> Hiểm họa ma túy từ thuốc cảm cúm
> Trôi nổi thuốc chống tái nghiện
Mua bao nhiêu cũng có
Cách đây vài ngày, chúng tôi ghé vào nhà thuốc M.Th. ở 24 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh (gần bệnh viện Ung bướu) theo chỉ dẫn hỏi mua loại thuốc gây nghiện này.
Nam nhân viên nhà thuốc không hỏi đơn và chữ ký đăng ký kê toa thuốc của bác sĩ hay không mà nói luôn: “Cần bao nhiêu viên?”. “Cho 5 viên”- tôi trả lời thì được người này cho biết giá 120.000 đồng/5 viên.
Khoảng 5 phút sau, người này mang ra 5 viên morphine loại 30mg đựng trong vỉ, được ghi nơi sản xuất của công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 2 và dùng theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Không đưa cho khách cả vỉ thuốc 5 viên, nam nhân viên lấy từng viên ra khỏi vỉ thuốc và bỏ vào bao nilong cho khách. Tôi thắc mắc về việc này thì được trả lời nhất thiết anh ta phải lấy lại vỏ và không giải thích gì thêm.
Một người nhà bệnh nhân ung thư mua thuốc morphine tại nhà thuốc M.Th ở quận Bình Thạnh. Ảnh: L.N. |
Được một người quen giới thiệu, chúng tôi đến nhà thuốc A.T trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3 để hỏi mua miếng dán Pentanyl- một hoạt chất gây nghiện dùng trong điều trị giảm đau cho bệnh nhân ung thư. Nữ nhân viên nhà thuốc gọi điện hỏi chủ cửa hàng nói “có thuốc” và yêu cầu tôi ngồi chờ. “Miếng dán loại nhỏ giá 400.000 đồng, còn loại lớn 1,2 triệu đồng”- nhân viên này cho hay.
Loại miếng dán có tên Durogesic, có hoạt chất gây nghiện Pentanyl chỉ được chỉ định cho một vài bệnh viện dùng trong trường hợp đặc biệt như dán cho bệnh nhân ung thư, bệnh nhân chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, theo nhân viên nhà thuốc, nguồn hàng mà nhà thuốc có được là từ hàng xách tay.
Khi hỏi một “cò” thuốc tại khu chợ dược ở quận 10 về loại thuốc morphine hay miếng dán giảm đau chứa Pentanyl, “cò” này cho biết, nhiều cửa hàng vẫn bán nhưng lén lút.
Lỗ hổng?
Anh M. thân nhân một bệnh nhân ung thư đang điều trị ngoại trú tại BV Ung bướu TPHCM cho biết, để được cấp thuốc morphine và miếng dán có chất gây nghiện, trước hết bệnh nhân phải có hồ sơ bệnh án ở bệnh viện.
“Nếu bệnh nhân xin về nhà điều trị ngoại trú gia đình phải ký cam kết sử dụng morphine, sử dụng đúng liều của bác sĩ, không được bán ra ngoài và phải trả lại thuốc nếu còn dư sau khi bệnh nhân qua đời…”- anh M kể.
Theo một điều dưỡng của BV Ung bướu TPHCM, tất cả bệnh nhân điều trị giảm đau bằng thuốc này đều phải nộp vỏ thuốc morphine lại cho bệnh viện, bác sĩ mới kê toa cho sử dụng tiếp.
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 11-3, TS-BS Nguyễn Xuân Dũng- Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM cho biết, quy trình quản lý loại thuốc này rất nghiêm ngặt theo quy chuẩn của Bộ Y tế và Bộ Công an. “Mỗi năm bệnh viện luôn có 2 đợt được Bộ Y tế và Công an đến kiểm tra xem xét về việc tiếp nhận, cấp phát thuốc và sử dụng cho bệnh nhân có đúng quy trình không”- bác sĩ Dũng nói. Nói về thuốc bán gây nghiện ở các nhà thuốc trước cổng BV Ung bướu TPHCM, bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng cho biết có thể đó là thuốc giả hoặc từ các nguồn nào không rõ và khẳng định không thể có thuốc từ trong bệnh viện tuồn ra (?).
Theo quy định của Bộ Y tế về quản lý thuốc gây nghiện, đối với những loại thuốc gây nghiện này, mỗi bệnh viện tại TPHCM chỉ định một vài bác sĩ chuyên khoa được Sở Y tế cấp phép kê toa. PGS- TS Phạm Khánh Phong Lan- Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết để cấp phép, bác sĩ phải đăng ký tên tuổi và chữ ký ở Sở Y tế sau khi được giám đốc Bệnh viện nơi mình công tác xác nhận mới được kê toa cho bệnh nhân dùng thuốc này. Hiện chỉ duy nhất nhà thuốc của công ty dược Yteco TPHCM được bán loại thuốc này, còn các nhà thuốc tư nhân không được bán. Vì vậy, việc bán morphine cho người bệnh mà không có đơn của bác sĩ được đăng ký kê thuốc gây nghiện là vi phạm pháp luật. |