Để lọt tham nhũng không thể vô can

Đầu tư trên 100 tỷ đồng nhưng mặt cầu Thăng Long vừa sửa xong đã hỏng (ảnh minh họa) Ảnh: Trọng Đảng
Đầu tư trên 100 tỷ đồng nhưng mặt cầu Thăng Long vừa sửa xong đã hỏng (ảnh minh họa) Ảnh: Trọng Đảng
TP - Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật, tội phạm; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng (sáng 23-1), một số ĐBQH đề nghị cần xử lý trách nhiệm khi để lọt tham nhũng.

> Cần làm rõ quyền về đất đai
> Xử nghiêm những vụ án nghiêm trọng

Theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, đến tháng 3-2013, các nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập, về trách nhiệm giải trình của cán bộ công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và việc thực hiện quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động sẽ được trình Chính phủ.

Và ngay trong tháng hai năm nay, nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN sẽ được trình Chính phủ xem xét. Theo Thanh tra Chính phủ, dự thảo một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PCTN đã hoàn thành, sẽ trình Chính phủ trong quý 1-2013.

Về sự thay đổi về mô hình tổ chức Ban chỉ đạo PCTN, ông Thanh cho biết, hiện tại Thanh tra Chính phủ chưa nhận thấy vướng mắc gì trong công tác phối hợp, xử lý hành vi tham nhũng.

Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư Phạm Anh Tuấn cho biết từ ngày 1-2 tới, Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN sẽ chính thức hoạt động. Tuy nhiên, quy định về hoạt động của cơ quan thường trực sẽ chậm hơn một chút.

Trách nhiệm khi để lọt tham nhũng

ĐBQH cho rằng, tham nhũng còn bị lọt dù lực lượng thanh tra, PCTN thường xuyên kiểm tra, vào cuộc. Trong khi đó, Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện cho rằng, có những lĩnh vực không phát hiện được bao nhiêu.

Nhắc lại bài học Vinashin, Vinalines, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán vào kiểm tra nhưng không phát hiện gì, Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Đình Quyền kiến nghị cơ chế xử lý trách nhiệm của những đơn vị này. “Đề nghị ngành Thanh tra phải có chỉ thị toàn ngành, nâng cao trách nhiệm cán bộ hơn nữa” - Ông Quyền nói.

Để chống tham nhũng hiệu quả, theo ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cần hết sức tránh bệnh thành tích, chạy theo chỉ tiêu trong xét xử tham nhũng. Một số ý kiến cho rằng, muốn thực hiện phải có giải pháp cụ thể như tăng cường chất lượng phiên xử; đảm bảo vai trò của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng…

Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong khẳng định, ngành sẽ xử lý nghiêm minh trách nhiệm cấp dưới nếu làm sai. Tới đây, VKSNDTC sẽ ra văn bản hướng dẫn việc đình chỉ án, trong đó có án tham nhũng, việc miễn trách nhiệm hình sự với căn cứ hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa, nhằm chống bỏ lọt
tội phạm.

Trộm cướp lộng hành - xem xét trách nhiệm của Công an

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, NQ 37 là NQ đầu tiên của QH về lĩnh vực tư pháp, thể hiện quyết tâm rất lớn của QH. Tuy nhiên, bà Nga tỏ ra lo ngại tình hình gia tăng tội phạm cướp, giết người đang xảy ra từ sau kỳ họp thứ 4 đến giờ. QH quan ngại về tình hình cướp giật, giết người gia tăng tại TPHCM cũng như tại các tỉnh thành lân cận như Bình Dương. Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân khi ra đường, lực lượng chuyên trách có trách nhiệm lớn, cần xem xét nhân rộng mô hình các tổ công tác đặc biệt tại Hà Nội.

“Nơi nào trộm cướp lộng hành, phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là lãnh đạo công an các cấp từ tỉnh đến cơ sở địa phương đó. Ai không đáp ứng được nhiệm vụ thì phải sớm thay thế, chúng ta phải đảm bảo an toàn tính mạng, cuộc sống yên bình của người dân” - Bà Nga nói.

Phó Chủ nhiệm UBTP lưu ý, dư luận bức xúc đối với các vụ án hiếp dâm, giết người, cướp của man rợ. Hành vi gây án rất bình tĩnh, nhiều vụ hung thủ còn thực hiện việc phi tang với kế hoạch chặt chẽ, tỉnh táo nhưng đến khi đưa ra xét xử lại “đột nhiên tâm thần”.

Vừa qua, báo Tiền Phong có loạt bài phát hiện đường dây mua bán, “chạy” bệnh án tâm thần. Lợi dụng tâm thần để thoát tội là điều rất đáng lo, phải làm rõ. Khi phát hiện trường hợp cố ý giám định sai, cần phải có cơ chế xử lý nghiêm minh người vi phạm; có biện pháp cụ thể để ngăn chặn việc nạn tiêu cực, chạy án.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phải tạo được chuyển biến tích cực, rõ rệt đối với ngành tư pháp, thanh tra và các ngành hữu quan trong đấu tranh PCTN, lãng phí; nâng cao chất lượng xét xử, điều tra, công tác thi hành án, đem lại cuộc sống bình yên, tốt đẹp cho người dân.

Bắt giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết thời gian qua đã phát hiện, xử lý 1.518 vụ vi phạm pháp luật, tội phạm về kinh tế, tham nhũng.

Đã khởi tố, bắt giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; khởi tố, bắt giam ông Đỗ Quốc Khánh, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (Falcon) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo thông tin của Tiền Phong, ông Phạm Thanh Tân cùng một số cá nhân khác bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan vụ việc gây thiệt hại 3.900 tỷ đồng tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội.

Trước đó, cơ quan điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Bích Lượng (44 tuổi), nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội, về hành vi “vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng”. Bà Lượng có sai phạm trong việc cho một Cty liên doanh vay vốn đầu tư dự án.

Ngoài ra, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 82/2011 quy định thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, theo hướng sử dụng thuốc độc sản xuất trong nước. Hiện còn 532 bị án tử hình chưa được thi hành vì chờ thuốc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG