> Tan hoang tàu cá Việt bị tàu Trung Quốc bắn
> Yêu cầu Trung Quốc điều tra hành động bắn tàu cá Việt Nam
> Tàu Trung Quốc bắn tàu cá Việt
Sáng 24/3, sau hai ngày neo tạm tại đảo Lý Sơn, tàu cá QNg 96382 cập cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) để sửa chữa hư hại, sau khi bị tàu Trung Quốc bắn cháy nham nhở. Đồng thời, tìm cách bán 76 con hải sâm còn lại trên tàu với hy vọng vớt vát chút vốn liếng.
Cuốn cờ vào ngực
Anh Bùi Văn Phải, chủ tàu cá QNg 96382, và thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh cháy đen sau chuyến đi biển. Anh Thạnh kể: Khoảng 8h15 sáng 20/3, khi đang lặn bắt hải sâm ở tọa độ 16o34 N – 112037 E thuộc Hoàng Sa, tàu QNg 96382 gặp tàu ngư chính Trung Quốc mang số hiệu 786.
Thấy tàu Trung Quốc tăng tốc hướng về phía mình, anh Thạnh cho tàu chạy. Khoảng 30 phút sau, tàu này áp sát được tàu QNg 96382. Anh Thạnh gọi 7 anh em thuyền viên ra trước mũi tàu ngồi. Ngồi trong cabin chỉ còn anh Thạnh và anh Phải điều khiển tàu.
“Chúng tôi ngồi trước mũi tàu để tàu Trung Quốc thấy rõ mình không có hành động chống trả, không có vũ khí. Khi tàu áp sát khoảng 20m thì tàu Trung Quốc nổ liền 4 - 5 phát súng vào cabin, ca bin bốc cháy dữ dội”, anh Phải kể.
Khi lửa bốc cao thiêu cháy cabin, anh em thuyền viên ai nấy đều hoảng sợ, nhưng anh Thạnh vẫn hết sức bình tĩnh, hô hào anh em múc nước biển dập lửa. Anh Thạnh và anh Phải liều mình lên cabin xối nước vào đám cháy, dù biết bên trong có 4 bình gas có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
“Phải dập tắt lửa trước, nếu 4 bình gas phát nổ thì anh em chết hết”, anh Phải nói. Lá cờ Tổ quốc ở nóc cabin, lửa bén gần tới nơi, anh Phải liều mình lao vào vừa dập tắt lửa vừa cuộn nhanh lá cờ không để lửa cháy. Đám cháy dập tắt, lá cờ được cắm trở lại trên nóc cabin còn lại bộ khung.
“Anh em ngư dân chúng tôi mỗi lần ra biển đều tâm niệm rằng, cờ Tổ quốc phải luôn ở nóc tàu để khẳng định chủ quyền biển đảo và đúng với quy định quốc tế. Tàu cháy, nhưng quyết không để cờ cháy”, anh Phải quả quyết.
Trắng tay ngày về
Thuyền viên tàu QNg 96382 đa số còn rất trẻ. Chủ tàu Bùi Văn Phải năm nay vừa mới tròn 24 tuổi. Sinh ra và lớn lên ở đảo Lý Sơn, hơn 10 năm đi biển, tháng 4/2012, Phải tích góp tiền của, vay ngân hàng mua lại tàu QNg 96382 với giá hơn 570 triệu đồng.
Chuyến ra khơi đầu tiên năm 2013 đã gặp nạn. Chuyến ra khơi này, Phải và anh em thuyền viên huy động gần 300 triệu đồng để làm chi phí. Chưa đánh bắt được gì đã phải tay trắng về đất liền. Nợ chồng chất nợ.
“Năm 2012, tôi ra khơi được 6 chuyến, cả 6 lần đều gặp tàu Trung Quốc quấy nhiễu, nhưng lần này thiệt hại nặng nhất. Trắng tay, anh em chỉ biết động viên nhau cố gắng tu sửa tàu với hi vọng sớm làm lại từ đầu”, anh Phải buồn rầu. Dù trắng tay trở về, nhưng thuyền trưởng Thạnh vẫn khẳng khái: “Đi biển là nghiệp. Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường bao đời của ngư dân Việt Nam, anh em chúng tôi sẽ sửa tàu rồi lại tiếp tục ra khơi”.
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết sẽ xem xét để có chính sách hỗ trợ ngư dân tàu QNg 96382. |
Yêu cầu Trung Quốc điều tra hành động bắn tàu cá Việt Nam Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 20/3/2013, một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết: “Ngày 20/3/2013, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin. Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam.
Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam". Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc. |