'Vàng tặc' đại náo sông Quàng

'Vàng tặc' đại náo sông Quàng
TP - Hai xã Cắm Muộn và Quang Phong (huyện Quế Phong, Nghệ An) đang là điểm nóng khai thác vàng trái phép. Lực lượng chức năng địa phương nhiều lần truy quét, nhưng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

> Phá rừng tìm vàng
> 'Vàng tặc' phá rừng từng ngày

Một trong những tổ khai thác vàng trái phép bằng máy móc trên sông Quàng thuộc địa bàn 2 xã Cắm Muộn và Quang Phong
Một trong những tổ khai thác vàng trái phép bằng máy móc trên sông Quàng thuộc địa bàn 2 xã Cắm Muộn và Quang Phong.

Cắm Muộn và Quang Phong cách trung tâm thị trấn Kim Sơn khoảng 40km. Đây là những xã xa nhất của huyện miền núi Quế Phong, có sông Quàng chảy qua. Việc khai thác vàng trái phép trên địa bàn 2 xã có chiều hướng tăng và ngày càng diễn biến phức tạp.

Có mặt ở khu vực này, phóng viên Tiền Phong cận cảnh chứng kiến sông suối tan hoang, dòng nước đục ngầu với những hầm hố nham nhở chằng chịt. Tại khu vực Khe Quỳa có 3 tổ khai thác vàng trái phép bằng máy xúc công suất lớn đang làm việc suốt ngày đêm. Nhiều điểm khai thác dọc khe từ bản Cắm đến sông Quàng, với hàng trăm người tham gia. Những lán trại chằng chịt, máy móc gầm rú vang trời, tiếng í ới, quát mắng tranh giành địa bàn oang oang.

Việc khai thác vàng trái phép với quy mô lớn đến hàng nghìn người tham gia và có sự trợ giúp của máy xúc tại xã Quang Phong và Cắm Muộn đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy như: tàn phá rừng, ô nhiễm môi trường, thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia, gây mất an ninh… Các đối tượng khai thác vàng tận trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Họ dùng máy múc khai thác dọc khe suối, trên đồi đều được đào hầm sâu theo kiểu khoét hàm ếch nên nguy cơ sập hầm rất cao.

Anh Lô Văn Núi (người dân địa phương) cho biết, tình trạng khai thác vàng tại khu vực Khe Quỳa diễn ra từ nhiều năm trước, nhưng nay quy mô lớn hơn. “Ở đây nhà nhà làm vàng, người người làm vàng. Dân phá cả ruộng nhà mình để tìm vàng”- Anh Lô Văn Mờ, người dân bản Cắm Nọc nói.

Nói xong, anh Mơ dẫn chúng tôi đi dọc Khe Quỳa để thị sát. Tiếp cận tốp chừng 20 người đang làm cùng với nhiều máy hút mới hay họ là người dân bản Cắm, tự góp tiền mua máy móc rồi đi làm vàng trái phép ngay chính “đại bản doanh” của mình.

“Ta không có việc làm, ruộng thì ít nhưng lại có nhiều vàng dưới đất nên thấy họ làm ta cũng đi làm thôi. Ở đây chỉ làm vàng để kiếm sống thôi” - người đàn ông tên Hoài đứng dưới bãi nói vọng lên.

Tại vùng giáp tiểu khu 144 của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có hàng chục máy hút, máy xịt vàng. Tiểu khu này có trên 20 tổ khai thác vàng làm việc cả ngày lẫn đêm.

Khu vực sông Quàng chảy qua địa phận xã Quang Phong nhiều tổ khai thác hoạt động, thậm chí có 1 tổ khai thác trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Số lượng người tham gia khoảng trên 500 người.

“Bọn em chỉ vào làm thuê ăn ngày công chứ mọi cái đều do ông chủ ngoài thị trấn Kim Sơn lo liệu hết” - một tốp 4 người đang dùng máy múc đào bới lòng sông Quàng nhận là người Hà Nội vào làm thuê cho chủ tên là Lương Hoa ở thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) cho biết.

Chính quyền bó tay?

Ông Lô Minh Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Cắm Muộn nói rằng, ở đây hoạt động khai thác vàng chủ yếu là các cá nhân làm tự phát, làm theo quy mô doanh nghiệp nên ông cũng chưa nắm được.

Từ đầu năm đến nay xã truy quét 3 lần nhưng tình hình chưa giảm vì cứ khi đoàn vào là lập tức bị lộ nên họ tẩu tán máy móc. Đoàn kiểm tra đi rồi họ lại tiếp tục khai thác.

“Riêng khu vực vùng tiểu khu 144 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đang có 2 máy múc và hàng chục tốp làm máy hút với số lượng hàng trăm đối tượng. Tình hình đã vượt qua khả năng của xã nên giờ chỉ mong cấp huyện và tỉnh hỗ trợ đẩy đuổi, lập lại ổn định cho địa phương” - ông Tùng nói.

Trong khi đó, một số cán bộ UBND huyện Quế Phong cho biết, chính quyền địa phương đã làm hết trách nhiệm nhưng tình hình rất phức tạp. Trước Tết âm lịch, huyện thành lập đoàn kiểm tra và đã truy quét, đẩy đuổi khoảng 1.500 đối tượng, ổn định tình hình nhưng sau đó mọi chuyện vẫn đâu vào đấy.

Đầu tháng 4/ 2013, tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn liên ngành tổ chức đẩy đuổi “vàng tặc” ở Quế Phong. Tuy nhiên, người dân địa phương phản ánh, sau khi đoàn công tác ra về, các “vàng tặc” lại bắt đầu tiếp tục quay trở lại lén lút khai thác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG