Buông lỏng quản lý taxi, hai bên cùng lợi?

Buông lỏng quản lý taxi, hai bên cùng lợi?
TP - Năm nào, các cơ quan chức năng cũng đi thanh tra các doanh nghiệp (DN) taxi, nhưng sự nhếch nhác, luộm thuộm, manh mún của nhiều thương hiệu taxi Hà Nội vẫn không giảm cho dù quy định có sẵn.

> Bất lực trước taxi 'máy chém'! (P1)
> Xử lý taxi dù sân bay

Lẫn lộn màu sơn, nhộm nhoạm đèn hiệu

Điều dễ cảm nhận nhất về taxi của Thủ đô là màu sơn của các hãng lộn xộn, không đồng nhất, có đủ loại màu trắng, xanh, đỏ, tím, vàng.

Từ 2010, Thông tư 14 của Bộ GTVT về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô đã quy định: Trước khi đưa xe taxi vào khai thác, DN phải thực hiện đăng ký một màu sơn thống nhất. Tuy nhiên, thông tư này (dù đến nay vẫn còn hiệu lực) không được thực hiện nghiêm tại Hà Nội.

Năm 2012, khi sửa đổi Nghị định 91/2009/NĐ-CP (về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô), Bộ GTVT muốn bổ sung quy định thống nhất màu sơn.

Tuy nhiên, thời điểm đó, do sự phản ứng quá mạnh của các DN taxi Hà Nội cho rằng sẽ tốn nhiều tiền để sơn lại xe, Bộ GTVT đành trình Chính phủ phương án có tính “nước đôi”: DN phải trang trí màu sơn đặc trưng thống nhất trên nền màu sơn của phương tiện (không trùng với màu sơn trang trí của DN khác). Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Chính phủ cho phép được quy định màu sơn taxi của mỗi hãng.

Từ đó đến nay, chưa thấy Hà Nội đưa ra quy định thống nhất màu sơn của các hãng taxi. Ngay cả quy định chung cho cả nước là sơn trang trí các hãng không được trùng lặp cũng chưa được thực hiện nghiêm.

Điều này dẫn tới tình trạng các hãng taxi nhái thương hiệu, lô-gô của nhau. Nhiều hãng như Tuấn Linh, Thành Lợi trang trí màu xanh trên nền xe trắng giống của Mai Linh khiến nhiều khách hàng bị nhầm xe.

Xe taxi phải có hộp đèn với chữ “taxi” gắn trên nóc xe; hộp đèn được bật sáng khi xe không có khách và tắt khi trên xe có khách được quy định từ năm 2009 trong Nghị định 91 của Chính phủ.

Quy định đơn giản, nhưng nhiều taxi Hà Nội không thực hiện. Ban ngày, hầu hết các xe không có tín hiệu đèn. Ban đêm, xe dù có khách hay không đều giữ nguyên một chế độ bật hoặc tắt đèn.

Một thanh tra viên của Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, vi phạm này là phổ biến, nhưng ít xử lý, vì “lỗi nhỏ”. Còn GĐ một hãng taxi ở Hà Nội cho biết: “Trong quá trình lắp đèn hoặc đồng hồ tính cước (đồng hồ phải được nối với hộp đèn taxi để thực hiện việc tắt/bật - PV), các cơ quan quản lý không kiểm tra. Trong khi đó, các tỉnh thành phía Nam thực hiện khá tốt”.

Taxi Thủ đô quản ra sao?

Quyền Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng cho rằng, những tiêu cực của taxi Hà Nội hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ việc các đơn vị taxi quản lý theo hình thức khoán trắng cho lái xe. Lái xe buộc phải xoay xở mọi cách để kiếm sống, dùng các chiêu gian lận, không bận tâm tới chất lượng.

Không những thế, hình thức đang tồn tại phổ biến: Nhiều DN hình thành chỉ để bán xe, tem mào, dịch vụ bộ đàm với thời hạn hợp đồng 3-5 năm (dù xe taxi được quy định hạn sử dụng 12 năm). Hình thức này chẳng khác nào việc hợp thức hoá taxi dù.

Sau khi hợp thức hoá, mối liên kết giữa DN và tài xế lỏng lẻo nên đã xảy ra các hiện tượng tiêu cực, gian lận... Khi hết hợp đồng, các lái xe này tiếp tục bị DN thu tiền quay vòng hoặc bị thải loại, trở thành taxi “dù”.

Theo ông Hùng: “Đây là hành vi phạm luật, dù DN lách luật bằng mọi cách. Tuy nhiên, thanh tra giao thông lập ra để làm gì khi không phát giác và xử lý”, ông Hùng nói.

Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay, Hà Nội đang vận động các DN sắp xếp, thu gọn để hình thành nên các DN quy mô lớn hơn.

Sẽ xử lý taxi “chặt chém” về đêm

Chiều 28/5, Phó chánh Thanh tra GTVT Hà Nội Hoàng Văn Mạnh cho biết, sau khi Tiền Phong khởi đăng tuyến bài Trận đồ taxi Hà Nội, Phó GĐ sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh đã chỉ đạo kiểm tra các trường hợp vi phạm nêu trong bài, thu hồi phù hiệu taxi. Riêng tại ga Trần Quý Cáp, thanh tra sẽ cùng các lực lượng chức năng kiểm tra thực tế để xử lý.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG