Cán bộ địa chính làm giả bìa đỏ

Cán bộ địa chính làm giả bìa đỏ
TP - Hàng trăm bìa đỏ giả do Đỗ Hồng Cường, cán bộ Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) phát ra thu về hàng trăm triệu đồng. Hậu quả của số bìa đỏ giả này hết sức nguy hại bởi nó được mua đi bán lại, thế chấp ngân hàng.

> Bắt giam cựu phó văn phòng huyện An Dương

Có tiền là có bìa đỏ

Ngày 26/4/2013 ông Ngô Xuân Dụng, trú ở thôn 5 thị trấn Sa Thầy cầm bìa đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đứng tên mình đến Công an huyện Sa Thầy, trình bày: Tôi mua đất của ông A Lập ở làng Trang, chưa có bìa đỏ.

Năm 2010 tôi đến gặp Đỗ Hồng Cường nhờ làm bìa đỏ, Cường lấy 11 triệu đồng, tháng 1/2011 Cường mang bìa đỏ đến, có đầy đủ chữ ký của Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lộc, cùng con dấu quốc huy của UBND huyện. Giờ nghe đồn bìa đỏ Cường cấp là bìa giả, tôi mang đến nhờ công an xác minh”.

Ngay cả đất trong Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cũng bị Cường làm giả bìa đỏ. Ngày 6/2/2013 Cường giả chữ ký Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy Nguyễn Ngọc Sâm ký cấp bìa đỏ 15.089m2 đất cho ông A Mễ ở thôn 3, thị trấn Sa Thầy. Ngày 5/3/2013 ông Mễ đã cầm bìa đỏ này tại Agribank Sa Thầy để vay 30 triệu đồng.

Trưởng Công an huyện Sa Thầy, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Bìa này phôi thật, con dấu thật song chữ ký của Phó Chủ tịch huyện là giả. Thủ đoạn của Đỗ Hồng Cường là lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của lãnh đạo phòng để biển thủ phôi thật của bìa đỏ rồi ghi thông tin, vẽ sơ đồ đất của người dân có nhu cầu, phô tô hoặc giả chữ ký của lãnh đạo rồi tìm lúc văn thư UBND huyện sơ hở để đóng dấu.

Cường đã cấu kết với 3 đối tượng bên ngoài là Phạm Văn Thanh trú tại thôn 3, thị trấn Sa Thầy; Nguyễn Tiến Dự trú thôn Đông Hưng, xã Ia Ly; Nguyễn Quang Phấn trú thôn 2, xã Sa Sơn (Sa Thầy). Những chân rết này tìm người có nhu cầu cấp bìa đỏ để báo cho Cường đến đo vẽ sơ đồ, thỏa thuận giá cả.

Thông thường các đối tượng này lấy 10 triệu đồng/sổ đối với đất thổ cư và 4 triệu đồng/ha đối với đất nông nghiệp. Tuy nhiên qua hỏi chuyện Cường tại nhà tạm giam công an huyện Sa Thầy, Cường thừa nhận với chúng tôi có trường hợp lấy đến 60 triệu đồng/bìa đỏ thổ cư.

Công an huyện Sa Thầy cho biết: Qua điều tra lấy lời khai của hơn 50 hộ dân, tổng diện tích đất do nhóm của Cường làm bìa đỏ giả bước đầu xác định là hơn 130 ha, tổng số tiền nhóm này thu được do việc làm bìa đỏ là hơn 750 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra Cường chỉ thừa nhận có nhận 330 triệu đồng.

Cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra số bìa đỏ tại Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Sa Thầy, phát hiện 250 bìa đỏ không có hồ sơ gốc.

Hậu hoạ khó lường

Đỗ Hồng Cường, sinh năm 1985, học Trung cấp địa chính không được cấp bằng, song năm 2008 vẫn được lãnh đạo Phòng TN-MT Sa Thầy tiếp nhận hợp đồng vào làm việc.

Đỗ Hồng Cường
Đỗ Hồng Cường.

Nhiệm vụ được giao là lập hồ sơ cấp bìa đỏ trên địa bàn một số xã, thị trấn của huyện, phúc tra hồ sơ đề nghị cấp bìa đỏ, theo dõi tổng hợp vào sổ địa chính…Từ tháng 6/2010 Cường đã gian dối trong công tác, tẩy xoá thông tin trong bìa đỏ của một hộ dân mà Cường có ý đồ xáo trộn trong hồ sơ gốc để cấp 2 bìa đỏ cho 1 hộ.

Thấy việc làm giả bìa đỏ để lấy tiền tiêu xài dễ dàng nên Cường đã làm giả hàng loạt bìa đỏ bằng phôi thật, giả chữ ký của các Phó Chủ tịch UBND huyện là Nguyễn Văn Lộc, A Kang, Nguyễn Ngọc Sâm cấp cho dân.

Có trường hợp mặc dù chữ ký là của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Lộc, song do chưa chụp dấu của UBND huyện được nên Cường đóng luôn dấu của Phòng TN-MT lên bìa đỏ.

Bên cạnh việc lấy phôi thật cấp cho dân, Cường còn phô tô màu làm phôi giả để cấp bìa đỏ. Cho đến nay cơ quan điều tra đã thu giữ 30 phôi giả, xác minh 105 bìa đỏ giả chữ ký của người có thẩm quyền thu được từ nơi ở của Cường và do người dân giao nộp.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp huyện Sa Thầy, qua xác minh phát hiện 27 bìa đỏ không có hồ sơ gốc đã thế chấp vay 2.493 triệu đồng, trong đó mốc vay từ 50 triệu đồng trở lên có xác nhận của Văn phòng đăng ký QSD đất là 18 bìa đỏ, với số tiền hơn 2,3 tỉ đồng, còn lại 9 giấy mức vay dưới 50 triệu đồng không cần xác minh tại Văn phòng đăng ký QSD đất.

Vì sao bìa đỏ không có hồ sơ gốc, giả chữ ký của lãnh đạo huyện vẫn được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Sa Thầy xác nhận để dân đi vay là một câu hỏi lớn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG