Bí thư... Ipad
Tại nhiều địa phương nằm ở khu vực thành thị, hình ảnh ông Bí thư, Chủ tịch UBND xã lướt nét ào ào thật ra không có nhiều. Tuy nhiên, tại xã miền núi Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, cán bộ địa phương mà phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số đều giao dịch trên mạng internet để tiết kiệm giấy tờ, chỉnh sửa tiện lợi.
Đến giờ làm việc, ông Phạm Văn Bút, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã Ba Điền bật con Ipad ra làm việc. Nhìn ngón tay có nước da đen nâu của ông lãnh đạo xã miền núi người dân tộc H’re đang đặt trên bàn phím, tôi rất thán phục, bởi nhiều cán bộ xã miền núi cứ hết giờ làm việc lại nắm ống rượu cần, việc học vi tính khó hơn đuổi bắt con cút trên núi.
Không quá điêu luyện, nhưng so sánh hoàn cảnh sống, tuổi tác thì cỡ như ông đã khá lắm rồi. Nhìn ông Bút, tôi chợt nhớ tại một địa phương lân cận cũng trong huyện Ba Tơ, ông chủ tịch xã lóng ngóng gọi anh em sửa mỗi “l” thành chữ “n” trong văn bản đang đánh dở! Nói chuyện học vi tính, ông chủ tịch này lắc đầu: “Cái bàn phím này nó chi chít như cây rừng. Cái tay mình nó cứng như củ gừng. Miềng học thử rồi, nhưng mà sao vẫn không đánh được”.
Vậy là công việc đánh máy, sửa văn bản, toàn bộ đặt lên vai ông cán bộ văn phòng là người dân tộc Kinh tăng cường về bản. Thế mà đằng này, cái ông Phạm Văn Bút không những biết chat, mail mà còn xài một con Ipad hàng hiệu, sau lưng in biểu tượng quả táo cắn dở, vốn là hàng hot của giới trẻ chơi công nghệ.
Với ông Bút và đội ngũ cán bộ UBND xã Ba Điền, cái vi tính này nó tiện lợi như con mương dẫn nước từ suối Nuôi Bá Rá vào bản làng.
“Anh em đánh kế hoạch xong, nếu cần thì gửi email cho chủ tịch, phó chủ tịch. Xem văn bản có cái gì không đúng thì mình sửa, sửa xong rồi thì mới in ra. Một ngày tiết kiệm được 100 tờ giấy, 1 tháng tiết kiệm được cả 3.000 tờ. Phải tiết kiệm như Bác Hồ đã dạy”.
Phó chủ tịch e-mail
Cái cơ sự chat, e-mail này từng được UBND xã Ba Điền thực hiện nhưng không thành phong trào. Trước đó, xã nối mạng internet rồi cắt. Thực ra, do không nắm bắt được những tiện ích thực sự vào công việc của internet, mà chỉ sử dụng net vào việc đọc báo, xem phim, nhận tin nhắn.
Cứ tới tháng, địa phương phải chạy trả tiền, net trở thành thứ mau thèm chóng chán đối với anh em cán bộ miền núi, trong khi xã vốn không có nguồn thu.
Tưởng rằng thế là “hết đời con net”, thì đùng một cái, năm 2012, anh chàng 28 tuổi Nguyễn Anh Khoa, quê ở miền xuôi Quảng Ngãi được tăng cường lên xã Ba Điền theo đề án 600 để đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch xã.
Lý lịch của anh Khoa được trích ngang: Năm 2004 nhập ngũ, công tác tại tiểu đoàn vệ binh 8, Bộ Tham mưu Quân khu 5. Xuất ngũ thi vào Đại học Sư phạm Quy Nhơn, tham gia thi tuyển đề án 600 phó Chủ tịch xã... Là thế hệ trẻ, đầy chất sinh viên, Khoa hiểu rõ sức mạnh của internet nếu được vận dụng đúng trong việc điều hành và quản lý công việc tại địa phương.
