> HĐND với nghị quyết giúp voi sinh sản
> Lên đại ngàn Tây Nguyên tìm 'quái vật bí hiểm nhất Đông Nam Á'
Không đẻ, lỗi đâu ở nàng voi
Trên thế giới hiện chỉ có một họ voi (Elephantidae) với 2 giống Loxodonta ở châu Phi, Elaphas châu Á, với số lượng sụt giảm ngày càng nghiêm trọng. Voi là loài động vật bậc cao, thông minh và giàu tình cảm. Ở Việt Nam, đàn voi nhà đang đứng trước nguy cơ diệt vong. Tại Đắk Lắk, đàn voi nhà chỉ còn có 51 con, gồm 20 đực, 31 cái. Trong đó, 6 con trên 50 tuổi không còn khả năng sinh sản, số còn lại tuổi đời cũng đã từ 17 đến 50.
Vì sao hơn 15 năm nay voi không đẻ? Có nhiều nguyên nhân, trong đó lý do cơ bản nhất được nhiều chủ voi xác nhận: “Voi không đẻ được vì bận làm du lịch, không còn sức để “yêu”.
Voi nhà Đắk Lắk tập trung ở hai khu du lịch lớn là huyện Buôn Đôn và huyện Lắk. Tại đó, voi sống tách rời, mỗi gia đình hay công ty chỉ nuôi từ một đến vài con nên hiếm khi voi được gần gũi “làm quen” để giao phối.
Ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm HTX Du lịch buôn Jun, huyện Lắk, cho biết: “Trung bình, mỗi ngày voi làm việc 6 tiếng và chở khách từ 3 đến 5 tour, xong việc mới được cho đi nghỉ ăn uống lấy sức, ngày mai tiếp tục làm việc”.
Đến các khu du lịch, nhiều người tinh ý không khỏi nao lòng. Từ sáng sớm, các chú voi được xiềng xích đợi đến giờ “đi khách”, phần thưởng sau mỗi chuyến lội suối, băng rừng là một vài cây mía hay khúc chuối rừng. Đa số voi ở các khu du lịch không còn cặp ngà oai vệ nữa.
Ngay cả chỏm đuôi để xua ruồi, muỗi cũng bị nhổ cho trọc lóc. Bởi người ta mê tín rằng, ngà hay lông đuôi voi khi đeo lên người sẽ đem lại may mắn, hạnh phúc...
Trò chuyện về việc cho voi sinh sản, nài voi Y Sang H’mók (50 tuổi, ở buôn Jun) tặc lưỡi: “Hồi tháng 8, con voi Na Túk của tôi có dấu hiệu động dục, cái lỗ gần tai chảy nước. Ban ngày, nó dùng bụng chà sệt dưới bùn, tính tình trở nên ương bướng.
Biết nó “muốn”, nhưng tôi không giúp nó được đành phải xích lại để bớt nguy hiểm. Các chủ voi đực thì không muốn thả chung với voi cái vì sợ nó làm voi cái bị thương, phải đền. Thậm chí người ta còn truyền tụng “Lúc voi đang giao phối mà người nào nhìn thấy thì voi sẽ tìm giết người đó”, nên chủ voi nào cũng ngại chuyện cho voi “yêu”.
Vì vậy, hơn chục năm nay, các nàng voi vẫn cô đơn, dẫu muốn làm mẹ cũng không được, bởi không có cách nào được gần gũi bạn tình ưng ý.
“Làm mối” cho voi
Đã lâu, đàn voi nhà không đẻ khiến không chỉ chủ voi lo lắng mà cả Tây Nguyên phải trăn trở, sốt ruột trước nguy cơ voi tuyệt chủng.
Sau bao nhiêu năm thúc trên giục dưới, các nhà chức trách mới thông qua các đề án và thành lập Trung tâm Bảo tồn voi (TTV). Để đàn voi có không gian thuận tiện cho việc yêu đương, các chủ voi và TTV phải đứng ra làm “bà mối” tác hợp cho voi bởi các nàng voi rất kén chọn bạn tình.
Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc TTV, cho biết: “Khi đến kỳ động dục thì voi được tập trung chăn thả tại hai khu quy hoạch 200ha ở huyện Buôn Đôn và 150ha ở huyện Lắk.
Trong quá trình sống gần nhau voi sẽ tự làm quen, “yêu” nhau và tự tìm không gian thích hợp để giao phối. Nếu voi sinh sản bằng cách tự nhiên không thành công thì sẽ phải tính đến giải pháp thụ tinh nhân tạo”.
Theo đề án, chủ voi cái sinh sản sẽ được hỗ trợ hơn 400 triệu đồng, nài voi 17 triệu đồng. Các chi phí về khám bệnh, đi lại thì chủ voi được Nhà nước hỗ trợ 100%.
Ông Y Thư Byã (xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn) phấn khởi: “Trước đây, thả voi trong rừng để chúng tìm hiểu nhau thôi, nay được Nhà nước hỗ trợ vừa được tiền lại được voi con, chúng tôi mừng lắm”.
Nài voi Y Sang bảo: Để voi đực, voi cái thích nhau rất khó. Trước đây, cánh đồng buôn Triết rộng mênh mông mấy nghìn hécta bỏ hoang, thả voi vào đó cả mấy tháng trời mới có cặp voi “bắt đèn”. Khi động dục, voi rất dữ, ngay cả nài voi cũng phải sợ, không khéo thì nó quật chết.
“Năm 2008, con voi Bắk Vát của tôi đã quật chết một hướng dẫn viên cầm camera lại gần khi nó đang thời kỳ động dục. Giờ không ai dám thả chung, con đực muốn giao phối mà con cái không cho thì nó húc con cái bị thương ngay”.
Thiệt hại thì chủ voi đực phải bồi thường, nặng thì đền cả voi. Mà không cho voi giao phối thì phải xích lại, giam đói 2-3 ngày cho kiệt sức, không thì nó dữ lắm.
Chia sẻ nỗi trăn trở đàn voi nhà khó đẻ, PGS.TS Bảo Huy, Chủ nhiệm đề án Bảo tồn voi, thổ lộ: Dự án bảo tồn voi ở Sri Lanka là một bài học thực tiễn quý giá đối với chúng ta. Họ bắt đầu dự án từ 5 con voi thôi, nhưng sau mấy chục năm đã gầy dựng đàn voi lên đến 80 con.
Xây mộ cho voi
Năm 2010, trong một đêm mưa cuối mùa, tiếng kêu cứu thảm thiết giữa rừng của chú voi Pắk Kú không đến được tai người chăn voi. Bọn săn ngà voi đã nhẫn tâm chém 217 nhát rìu, dùng lốp xe thiêu đốt từng mảng thịt Pắk Kú.
Quá đau đớn, Pắk Kú đã giật đứt xích chạy trốn vào rừng và một thời gian sau thì qua đời vì kiệt sức. Thương voi, chủ nhân của nó đã xây mộ để ngày ngày thắp hương tưởng nhớ.
Bà Lê Thị Thanh Hà – GĐ Cty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn bỏ ra 230 triệu để xây mộ cho voi Pắk Kú và nàng voi H’Panh nhằm tưởng nhớ con hai con vật cưng. Đây cũng là điểm đến gây tò mò trong tour du lịch sinh thái ở Bản Đôn.