Tham nhũng vặt tiếp tục tăng

Tham nhũng vặt tiếp tục tăng
TP - Gần 14.000 người được hỏi trong khảo sát mới nhất về Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cho thấy, tình trạng phong bì “bôi trơn”, tham nhũng vặt có xu hướng gia tăng.

> Phong bì 'bôi trơn': Phổ biến
> Nạn phong bì làm méo mó xã hội

Xin vào nhà nước - phổ biến “lót tay”

Chỉ số PAPI do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học (MTTQ Việt Nam) thực hiện với sự hỗ trợ của UNDP, là công cụ đo lường chất lượng dịch vụ công lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc (CECODES) cho biết, đã có 13.747 người được chọn ngẫu nhiên từ 828 thôn, tổ dân phố của 414 xã, phường, thị trấn thuộc 207 quận, huyện của 63 tỉnh, thành phố được khảo sát.

 Mỗi năm Việt Nam cấp trung bình 6 triệu sổ đỏ. Nếu 17% trong số này phải “bôi trơn” trung bình 123 nghìn đồng/lượt thì tổng số tiền “bôi trơn” để làm sổ đỏ lên tới 6,5 triệu USD.

Ông Jairo Acuna-Alfalo

Về tình trạng tham nhũng vặt trong khu vực công theo cảm nhận của người dân, khảo sát cho thấy, hiện tượng phải đưa tiền “lót tay” để xin việc làm trong các cơ quan nhà nước dường như phổ biến trên phạm vi toàn quốc.

Trung bình trên cả nước chỉ có 39,07% số người trả lời cho biết không có hiện tượng “chạy việc”. Ngoài ra, mối quan hệ cá nhân với người có chức, quyền đóng vai trò quan trọng đối với những ai theo đuổi nghiệp công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước.

Có đến gần 50% số người được hỏi cho biết, quan hệ thân quen là quan trọng hoặc rất quan trọng khi xin việc vào khu vực nhà nước. So với năm 2011, số người được hỏi đồng tình với nhận định “phải hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước” đã tăng 50% (tăng từ 29% lên 44%).

Tượng tự, số người đồng tình với nhận định phải có phong bì “bôi trơn” khi khám chữa bệnh và xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng tăng.

Theo TS Đặng Hoàng Giang (CECODES), kết quả khảo sát cho thấy, mức độ chịu đựng của người dân với tham nhũng cũng tăng dần. Điều này được lý giải qua con số 25% người được hỏi cho biết họ sẽ không bao giờ tố giác hành vi vòi vĩnh, đòi hối lộ.

Đối với mức phong bì “bôi trơn” dưới 500.000 đồng, chỉ có 21% số người trả lời sẽ tố giác. Các khoản tham nhũng vặt như vậy người dân có thể chịu đựng được bởi họ xem là chi phí “bôi trơn” để đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục hành chính hay xử lý vi phạm hành chính khi mình có vi phạm.

Trả lời Tiền Phong về thực tế này, TS Giang lý giải thực tế, có đến 72,88% người được hỏi trả lời rằng, có tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì. 24% số người được hỏi cho rằng, chính quyền các tỉnh, thành phố đã không nghiêm túc trong xử lý những vụ việc tham nhũng đã phát hiện được.

Cam chịu với tham nhũng vặt

TS Đặng Ngọc Dinh cho rằng, với 44% số người được hỏi cho biết phải “lót tay” khi xin vào cơ quan nhà nước; 42% cho rằng phải có phong bì “bôi trơn” khi khám chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện; 17% cho biết họ phải “bôi trơn” khi xin cấp sổ đỏ thì tình trạng người dân chấp nhận, cam chịu với tham nhũng vặt là khá phổ biến.

Phong bì “bôi trơn” cũng cho thấy bộ máy hành chính bị “khô dầu”. Người dân đã chủ động đưa tiền để lách thủ tục hành chính quá rườm rà. Thậm chí có địa phương, phong bì “bôi cũng không trơn”. “Điều này có nguy cơ dẫn đến hệ thống bị tha hóa.”- TS Dinh nói.

Về số tiền phải “bôi trơn”, khảo sát cho thấy, người dân phải dành từ 100 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng một học kỳ cho các khoản chi phí không chính thức để con em mình được sự ưu ái hơn của giáo viên tiểu học công lập. Đối với chi phí “bôi trơn" cấp sổ đỏ, mức trung bình là 123 nghìn đồng/lượt. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trả lời phải chi phí tới hơn 100 triệu đồng để “bôi trơn” trong làm sổ đỏ.

“Mỗi năm Việt Nam cấp trung bình 6 triệu sổ đỏ. Nếu 17% trong số này phải “bôi trơn” trung bình 123 nghìn đồng/lượt thì tổng số tiền “bôi trơn” để làm sổ đỏ lên tới 6,5 triệu USD. Nếu tính riêng lẻ một trường hợp thì số tiền không lớn, nhưng nhìn vào tổng số tiền người dân phải chi phí không chính thức thì rõ ràng không nhỏ chút nào”- Ông Jairo Acuna-Alfalo (UNDP, Trưởng nhóm báo cáo) nhận định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG