn TNXP vào sinh ra tử, nay dù tuổi cao sức yếu nhưng bà Phòng vẫn luôn hăng hái với công việc của Hội Cựu TNXP.

 Có hôm tôi ốm liệt giường, bệnh tật hành hạ nhưng không có ai bưng cho bát cơm, bát cháo. Những lúc đó chỉ biết nhìn lên trần nhà, nước mắt ứa ra

Cựu TNXP Lê Thị Hường

Cuộc đời, tính cách của cựu Đại đội trưởng C317, vẫn hằn in trong trí nhớ của người đồng chí và trang sử vàng TNXP Nghệ An: “Quê xã Sơn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), năm 1965 Nguyễn Xuân Thỏa tình nguyện đi TNXP, làm chính trị viên đại đội 317, TNXP Nghệ An.

Ông cùng đơn vị tham gia mở đường 15A nay là đường mòn Hồ Chí Minh; trấn giữ phà Sen, cầu Phương Tích, cầu Cấm- những trọng điểm bị máy bay địch đánh phá ác liệt. Đầu năm 1968, C317 được điều động lên đảm bảo giao thông ở Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương), Nguyễn Xuân Thỏa được cử làm đại đội trưởng C317.

Ngày 31/10/1968, một trận bom trút xuống Truông Bồn làm 13 chiến sỹ TNXP hy sinh. Bị sức ép và mảnh bom làm bị thương, Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Thỏa vẫn cùng với Ban Chỉ huy đơn vị và Tổng đội TNXP Nghệ An, Sở Giao thông vận tải và người dân Mỹ Sơn đưa 25 chiến sỹ bị thương đi bệnh viện cứu chữa, mai táng 7 liệt sỹ, tìm kiếm 6 TNXP trong 3 ngay (31/10 và 1, 2/11) để chôn cất.

Không chỉ đóng góp mồ hôi, nước mắt và máu cho Truông Bồn, Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Thỏa còn là nhân chứng lịch sử, chứng kiến sự hy sinh oanh liệt của 13 TNXP tại Truông Bồn. Tháng 5/1969, Nguyễn Xuân Thỏa được Tổng đội cử đi học, về công tác tại Công ty Thực phẩm ở Vinh, sau đó nghỉ hưu và trở về sinh sống tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành”.

Nhà nghèo, lại đông con, miếng cơm manh áo luôn là nỗi lo thường trực của cựu Đại đội trưởng C317 Nguyễn Xuân Thỏa. “Càng về già, cha tôi càng sinh nhiều bệnh. Bản thân ông là thương binh, bị thương trong trận bom ở Truông Bồn năm 1968, vết thương thường xuyên tái phát, hành hạ!”, chị Trần Thị Liễu, con dâu kể. Các con ông, chỉ có Nguyễn Văn Đại (vợ là Trần Thị Liễu) kinh tế tạm ổn. Vợ đi xuất khẩu lao động, chồng làm đủ nghề, dành dụm tiền xây được ngôi nhà khang trang ở Sơn Thành. Các anh chị em của anh Đại người thì làm ruộng, người đi làm thuê kiếm sống.

2009 và 2010 là những năm đại tang của gia đình cựu TNXP Nguyễn Xuân Thỏa. Đầu năm, mẹ ông là bà Trần Thị Trường mất vì tuổi cao; tiếp đó, con rể đột tử. Năm giờ sáng 3/9/2009 con rể mất thì 9h đêm hôm đó ông Thỏa bị tai biến não, đột ngột ra đi. Những tháng ngày sau đó, không khí u ám luôn trĩu nặng, bao trùm trong gia đình ông: Nguyễn Thị Lý, con gái chết vì ung thư. Tháng Giêng năm 2010, bà Trần Thị Xuân (vợ) tử vong vì ung thư gan.

“Vết thương lòng day vào năm tháng”

Tuổi 17, Lê Thị Hường tìm anh Nguyễn Đình Nhã- Bí thư Đoàn xã Tăng Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) xin tham gia TNXP. “Mi còn nhỏ rứa, đi răng được”. Nhã lắc đầu. Hường thui thủi về nhà, lẻn ra đống rơm lấy bộ đồ chị đã gói ghém sẵn, nhằm phía cổng làng mà bước. Nửa đường, mẹ chị tất tả gánh bó lúa chạy theo. Thấy con vội vã, bà vặn hỏi: “Mi đi mô rứa?”. “Con đi ba sẵn sàng!”, Hường đáp. “Ông Nhã không cho mi đi, chưa đủ tuổi con ạ!”. “Kệ! Bọn bạn đi đông lắm. Vui lắm mẹ ạ, con đi đây”. Hường nói rồi chạy vụt ra đường cái quan.

“Mọi người trong làng nô nức tòng quân, không khí rộn ràng, mình ở nhà chịu răng nổi!”, cô gái ngày nào, giờ đã tóc pha sương, nhớ lại. Lực lượng TNXP huyện Yên Thành theo lệnh của Tổng đội Nghệ An, hành quân lên Khe Thần (Tân Kỳ) khai phá đường 15B, năm 1966 đơn vị sáp nhập với đại đội 317, hành quân lên Truông Bồn.

Một căn nhà của cựu TNXP Yên Thành
Một căn nhà của cựu TNXP Yên Thành.

Tại trận bom rạng ngày 31/10/1968 địch ném xuống Truông Bồn khiến 13 chiến sỹ đại đội 317 hy sinh, Lê Thị Hường là người phát hiện thấy nòng súng của tiểu đội trưởng Trần Thị Thông nhô lên khỏi mặt đất, bà đã cùng đồng đội moi đất cứu bà Thông thoát chết.

Xuất ngũ, cựu TNXP Lê Thị Hường được cử đi học Trung cấp Thủy lợi, sau đó về làm thủ kho Trạm giống thí nghiệm cây đặc sản Quỳnh Lưu. Mười sáu năm tiếp xúc thường xuyên với thuốc trừ sâu, bà bị nhiễm độc, dẫn tới căn bệnh rối loạn thần kinh tim, tay run, mắt mờ.

Năm 1994, về hưu, trở lại huyện Yên Thành không có nhà để ở, bà phải thuê trạm ấp vịt làm nơi tá túc. Đằng đẵng 6 năm, cựu TNXP Truông Bồn Lê Thị Hường sống thui thủi trong ngôi nhà ngói hai gian ẩm thấp. Đến năm 2000, bà mới được cấp cho căn nhà tình thương.

Không chồng, không con, không gia đình, dưới mái nhà đơn độc ở Tăng Thành, bao đêm người phụ nữ ấy đối diện chính mình. “Có hôm tôi ốm liệt giường, bệnh tật hành hạ nhưng không có ai bưng cho bát cơm, bát cháo. Những lúc đó chỉ biết nhìn lên trần nhà, nước mắt ứa ra”, bà nói.

Rồi những chiều mưa gió, những đêm bão bùng lạnh lẽo, một mình bà chong đèn bó gối nghe mưa rơi, gió bão vần vũ ngoài hiên. “Nghĩ cảnh các gia đình hàng xóm sum vầy bên mâm cơm, nhìn cảnh mọi người quây quần bên nhau ba ngày Tết, tôi lại càng thêm chua xót. Tôi khát khao một mái ấm gia đình, tôi muốn có một đứa con, để con đỡ đần lúc mẹ về già. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở ước muốn”, bà Hường bật khóc.

Tôi (tác giả) đã gặp các chị từng là TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Truông Bồn, Cầu Cấm (Nghệ An). Những người Trở về sau cuộc chiến tranh/Đành chấp nhận gái quá thì, lỡ lứa, với khát khao âm thầm mà cháy bỏng thèm một tiếng ru trẻ ầu ơ. Tôi chợt nhớ đến bài thơ của một tác giả quê ở Tân Kỳ (Nghệ An), cũng là một cựu TNXP nhưng tôi không nhớ rõ tên:

Ngẫu hứng với mùa ngâu

Em trở về sau cuộc chiến tranh

Đành chấp nhận gái quá thì, lỡ lứa

Đường Trường Sơn những năm đạn lửa

Cơn sốt rét rừng theo dọc tuổi thanh xuân.

Tuổi mùa yêu, là tuổi quân nhân

Tình đôi lứa trong tình yêu đất nước

Em trở về dễ gì mà có được

Cái làn da thổn thức trái tim người.

Đồng đội em nơi góc bể chân trời

Có người trở về vết thương nhức nhối

Để đêm đêm, trong căn nhà mỗi tối

Nhìn sao trời từng cặp cứ lung linh.

Em trở về, không phải thương binh

Chỉ vết thương lòng day vào năm tháng

Về kỷ niệm trong âm thầm, dai dẳng

Phương sách nào dịu bớt nỗi lòng đau.

Cứ mỗi mùa xào xạc nắng hoa cau

Nỗi thèm khát ru con nào ai biết

Đêm đăm đắm, trăng trên trời hao khuyết

Tháng bảy về lẩn thẩn với mùa ngâu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.