Chính vì vậy, “nỗi kinh hoàng lớn nhất” của anh cán bộ Khoa, đó là “cái xã mà mình công tác chả có một chút internet nào”. Từ Ba Điền ra thị trấn, phải vượt qua con đường ổ gà, chỉ 15 km nhưng đi mất 70 phút, còn nếu về xuôi thì cộng thêm 90 phút nữa. Vậy là cán bộ Khoa hối hả đề nghị cho internet trở lại để phục vụ cho công việc của UBND xã.
Để chứng minh sự tiện lợi, anh chàng phó chủ tịch xã mới toanh này lập ra ngay địa chỉ thư điện tử cho cơ quan là ubndxabadien@... Còn mỗi cán bộ xã đều có một “con email” với cái tên rất hay và mật khẩu thì dễ nhớ và gần gũi. “Anh em cán bộ trong cơ quan soạn thảo văn bản xong cứ gửi vào cái hộp thư này, có gì mình sẽ chỉnh sửa” - cán bộ Khoa đề nghị.
Những ngày đầu lên làm phó chủ tịch, công việc của Khoa là chú trọng “huấn luyện” việc chat, mail để anh em trong cơ quan trở thành nếp quen. Và Khoa cũng phải gồng mình “gánh hậu quả do mình bày ra”, đó là kiêm luôn công việc của “ông văn phòng UBND xã”. Bởi suốt ngày lo hướng dẫn anh em sửa văn bản theo đúng quy định và có đổi mới.
Cán bộ xã miền núi giờ lương cũng kha khá. Vậy nên việc mua con laptop, cao hơn nữa là chiếc Ipad cũng không khó khăn lắm. Vả lại nhiều cán bộ xã có tâm lý, đồng chí mình laptop thì mình cũng phải có cái đeo trên vai.
Mua laptop loại gì, tốt xấu, công dụng ra sao... đã có “ông Phó Chủ tịch đề án 600” tư vấn. Vậy là cán bộ xã thi nhau sắm laptop, chỉ vài tháng, cả ủy ban xã đã có hơn chục con laptop trang bị cá nhân.
Thật đáng nể, bởi tại nhiều xã ở miền xuôi, cán bộ xã lủng lẳng laptop trên vai đến công sở là không có nhiều. Một số người cho rằng, làm việc nhà nước, chờ nhà nước sắm, việc gì phải bỏ tiền túi!
Láp - chốp hơn cần rượu !
Anh Phạm Văn Duôn, cán bộ phụ trách văn hóa xã Ba Điền dẫn tôi vào bản. Con đường ngoằn ngoèo băng qua con suối, sau cơn mưa, nước réo ầm ầm. Là người miền núi, quen với những con đường gập ghềnh, nhưng từng bước đi của anh đều thận trọng. Bởi trên vai anh Duôn lủng lẳng con laptop còn mới tinh. Gặp những người trong bản, ai cũng nhìn chiếc laptop mà anh Duôn đeo trên vai.
Cán bộ xã đeo laptop trên vai đã trở thành hình ảnh quen ở vùng cao Ba Điền. “Nếu chiếc gùi chỉ đựng được vài chục bó rau rừng, mấy chục quả bí thì chiếc laptop này đựng được hàng ngàn, hàng triệu thứ. Thằng con trai của miềng thích láp-chốp hơn cái cần rượu rồi” - một người dân địa phương vừa gãi đầu vừa cười nói. Đối với đồng bào, nói tiếng Kinh hơi khó, đằng này lại phát âm tiếng Anh nên chữ laptop thành láp - chốp!
Đến công sở, mọi người hay quen mắt với hình ảnh nhân viên cầm báo cáo nộp cho thủ trưởng. Thủ trưởng đeo kính cận rút bút xanh ra gạch đít, rút bút đỏ ra tẩy xóa, thêm bớt vài dòng. Báo cáo được mang về chỉnh sửa, rồi lại in, rồi lại gạch đít nếu nộp cho cấp trên nữa.
Nhưng, tại xã vùng cao Ba Điền, nhờ cán bộ xã ứng dụng internet, hình ảnh thủ trưởng ngồi khom lưng để tẩy tẩy, sửa sửa, xóa xóa không còn trông thấy.