“Vương quốc rắn” của đệ nhất phương Nam

“Vương quốc rắn” của đệ nhất phương Nam
TP - Đại tá Trần Văn Dược (Tư Dược) là “đệ nhất phương Nam” chuyên chữa cho người bị rắn độc cắn đồng thời sáng lập Trại nuôi rắn Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang). Sau khi thầy rắn mất, những thầy thuốc quân y kế tục sự nghiệp của ông, nuôi các loài rắn độc để nghiên cứu, sản xuất huyết thanh, giành lấy sinh mạng con người từ tay tử thần.

> Đam mê - thất bại của phim luận đề
> Rắn 2 đầu không đuôi kì dị

Người dân vùng Đồng Tháp Mười đến giờ vẫn còn kể nhau nghe về tài nghệ chữa rắn độc cắn của thầy rắn Tư Dược. Họ kể li kỳ về cái chết của ông, rằng ông Dược (sinh năm Kỷ Tị 1929, mất năm Kỷ Tị 1989) chết lúc tập thể dục buổi sáng, giữa lúc tập huấn cho bộ đội chữa trị rắn cắn.

Vì trước đó ông bắt một con rắn hổ chúa trong vùng Đồng Tháp Mười nên con rắn còn lại theo đến tận trại rắn Đồng Tâm để “trả thù”. Rồi cũng có chuyện kể, hồi kháng chiến ở vùng sâu, có một cô gái rất xinh đẹp chừng 16 tuổi bị rắn độc cắn chết tại góc vườn.

Sau khi bắt mạch, xem vết thương của cô gái (được người nhà khiêng đến trước cửa), thầy lang phán một câu xanh rờn: “Mang về lo chôn cất đi, bị rắn hổ chúa cắn, không cứu được”. Trong lúc gia đình cô gái đang khóc lóc thảm thiết, chuẩn bị đem chôn thì y sĩ quân y Tư Dược đi ngang qua, dừng lại thăm hỏi.

Nghe xong chuyện, anh xin gia đình khoan hãy chôn, để anh chạy về đơn vị tìm lá rừng và thuốc cầm máu. Anh biết cô gái chỉ chết lâm sàng, loại độc của rắn không quá kịch độc. Quả nhiên, chưa đầy nửa giờ sau, sau khi Tư Dược giã thuốc rừng cho uống, cô gái đã được cứu sống.

Sau này, cô gái trẻ đẹp nhất mực đòi lấy anh quân y Tư Dược làm chồng, nhưng anh cương quyết từ chối vì đã có vợ con trước ngày đi tập kết, khi quay về công tác chiến đấu trong vùng Đồng Tháp Mười vẫn chưa liên lạc vợ con.

Anh Trần Thiện Tín, con trai trưởng của Đại tá Trần Văn Dược, cán bộ Thanh tra Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang, cho biết, trước đây, anh có nghe bạn bè của cha mình kể sơ sơ về chuyện đó, nhưng khi hỏi thì ba chỉ cười nói: “Người ta bịa ra đó mà. Cứu người bị rắn cắn thì có thật, biết bao nhiêu người làm sao nhớ”.

Sau này, khi trại nuôi rắn và nghiên cứu dược liệu Đồng Tâm được thành lập, người dân trong vùng khi bị rắn độc cắn, chỉ cần đưa đến Đồng Tâm gặp thầy Tư Dược thì coi như cầm chắc được cứu sống. Cả khi ông mất, 100% các ca bị rắn độc cắn trước 12 giờ hoặc muộn nhất 48 giờ nếu kịp đến Đồng Tâm, các y bác sĩ quân y đều cứu được.

Binh nghiệp

Năm 1954, Trần Văn Dược cùng đồng đội lên đường tập kết ra Bắc. Vợ ông, bà Phạm Thị Tranh (sinh năm 1932), khóc tiễn chồng đi. Lúc đó, bà đang mang thai anh Tín.

Ra đến Hải Phòng không lâu, ông được tổ chức phân công vượt đường Trường Sơn về Nam chiến đấu. Ông được phân công về công tác tại Huyện ủy Cái Bè. Theo anh Tín, nghề chữa rắn cắn có từ thời ông nội của anh từ miền Trung vào lập nghiệp mang theo sau đó truyền lại cha anh.

Anh kể, mẹ sinh sớm 2 tháng, cứ tưởng phải bỏ vì nhỏ quá. Nhờ ăn cháo cóc của mấy anh bộ đội mà anh lớn lên từng ngày. Khi vào bộ đội chiến đấu, hễ gặp ai từ Bắc vào, anh đều hỏi thăm về người cha có biệt tài bắt rắn, trị rắn cắn… nhưng không ai biết.

Cho đến ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, bất ngờ có anh bộ đội khoác ba lô, mang súng AK hăm hở sải bước tìm về căn nhà cũ ngày xưa anh sinh ra và lớn lên.

Sau đúng 21 năm biền biệt, những tưởng bao nhiêu niềm vui, sung sướng sẽ vỡ òa… Ai ngờ, đúng vào lúc này, người cha già mòn mỏi chờ tin Tư Dược đang hấp hối trên giường. Cha con chỉ kịp nhận ra nhau, rồi cha Tư Dược trút hơi thở sau cùng.

Lúc về Mỹ Tho tiếp quản, ông Tư Dược hỏi thăm biết con trai Trần Thiện Tín là chiến sĩ trinh sát thuộc Quân khu 8, đang truy kích tàn binh địch ở Vĩnh Long.

Cứu người

Trại rắn Đồng Tâm ngày nay trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của Tiền Giang. Với diện tích 12 ha, trại rắn có bảo tàng rắn với hơn 40 tiêu bản được xác lập kỷ lục Việt Nam, cùng hệ thống ao chuồng rộng lớn nuôi các loại rắn dùng để nghiên cứu và lấy huyết thanh.

Đại tá Trần Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Đồng Tâm, cho biết: Mỗi năm, Trại rắn Đồng Tâm tiếp nhận điều trị khoảng 1.000 trường hợp bị rắn độc cắn. Tỷ lệ thành công lên tới 100%”.

Mỗi năm có hơn 130.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.

Ít ai còn nhớ, vào ngày 27-5-1977 giữa lúc vành đai chi khu Bình Đức còn ngổn ngang bom mìn và dây thép gai, có một chiếc xe jeep của quân đội, chở 5 người đàn ông và 3 con rắn hổ chạy thẳng vào trung tâm Đồng Tâm rồi dừng lại, dựng chòi, tháo gỡ bom mìn và đóng lồng nuôi rắn.

Đội trưởng Đội nuôi rắn (thuộc Cục quân y Quân khu 9) là Trần Văn Dược, đội phó là ông Lý Văn Kiên - cha vợ anh Trần Thiện Tín. Sau khi sui gia Tư Dược qua đời, ông Kiên lên làm Giám đốc Trung tâm, sau đổi tên thành Xí nghiệp 408, đến năm 1988, nâng cấp thành Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu.

Năm 2005, Trung tâm được Bộ Quốc phòng đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng Khoa cấp cứu rắn độc, nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ nghiên cứu và điều trị nội trú cho bệnh nhân trong vùng bị rắn độc cắn. Dự án phát triển Trung tâm nuôi rắn lấy dược liệu chữa trị rắn cắn là đề tài khoa học mà Đại tá Trần Văn Dược ấp ủ lúc sinh thời.

Mỹ Tho, Xuân Quý Tỵ 2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG