Đinh tặc tái xuất Sài Gòn

Đinh tặc tái xuất Sài Gòn
Những ngày qua, nhiều bạn đọc liên tục phản ảnh nạn “đinh tặc” tái diễn trên quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội (TP.HCM) và một số tuyến đường lớn khác ở khu vực lân cận.

Đinh tặc tái xuất Sài Gòn

> Ngày... hút đinh
> 'Đinh tặc' chuyển sang tấn công xe ô tô

Những ngày qua, nhiều bạn đọc liên tục phản ảnh nạn “đinh tặc” tái diễn trên quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội (TP.HCM) và một số tuyến đường lớn khác ở khu vực lân cận.

Hai cha con phải đẩy xe do bị dính đinh trên xa lộ Hà Nội, đoạn gần Suối Tiên, TP.HCM (ảnh chụp chiều 18-2). Ảnh: H.T.V
Hai cha con phải đẩy xe do bị dính đinh trên xa lộ Hà Nội, đoạn gần Suối Tiên, TP.HCM (ảnh chụp chiều 18-2). Ảnh: H.T.V.

Khoảng 14h30 ngày 18-2, dưới chân cầu Đồng Nai, anh Đoàn Kim Khánh (20 tuổi, quê Bình Thuận) hí hoáy nhổ một chiếc đinh hình thoi ghim chặt vỏ sau. Chiếc đinh dài khoảng 2cm, hai đầu được cắt nhọn và bẻ cong. Anh Khánh kể anh chạy xe trên quốc lộ 1 đoạn từ ngã ba Tân Vạn đến cầu Đồng Nai (chỉ khoảng 1km) thì bị dính đinh. “Cũng trên đoạn đường này cách đây ba ngày, tôi đã bị dính đinh hình thoi và phải thay ruột xe mới với giá 65.000 đồng” - một người bạn đi cùng anh Khánh cho biết.

Rải đinh tràn lan

Nhiều người phản ảnh nạn “đinh tặc”

Anh Phan Anh Việt, đội trưởng Đội thanh niên xung kích chống “đinh tặc” Q.Thủ Đức, cho biết thời gian qua đội nhận được rất nhiều phản ảnh của người dân về nạn rải đinh nhưng do không thuộc địa bàn quản lý nên đội đã báo lại cho các đơn vị liên quan biết để có hướng xử lý. Theo thông tin đội tiếp nhận, một số tuyến đường thường xuất hiện “đinh tặc” như xa lộ Hà Nội (đoạn thuộc địa bàn Q.2), đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), quốc lộ 1 (đoạn qua Q.12).

Khoảng 19h ngày 18-2, dọc tuyến quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Đồng Nai đến trạm thu phí xa lộ Hà Nội (Q.9) có không ít người dân hì hục dắt xe máy tìm chỗ vá xe. Anh Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ Q.Bình Thạnh) kể anh đang chạy xe đến gần trạm thu phí xa lộ Hà Nội thì xe bị rung lắc, tay lái loạng choạng. Dừng xe để kiểm

tra, anh phát hiện một chiếc đinh hình thoi găm thẳng vào ruột xe. Sau khi dùng kìm lôi chiếc đinh ra, anh đẩy xe được vài chục mét thì có người đàn ông chạy xe trờ tới nhận vá xe. Vá xong, ông ta hét giá 35.000 đồng...

Khoảng vài chục phút sau, tại quốc lộ 1 đoạn gần chân cầu Đồng Nai, chị Nguyễn Thị Lệ (chạy xe máy từ Biên Hòa đến TP.HCM) cũng mướt mồ hôi đẩy chiếc xe máy tìm chỗ vá bánh sau xẹp lép do ruột xe bị dính đinh hình thoi dài gần 2cm. Đẩy xe được vài chục mét, chị Lệ tấp xe vào một tiệm sửa xe bên đường. Chủ tiệm cho biết ruột xe đã bị đinh cắt rách nát nên phải thay ruột mới với giá 70.000 đồng. Chị Lệ cho biết cách đây khoảng hai tuần, chị cũng bị dính đinh trên quốc lộ 51 và phải thay ruột xe với giá 65.000 đồng. “Chỉ trong vòng hai tuần tôi phải thay ruột xe tới hai lần thì tiền đâu chịu cho thấu” - chị Lệ bức xúc.

Trước đó tối 17-2, chị Thúy (quê Long An) chạy xe máy trên xa lộ Hà Nội hướng vào TP.HCM thì bị dính đinh hình thoi đoạn gần trạm thu phí xa lộ Hà Nội (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức). Dắt xe vào một tiệm sửa xe ven đường, chị Thúy thấy khoảng năm nạn nhân khác cũng bị dính đinh đang chờ vá, thay ruột xe. Mỗi lỗ vá chủ tiệm “chặt” đến 30.000 đồng...

Ngoài ra, thời gian qua đường dây nóng của báo Tuổi Trẻ cũng đã nhận được phản ảnh của nhiều người dân về nạn “đinh tặc” ở đường Mai Chí Thọ (Q.2), quốc lộ 1 (đoạn trước Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân), đường Nguyễn Văn Linh (đoạn qua huyện Bình Chánh)...

Địa phương kêu khó xử lý

Ông Trần Tấn Minh, chủ tịch UBND P.Linh Trung (Q.Thủ Đức), cho biết trước tết vừa qua phường đã yêu cầu các chủ tiệm sửa xe không rải đinh xuống đường, không sửa xe theo kiểu “chặt chém” khách. Theo ông Minh, phường đã cử cảnh sát khu vực thường xuyên kiểm tra các tiệm sửa xe và tuần tra trên các tuyến đường “nóng” về đinh tặc trước đây nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào vi phạm. “Có thể những kẻ rải đinh là những người vá xe dạo nên phường rất khó trong việc kiểm tra, xử lý” - ông Minh nói.

Ông Nguyễn Đình Hiếu, phó chủ tịch UBND P.Trường Thọ, nói dịp trước và sau Tết Nguyên đán, phường tổ chức các lực lượng dùng máy đi hút đinh để đảm bảo an toàn cho người đi đường. Tuy nhiên, phường chưa phát hiện những vụ rải đinh cụ thể.

Để hạn chế nạn rải đinh và các tiệm sửa xe “chặt chém” khách, phường đã kiểm tra các tiệm sửa xe dọc xa lộ Hà Nội. Theo đó, tiệm sửa xe không có giấy phép sẽ không được hành nghề trên địa bàn, còn những tiệm có giấy phép phải làm cam kết không rải đinh, không “chặt chém” khách. Nhưng ông Hiếu cũng thừa nhận rất khó quản lý những người vá xe lưu động vì họ luân chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác. “Phường sẽ tăng cường kiểm tra và rà soát lại thông tin mà người dân phản ảnh nạn đinh tặc bùng phát trở lại” - ông Hiếu hứa.

Trong khi đó, ông Lưu Trọng Nghĩa - chủ tịch UBND P.Bình Thọ - khẳng định dọc tuyến xa lộ Hà Nội đoạn đi qua địa bàn phường chỉ có một tiệm sửa xe nằm trên đường Nguyễn Văn Bá (đường song hành xa lộ Hà Nội). Trước tết, phường đã yêu cầu chủ tiệm làm cam kết không rải đinh, bên cạnh đó phường cũng đã huy động lực lượng kiểm tra thường xuyên trên xa lộ Hà Nội nhưng chưa phát hiện trường hợp nào rải đinh trên đường cũng như chưa nhận được phản ảnh nào của người dân về việc bị dính đinh.

Bà Võ Minh Thanh Tùng, chủ tịch UBND P.Thủ Thiêm (Q.2), cho biết thời gian qua địa phương vẫn bố trí lực lượng dân phòng túc trực thường xuyên trên đường Mai Chí Thọ đoạn trước cửa hầm chui sông Sài Gòn để đảm bảo an ninh trật tự; quận đoàn cũng đã lập chốt vá xe để giúp những người dân lỡ bị dính đinh. Thời gian qua, công an địa phương đã lập biên bản một số trường hợp vá xe lưu động trên tuyến đường này. Từ thông tin “đinh tặc” thường là những người vá xe lưu động, bà Tùng cho biết sẽ kiểm tra gắt gao hơn nữa đối với những đối tượng vá xe lưu động trên địa bàn.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.