Cảnh sát nhẹ nhàng xin lỗi dân
> Mở lớp dạy CSGT...cười và xin lỗi dân
> Trực tiếp xin lỗi dân
Với đặc thù công việc là lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nên kịp thời xin lỗi khi người dân chỉ ra sai trái đáng được ghi nhận...
Thời gian gần đây, dư luận hay nói nhiều về cách ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi thực thi nhiệm vụ với những người tham gia giao thông. Thậm chí, có cả những clip ghi lại cách hành xử được cho là không đúng với quy trình tác nghiệp của cán bộ chiến sỹ. Trong một số trường hợp, những clip ghi lại đó cũng chưa phản ánh chính xác diễn biến sự việc. Tuy nhiên, đã có clip phản ánh được những "lỗi" vô tình mắc phải của cán bộ chiến sỹ.
Gần đây nhất, ngày 12/4, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip dài hơn 2 phút, có tiêu đề “Người dân tố cảnh sát cơ động làm việc vô trách nhiệm”, do nickname Đ.Q đăng tải. Theo người quay clip thì khoảng 23h ngày 12/4, một chiến sĩ cảnh sát cơ động (CSCĐ) đuổi một xe máy vi phạm giao thông trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), đoạn gần ngã tư Trung Hòa, rồi gián tiếp gây tai nạn cho một người dân đang lưu thông trên đường. Tuy nhiên, chiến sĩ này không ở lại giải quyết vụ việc mà lại nhanh chóng rời đi, khiến một phụ nữ khác bị "vạ lây" vô cùng bức xúc.
Sau khi nhận được thông tin trên, trung đoàn CSCĐ đã tiến hành xác minh và công nhận ba chiến sĩ trong lúc đi làm nhiệm tại khu vực đường Trần Duy Hưng thuộc Đại đội 6 Trung đoàn CSCĐ Hà Nội và đã báo cáo lên ban giám đốc Công an thành phố.
Theo đại tá Phạm Văn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ - công an Hà Nội, khoảng 23h ngày 12/4, các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tuần tra trên đường Trần Duy Hưng phát hiện 2 thanh niên không đội mũ bảo hiểm, có nhiều biểu hiện rất nghi vấn. Các cán bộ đuổi theo nhưng hai người này liên tục ép đầu xe của các chiến sĩ không cho vượt lên, đi đến gần ngã tư Trung Hòa thì gặp phải hai người nam nữ đi đường và gián tiếp va quẹt vào một người đang lưu thông trên đường.
"Trong lúc va chạm xảy ra hai thanh niên rút dây thắt lưng ra liên tiếp tấn công, đấm đá vào mặt các chiến sĩ, buộc các anh phải dùng bình xịt hơi cay, ngay lập tức hai thanh niên này bỏ chạy, cũng tại thời điểm này có một người phụ nữ bị “vạ lây” do các chiến sĩ đưa nạn nhân vào bệnh viện Giao thông Vận tải để cấp cứu, không chú ý đến việc một số người dân xung quanh bị ảnh hưởng hơi cay, khi các chiến sĩ quay lai tìm những người bị ảnh hưởng để xin lỗi họ thì đám đông đã giải tỏa...", Đại tá Hưng cho hay.
Chính vì sự việc này, Đại tá Hưng, người đứng đầu đơn vị đã "gửi lời xin lỗi công khai đến những người dân đã bị ảnh hưởng trong lúc các cán bộ của tôi làm vệc để xảy ra sự cố trên, chưa biết đối xử đúng mức và chưa kịp thời...”.
3 chiến sĩ trong tổ đã phải viết bản kiểm điểm, tường trình sự việc. “Chúng tôi nghiêm khắc kiểm điểm các chiến sĩ trong tổ làm việc trên và rút kinh nghiệm trong toàn lực lượng… Lẽ ra các cán bộ chiến sĩ trong lúc gặp tình huống như thế này, tuy rất nguy hiểm cho bản thân, nhưng cũng chưa cần thiết phải xịt hơi cay vì dễ lan tỏa ra làm ảnh hưởng đến những người xung quanh nên cần chấn chỉnh lại quy trình làm việc”.
Việc nhanh chóng nhận ra lỗi và kịp thời gửi lời xin lỗi đến những người dân bị "vạ lây" là việc làm rất đáng ghi nhận.
Một trường hợp xin lỗi người dân khác cũng được dư luận đánh giá cao. Lần này cũng liên quan đến một clip được người dân đưa lên mang. Ngày 20/4, dư luận đã được chứng kiến việc cảnh sát giao thông (CSGT) phải xin lỗi người dân sau khi bị vặn vẹo. Nguyên nhân của sự việc là bởi một người dân ba lần liên tiếp bị CSGT dừng xe bắt lỗi vì một lỗi anh này không mắc phải. Vì quá bức xúc, người này đã có cách nói gay gắt với chiến sỹ làm nhiệm vụ. Cũng để làm bằng chứng về việc làm vô lý của một vài cán bộ, chiến sỹ tại chốt làm việc này, người bị cho là vi phạm đã ghi lại và đưa lên internet. Nhiều người dân đã ủng hộ việc làm này, nhưng cũng có một số ý kiến không đồng tình với cách nói gay gắt của người dân này.
Sau khi nghe người dân "phân tích" tình hình, chiến sỹ CSGT đã xin lỗi vì dừng xe nhầm.
Trong cuộc sống hàng ngày, việc mắc các lỗi nho nhỏ không phải là chuyện hiếm hoi, vấn đề quan trọng là người mắc lỗi hiểu ra, nhận sai và rút kinh nghiệm lần sau. Với đặc thù công việc là lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính các công dân, của chính người dân, nên việc cầu thị khi người dân giúp chỉ ra sai trái của lực lượng này sẽ góp phần tạo nên ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn của công dân.
Theo Lam Nguyên
VnMedia