Lấy phiếu tín nhiệm phải khách quan, công tâm

Lấy phiếu tín nhiệm phải khách quan, công tâm
TP - Chiều qua (17/5), Văn phòng Quốc hội (VPQH) họp báo công bố nội dung chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII (khai mạc ngày 20/5, bế mạc 22/6).

> Nhiều báo cáo công tác nặng kể thành tích
> Dành gần 3 ngày lấy phiếu tín nhiệm

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai (sửa đổi), lấy phiếu tín nhiệm chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn là những nội dung được quan tâm tại kỳ họp này.

Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ nhiệm VPQH, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Liên quan đến tên nước, khi lấy ý kiến nhân dân, có đề xuất lấy lại tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, tuy nhiên đại đa số nhân dân đồng tình giữ nguyên tên nước hiện nay. Tại Phiên họp thứ 18, UBTVQH đã thảo luận về hướng giải trình, tiếp thu dự thảo Hiến pháp.

Theo chương trình, trước khi lấy phiếu, Quốc hội sẽ thảo luận tại Đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm; sau đó họp phiên toàn thể tại hội trường để lấy phiếu tín nhiệm.

Giải đáp nội dung báo chí đề cập về việc đảm bảo khách quan, trung thực trong việc lấy phiếu, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm, nhưng đã có quy trình, hướng dẫn rất cụ thể.

Các đối tượng thuộc diện lấy phiếu đều đã có báo cáo về công tác theo yêu cầu, gửi cho ĐBQH trước khi diễn ra Kỳ họp theo quy định. Ngoài ra, ĐBQH còn căn cứ vào kết quả giám sát của các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc và các lĩnh vực mà người đó phụ trách trong năm qua.

“Việc lấy phiếu tín nhiệm phải khách quan, công tâm là vấn đề chúng tôi cũng như cử tri mong muốn. Tôi với tư cách là người bỏ phiếu đánh giá người khác, cũng là đối tượng để các đại biểu khác bỏ phiếu, cũng dựa vào những cơ sở đó để đưa ra quyết định của mình” - Ông Phúc nói.

Theo quy định, người đạt dưới 50% tín nhiệm 2 năm liên tục sẽ phải chuyển sang bỏ phiếu, hoặc quá 2/3 ĐBQH không tín nhiệm thì phải từ chức hoặc chuyển sang bỏ phiếu ngay tại kỳ họp. Nếu rơi vào kết quả như vậy thì sẽ thực hiện đúng theo quy định.

Lãnh đạo VPQH cũng cho biết, người lấy phiếu phải có từ một năm công tác trở lên, như vậy chức danh đã chuyển vị trí công tác, hoặc mới phê chuẩn sẽ không lấy phiếu.

Đối với trường hợp của ông Vương Đình Huệ, sẽ được Quốc hội làm thủ tục miễn nhiệm (và bầu chức danh thay thế) vào ngày 24/5.

Đến trung tuần tháng 6, Quốc hội mới thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, nên ông Huệ và người kế nhiệm ông không nằm trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm. Theo nghị trình, Quốc hội sẽ bỏ phiếu phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Tài chính mới do Thủ tướng Chính phủ giới thiệu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG