Nhặt sạn Giấy phép lái xe mới
> Tay 6 ngón bị từ chối thi bằng lái xe
> Bắt lỗi Bằng lái xe song ngữ của Bộ GTVT
Mẫu Giấy phép lái xe mới có phần tiếng Anh là "Driver’s license" rất khó hiểu, sao không ghi đơn giản là "Driving license", độc giả Nguyễn Thanh Tuân thắc mắc.
Giấy phép lái xe mới. |
Trong không khí náo nức của mùa xuân đang về, mình vừa làm xong thủ tục đổi giấy phép lái xe cho giấy cũ (hạng B1) sắp hết hạn và nhận giấy mới. Cầm tấm thẻ nhựa cứng cáp, đang sướng vì kích thước nó vừa với cái túi ở trên ngực áo, màu sắc đẹp, lại có cả song ngữ Anh- Việt (nghe bảo là từ tháng 7/2013 giấy phép này sẽ sử dụng được cả ở nước ngoài). Bỗng giật mình, toát mồ hôi lạnh khi xem kỹ nội dung tấm bằng lái này. Đọc nhuyễn, mình nhặt ra được một số hạt sạn về ngôn ngữ sử dụng trong tấm giấy phép như sau:
1. Ở mặt trước: Tên gọi tiếng Việt của bằng lái là "Giấy phép lái xe", phần tiếng Anh ghi "Driver’s license"? Hình như theo ngữ pháp tiếng Anh thì đó là sở hữu cách, tương đương với tiếng Việt là "Giấy phép 'của' người lái xe".
Người bạn Việt kiều (rành cả hai thứ tiếng) thắc mắc sao không ghi tiếng Anh là "Driving license" cho...vuông? Bạn còn góp ý: "Các ông mà lái ở nước ngoài, khi trình không khéo cảnh sát công lộ Tây không tin là bằng thiệt, vì chẳng lẽ một tấm bằng lái song ngữ, do một quốc gia phát hành, sử dụng được cả ở môi trường quốc tế, mà lại dùng cái kiểu tiếng Anh… chẳng Anh tý nào như vậy".
Ở phần tiếng Anh dịch nghĩa cho "Ngày sinh" cùng vậy: "Date of Birth" thay vì là "Day of Birth".
2. Ở mặt sau: Có ghi câu chữ màu đỏ "Các loại xe cơ giới đường bộ được điều khiển". Phần tiếng Việt này có giọng văn lạ quá, sao không ghi như ở tấm Giấy phép lái xe thế hệ cũ: "Loại xe được điều khiển"? Nếu ghi như bằng cũ cho thêm một từ “phép”, thành ra là "Các loại xe được Phép điều khiển" thì có phải là hơn không?
Ở phần tiếng Anh tương ứng ghi là "Classification of Motor Vehicles", ông bạn bảo nếu viết thế cảnh sát công lộ Tây hiểu là "bằng lái" này chỉ ghi "Sự phân loại xe có động cơ", chứ đâu có liệt kê các loại xe mà người giữ tấm bằng được phép lái (lưu thông trên đường)?
Ở mặt sau cũng còn một vài hạt sạn, trước hết là ngôn ngữ Việt: "Ngày trúng tuyển". Chắc người thiết kế muốn đề cập đến cuộc thi trước đó, mà người được cấp bằng đã tham dự và "đậu" đó mà ! Thế nhưng, để được cấp Bằng lái xe, công dân Việt đủ điều kiện dự thi sẽ không tham gia thi tuyển (người đủ điều kiện được cấp bằng) như thi đại học, thi tuyển công chức, hay thi tuyển xin việc làm. Vì cuộc thi để được cấp bằng lái không có chỉ tiêu, chẳng ai phải cạnh tranh điểm cao (hay lý lịch tốt) hơn với ai. Họ chỉ phải dự thi sát hạch để xin cấp bằng lái xe.
Mặt sau của bằng lái mới. |
Đấy, thế có phải là là dân ta lại dùng sai ngay cả ngôn ngữ ta rồi không nào? Ở phần tiếng Anh tương ứng cho "Ngày trúng tuyển” lại ghi "Beginning date – (Chắc ý muốn nói "Ngày bắt đầu", trong khi các từ "thi tuyển" và "bắt đầu" thì lại không đồng nghĩa). Ông bạn mình bảo "Bác của Tây" cũng không thể hiểu đó là "bắt đầu" (của) cái gì ?
Thế này thì chết thật ! Anh chị em nay mai nếu có cầm bằng này sang Campuchia, Anh, hay Đức...thuê xe tự lái, hãy coi chừng ! Có ngày phải qua đêm ở đồn công an mất thôi (vì lái xe không có bằng hợp pháp). Thế nào họ cũng bảo mình "Bằng này chú tự làm phải không? Tôi không tin. Làm gì có chuyện một cái bằng có ngôn ngữ kỳ quặc thế?".
Nếu ai đó nhận ra sự bất hợp lý và trong thời gian chờ sửa, cái bằng mới này chắc là chỉ sử dụng được ở ta và các vị phụ huynh nào có tham vọng cho con em học tiếng Anh chớ có để bọn nhỏ tập đọc hiểu tiếng Anh ghi ở đó nhé.
Theo Nguyễn Thanh Tuân
Vnexpress