Mẹ dứt lòng bỏ 2 con sinh đôi trong bệnh viện
> Mẹ bỏ con ba tháng tuổi vào lu nước rồi tự tử
> Giận chồng, vứt con 18 ngày tuổi xuống kênh
Chúng tôi tìm đến nhà người mẹ khốn khổ ấy khi chị vừa ký giấy cam kết giao con cho bệnh viện chăm sóc. Năm lần sinh con đã khiến cô gái ngoài 30 tuổi trông như một phụ nữ 50.
Vợ chồng chị Xuân ngồi trong túp lều của gia đình mình. |
Người dân thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước hiện vẫn còn xôn xao trước việc chị Thạch Thị Xuân (SN 1982, ngụ khu phố Phước An, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài) trốn khỏi bệnh viện, bỏ lại 2 con gái sinh đôi mới chào đời.
Nhiều ý kiến cho rằng người mẹ này quá ích kỷ, tàn nhẫn. Thế nhưng khi các bác sĩ và đại diện chính quyền địa phương tìm hiểu thì được biết gia cảnh chị Xuân rất khó khăn nên người mẹ đó đã phải dứt lòng từ bỏ các con.
7 người sống trong 7 mét vuông
Chúng tôi tìm đến nhà người mẹ khốn khổ ấy khi chị vừa lên bệnh viện ký giấy cam kết giao con cho bệnh viện chăm sóc. Năm lần sinh con đã khiến cô gái ngoài 30 tuổi trông như một phụ nữ 50. Lần này, chị rứt ruột bỏ con vì nhiều tháng rồi, cả nhà không còn gạo ăn.
Anh Nguyễn Văn Nam, chồng chị Xuân vừa đi nhổ cỏ mì thuê về, thở dài: “Vợ chồng tôi đau lòng lắm khi phải bỏ 2 đứa con cho bệnh viện để nhờ người khác nuôi dưỡng. Nhưng nếu giữ lại thì chúng tôi không thể nào nuôi nổi. Năm đứa bé sinh trước đó cũng đã không thể nuôi nổi rồi!”. Lý giải việc sinh nhiều con, chị Xuân cho hay là do vỡ kế hoạch, dù tránh thai nhưng vẫn có con.
Chị Xuân sinh ra trong gia đình có 3 chị em gái, cha mẹ đều là người dân tộc thiểu số S’tiêng. Định cư ở ngã tư Sóc Miên (thị xã Đồng Xoài) đã mấy mươi năm nay nhưng gia đình chị vẫn không có nổi một thẻo đất để sản xuất.
Túp lều của vợ chồng chị Thạch Thị Xuân. |
Sau khi cha chị là ông Điểu Lê Lai mất, mẹ chị - bà Thạch Thị Thảo - đi bước nữa rồi có thêm một người con trai. Trong thời gian đi nhặt điều, hái tiêu thuê, chị Xuân quen anh Nguyễn Văn Nam (SN 1975) từ Trà Vinh lên Bình Phước làm thuê. Khi biết anh Nam cũng là người dân tộc (cha người kinh, mẹ người Khmer), chị Xuân đã đồng ý lấy anh vào năm 1999.
Năm 2001, bé gái đầu lòng Thạch Thị Chi ra đời. Hai năm sau có thêm bé Thạch Thị Hương. Năm 2007, họ có thêm hai cháu trai song sinh Thạch Thảo - Thạch Thiện (Thiện mất khi được 1 tuổi). Tiếp đó, hai cháu gái lại nối tiếp ra đời, cách nhau 1 năm. Các chị em của chị Xuân cũng như gia đình anh Nam ai cũng thuộc diện nghèo nên không thể giúp gì.
Trong túp lều được dựng trên diện tích khoảng 7m2, các vách được chắp nối từ những miếng ván nhỏ, tấm bạt nhựa. Mái lều cũng được phủ bằng tấm bạt và lá dừa xin được của người trong xóm.
Bên trong lều, ngoài hai cái “giường” được ghép từ những tấm ván để cho đại gia đình 7 người có nơi ngả lưng, tài sản quý giá nhất của gia đình chị Xuân là chiếc xe máy cũ rích mua rẻ của người quen với giá 2 triệu đồng để làm phương tiện đi làm thuê.
Hai đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại bệnh viện. |
Dù hai vợ chồng làm việc cật lực để nuôi 5 đứa con nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng gia đình họ. Buổi chiều, khi chúng tôi đến, 5 đứa con chị Xuân mặc phong phanh, ngồi co ro đợi cơm trong chiều lạnh. Bữa chiều hôm ấy chỉ có ít cháo, ít cơm trắng và nồi rau luộc, vậy mà bọn trẻ ăn rất ngon lành.
Đứt ruột cho con
Sau khi phát hiện sản phụ Thạch Thị Xuân “bỏ trốn” khỏi bệnh viện, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước đã nhờ chính quyền phường Tân Xuân mời vợ chồng chị Xuân vào nhận lại con. Tuy nhiên, vì không có tiền nộp viện phí và biết rằng nếu đem hai con về sẽ không thể chăm sóc, nuôi nấng nên họ đành đứt ruột bỏ con.
Chị Xuân cho biết, 3 đứa con lớn của chị đã đến tuổi đến trường nhưng không đứa nào được đi học vì gia đình không có tiền.
Sáng 14.1.2013, đại diện các ban ngành của phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã có buổi làm việc với vợ chồng chị Xuân.
Theo nội dung buổi làm việc, vợ chồng chị do điều kiện kinh tế quá khó khăn, con đông lại nhỏ tuổi, không đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng 2 bé gái sinh ngày 5.1.2013 nên quyết định cho 2 con của mình. Vợ chồng chị Xuân sau khi nghe cán bộ đọc lại biên bản đã lăn tay điểm chỉ vì không biết chữ.
Anh Nam thổ lộ: “Có ngày tôi đi phụ hồ được khoảng 150.000 đồng nhưng không phải lúc nào cũng có việc. Vợ tôi đi nhặt điều hoặc trồng mì thuê nhưng phải vào mùa vụ mới có việc làm. Nhiều lúc nhìn vợ con sống lay lắt, là đàn ông, tôi cảm thấy xấu hổ, đau đớn lắm!”.
Còn chị Xuân thì rầu rĩ: “Mong 2 đứa trẻ sẽ có người nuôi dưỡng. Phận làm cha mẹ như chúng tôi day dứt lắm nhưng không thể đưa 2 con về để tiếp tục chịu cảnh đói cùng, khổ cùng nữa”. Chị Xuân đã được bệnh viện vận động triệt sản để chấm dứt tình trạng sinh đẻ tự nhiên với quan niệm “trời sinh voi, sinh cỏ” đã làm khổ cả gia đình chị.
Bé Xuân Ngọc 1 được nhận nuôi và có tên khai sinh là Ngân. |
Theo bác sĩ Hồ Phương Hải (khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước) thì 2 bé sơ sinh đã bú được sữa bình và tiêu hóa tốt. Một bé cân nặng 2,2 kg, sức khỏe tốt. Bé thứ hai nặng 1,2 kg, hiện sức khỏe còn yếu nên được chăm sóc đặc biệt.
Khi mẹ bé bỏ trốn, các y, bác sĩ trong khoa đã đặt tên cho cả 2 bé là Xuân Ngọc 1 và Xuân Ngọc 2 để dễ nhận biết. Còn ai xin nuôi 2 bé thì chờ khi khỏe hẳn, khoa Nhi sẽ làm thủ tục cho nhận con nuôi.
Sau khi các cơ quan ngôn luận thông tin việc sản phụ bỏ rơi 2 bé gái song sinh tại bệnh viện vì hoàn cảnh nghèo khó, đã có nhiều người tìm đến xin 2 bé về làm con nuôi. Tuy nhiên, một số người đã bị các bác sĩ tại bệnh viện thẳng thừng từ chối vì nghi là “cò” và không đủ khả năng nuôi dưỡng các bé nên người.
Sau đó, bé Xuân Ngọc 1 đã được vợ chồng anh B.V.L. (SN 1972) cùng vợ là chị N.T.T.T. (SN 1976) ở TP.HCM xin nhận về làm con nuôi và được UBND xã Tiến Thành cấp giấy khai sinh cho cháu bé.
Chị T. tâm sự, vợ chồng chị lấy nhau hơn 15 năm nhưng vẫn chưa có con. Hai người cũng đi Bệnh viện Từ Dũ khám chữa nhiều lần nhưng không thành công.
Khi đọc báo, thấy 2 bé tội nghiệp, chị cùng chồng quyết định tới bệnh viện xin bé Xuân Ngọc 1 làm con và đặt tên cho cháu là Ngân. Bé Xuân Ngọc 2 (nặng 1,2 kg) cũng đã được một cặp vợ chồng hiếm muộn con ở Đắk Lắk xin làm thủ tục nhận làm con nuôi.
Theo Dòng Đời