Hỗ trợ sinh con gái một bề - Phân biệt đối xử giữa các đứa trẻ?
> Mất 50 năm để thay đổi tư tưởng thích sinh con trai
> Xúc phạm người sinh con một bề sẽ bị phạt
Hiến pháp quy định: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, không phân biệt nam hay nữ”. Với việc hỗ trợ cho những trẻ em gái mà không hỗ trợ cho trẻ em trai thì đó là một sự bất bình đẳng.
Tơi đây, những gia đình sinh con gái một bề sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt và một số chính sách ưu đãi khác. Ảnh: Gia đình Thu Hà, Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Quý bà đẹp và Thành đạt Việt Nam |
Việc hỗ trợ sinh con gái một bề đang gây ra nhiều tranh cãi, dưới góc nhìn luật học, tôi xin gửi đến quý báo bài viết "Hỗ trợ sinh con gái một bề - Phân biệt đối xử giữa các đứa trẻ?" với mong muốn chia sẻ và sẵn sàng tranh luận với bạn đọc về hạn chế, bất cập của chính sách này.
Thứ nhất, đứa trẻ đã bị phân biệt đối xử ngay từ khi sinh ra. Hiến pháp quy định: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, không phân biệt nam hay nữ”. Với việc hỗ trợ cho những trẻ em gái mà không hỗ trợ cho trẻ em trai thì đó là một sự bất bình đẳng. Và điều này đôi khi dẫn tới sự kỳ thị theo 2 chiều, cả cho trẻ em gái và trẻ em trai.
Ngoài ra, có phải mục đích của việc hỗ trợ là khuyến khích bậc làm cha mẹ nạo phá thai khi biết đứa trẻ trong bụng là nam? Bởi theo cách nghĩ đó mới có thể giảm được tỉ lệ nam, chứ việc hình thành thai nhi nam hay nữ là việc ngoài ý muốn của bậc làm cha mẹ. Nếu quả thực như vậy, thì đó là điều tồi tệ nhất mà chính sách hỗ trợ mang lại.
Tại nhiều quốc gia, việc phá thai luôn bị hạn chế, giảm thiểu cũng như có thể bị truy tố hình sự (chỉ trong một số trường hợp mới được phép phá thai, chẳng hạn như thai nhi phải dưới 20 tuần, ảnh hưởng tới tính mạng người mẹ…).
Thứ hai, chính sách hỗ trợ thiếu tính thuyết phục về hiệu quả. Trước khi ban hành một chính sách, một trong những việc quan trọng nhất là nghiên cứu về tính hiệu quả về việc thực thi của chính sách trên thực tế.
Chẳng hạn như, phải có các con số cụ thể để chứng minh như việc chi 3.000 tỉ cho bao nhiêu đối tượng, thời gian bao lâu, tỉ lệ nam, nữ sẽ thay đổi từ số % cụ thể nào đến số % cụ thể nào? tại sao lại có sự thay đổi?... Trên thế giới, có những nước nào áp dụng? hiệu quả ra sao? (Trung Quốc áp dụng, có những hiệu quả tích cực nào?)… 3.000 tỉ đồng là con số cụ thể thì kết quả cũng phải là cụ thể, tránh tình trạng tổng kết một cách chung chung như nhìn chung đạt kết quả tốt, nhờ có hỗ trợ mà đa số người dân thay đổi nhận thức… (đa số là ai? bao nhiêu %? theo thống kê nào?)
Thứ ba, việc được hỗ trợ như là một sự may mắn (như trúng xổ số) mà không hướng đến các đối tượng cần hỗ trợ? Hỗ trợ kinh tế nên hướng tới những người nghèo, khó khăn, chứ không phải vì lý do khác. Theo tôi, số tiền đó nên hỗ trợ cho những người mẹ phải một mình nuôi con (có đơn cần trợ giúp), hay những gia đình nghèo có con ăn học. Hoặc hỗ trợ tiền viện phí sinh con cho những người không đủ khả năng trang trải thì có ý nghĩa thiết thực hơn.
Tóm lại, các chính sách hỗ trợ, phúc lợi xã hội được nhiều quốc gia luôn quan tâm. Tuy nhiên, việc hỗ trợ về mặt kinh tế nên hướng tới những người nghèo, khó khăn trong cuộc sống. Đối với chính sách hỗ trợ này, nên chuyển sang các đối tượng khác như những người mẹ nuôi con một mình, hay hỗ trợ cho những gia đình không đủ trang trải tiền viện phí, thuốc men… cho việc sinh đẻ.
Tỉ lệ nam cao hơn nữ một phần là do tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, “con gái là con người ta” vẫn còn trong văn hóa Việt. Do đó, nhiều người đã phá thai khi phát hiện thai nhi là gái, với mong muốn có con trai để “nối dõi tông đường”.
Vì vậy, việc ban hành các quy định để hạn chế phá thai, chẳng hạn như hình sự hóa việc phá thai, là một giải pháp thiết thực. Vừa đảm bảo vấn đề đạo đức, vừa giúp cân bằng giới tính, cũng như thông qua các quy định pháp luật mà người dân nâng cao ý thức, coi trọng giá trị “mạng sống” của các thai nhi và từ bỏ những quan niệm cổ hủ ra khỏi đời sống xã hội.
Hơn nữa, cần phải có các biện pháp để hạn chế việc phân biệt đối xử với phụ nữ, nhằm mang lại sự bình đẳng về cơ hội, nâng cao địa vị cho phái đẹp.
Chẳng hạn như, nhiều nơi tuyển dụng (ngay cả các cơ quan Nhà nước), đăng yêu cầu “chỉ tuyển nam”, “ưu tiên nam”, đối với những việc mà phụ nữ cũng có thể làm được. Lý do nhà tuyển dụng đưa ra là đối với phụ nữ, họ phải dành các chế độ như thai sản. Điều này đang vi phạm quyền làm mẹ của người phụ nữ?
Cũng chính một phần vì sự kỳ thị đó, phụ nữ có thu nhập thấp hơn so với đàn ông? Thêm nữa, chưa có cơ chế hiệu quả bảo vệ người phụ nữ trước các tệ nạn như buôn bán phụ nữ, trẻ em, mà nhiều phụ nữ phải sa vào các đường dây mại dâm, lấy chồng nước ngoài…?
Theo Trần Đức Tuấn
Dân Việt